Ba vấn đề của Dự án Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ:

Cần đánh giá đầy đủ các tác động đến sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ và ĐBSCL

VietTimes -- TP.HCM và Bộ TN&MT cần xem xét lại Dự án Khu Đô thị biển Cần Giờ, đánh giá đầy đủ các tác động của nó đến Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ và ĐBSCL, trước khi quyết định triển khai hay không.

1. Tại sao có Bài 2

Ngày 25/05/2019, tác giả đã viết bài báo Dự án Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ (sau đây gọi tắt Bài báo) trên báo Dân Việt (1) nêu lên ba vấn đề cần làm rõ: (1) Tên của Dự án là gì; (2) Tác động của Dự án lên Khu dự trữ sinh quyển Cần giờ; (3) Khai thác cát ở các “mỏ cát” và hậu quả sạt lở ở ĐBSCL.

Ngày 28.05.2019, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ đã gửi thư cho tác giả (sau đây gọi tắt là Thư ngày 28052019) để trình bày về ba vấn đề mà Bài báo đã nêu. Cuối cùng bức thư viết:

“Công ty Cần Giờ rất mong được bác cho cơ hội để tiếp tục lắng nghe và tiếp thu nhiều hơn quan điểm, góc nhìn khoa học quý báu của bác nhằm hoàn thiện Dự án vì sự phát triển bền vững của Cần Giờ và Thành phố Hồ Chí Minh nói chung”.  

Thư, dài 5 trang, trao đổi lại về ba vấn đề, dẫn chiếu nhiều văn bản, đề tài nghiên cứu và đánh giá của một số nhà khoa học để nói lên rằng Dự án được chuẩn bị là công phu, báo cáo gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để xin phê duyệt đánh giá tác động môi trường là nghiêm túc.

Trước nhiệt tình đó, ba ngày sau, 31.05.2019, tác giả đã phúc đáp rất sẵn lòng gặp, và để cuộc gặp có kết quả, tác giả đã đề nghị được cung cấp một số tài liệu được dẫn chiếu trong Thư ngày 28.05.2019 để nghiên cứu trước.

Đến nay, đã ba tháng, thư gửi đi chưa được hồi âm, mặc dù đã có hai thư nhắc lại. Thiết nghĩ cần thông tin rộng rãi về ba vấn đề của “siêu” Dự án lấn biển 2870 ha này. 

2. Thư ngày 28052019 trình bày về ba vấn đề của Dự án. Nhận xét. 

2.1. Tên của Dự án

Trong Bài báo, tác giả đã viết: “Trong Quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TNvMT), tên của Dự án là “Khu du lịch biển Cần Giờ, quy mô 2870 ha”. Không có cụm từ “đô thị”. Tài liệu mà chủ đầu tư gửi ra để Bộ TN&MT xem xét phê duyệt mang tên Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án “Khu du lịch biển Cần Giờ - Quy mô 2870 ha”. Vậy tên gọi Dự án là gì, vì danh có chánh thì ngôn mới thuận. 

Thư ngày 28.05.2019 của Tổng Giám đốc Công ty cho biết: 

“( …) Tên gọi của Dự án là “Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ, quy mô 2870 ha”. Tuy nhiên do lỗi đánh máy, tại Quyết định số 220/QĐ-BTNMT, tên gọi của Dự án đã ghi thành “Khu du lịch biển Cần Giờ, quy mô 2870 ha”. (…). Hiện nay Công ty đã gửi văn bản tới Bộ Tài nguyên Môi trường để làm thủ tục đính chính tên Dự án trong Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường theo đúng tên gọi đã thống nhất từ trước đến nay là “Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ, quy mô 2.870 ha”.  

Xin có hai nhận xét về trả lời trên đây.

(1) Thư không nói “lỗi đánh máy” là ở Bộ TN&MT hay ở Báo cáo xin phê duyệt ĐTM của Công ty. Để rõ sự việc, tác giả đã đề nghị được cung cấp Quyết định 220/QĐ-BTNMT và Báo cáo Công ty đã gửi ra Bộ TN&MT để xin phê duyệt ĐTM của Dự án. Đến nay đã ba tháng, chưa được phúc đáp.

(2) Nhưng cho dù là “lỗi đánh máy” ở đâu đi chăng nữa, thiết nghĩ Bộ TN&MT không thể chỉ làm thủ tục đính chính. Bởi lẽ còn đó việc huy động gần 90 triệu mét khối cát từ đồng bằng sông Cửu Long cho nhu cầu san lấp của Dự án mà Quyết định 220 phê duyệt ĐTM chưa đề cập đến, trong khi đáng lý ra Bộ phải có ý kiến với trách nhiệm của cơ quan nhà nước về quản lý tài nguyên và đánh giá tác động đến môi trường trong cả nước, bất luận dự án đó nằm trên địa bàn nào. Vấn đề không đơn giản như lãnh đạo Công ty, chủ Dự án, nghĩ!  

2.2. Khai thác cát ở các “mỏ cát” và hậu quả sạt lở ở ĐBSCL

Dự án khu đô thị du lịch biển Cần Giờ, dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn, phê duyệt ĐTM, cát san lấp, sạt lở, đồng bằng sông Cửu Long.
Dự án khu đô thị du lịch biển Cần Giờ, dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn, phê duyệt ĐTM, cát san lấp, sạt lở, đồng bằng sông Cửu Long (Hình 1).

Trong tình hình sạt lở ngày càng nhiều và càng nghiêm trọng hiện nay ở ĐBSCL, lấy từ sông Tiền và sông Hậu khoảng 90 triệu m3 cát trong hai năm sẽ làm cho cán cân trầm tích càng thêm thâm hụt, tình trạng sạt lở bờ sông và xói lở bờ biển càng thêm trầm trọng. Hậu quả sạt lở và xói lở là nhãn tiền.

Câu hỏi mà Bài báo nêu lên là Chủ đầu tư có quan tâm đến việc lấy đi 90 triệu m3 cát trong hai năm sẽ làm tình hình sạt lở và xâm thực ở đồng bằng sông Cửu Long trầm trọng thêm hay không? 

Về vấn đề này, Thư ngày 28/05/2019 cho biết:

“(1) Các nguồn các mỏ đã nghiên cứu khảo sát: 10 mỏ đã khảo sát: khoảng 30,21 triệu m3; vùng khảo sát S3 lân cận Dự án: khoảng 63,65 triệu m3; tận dụng của nguồn nạo vét Sông Soài Rạp và Lòng Tàu: khoảng 20 triệu m3. Như vậy, việc khai thác cát tại chỗ đủ đảm bảo nhu cầu san lấp của dự án.

Trong trường hợp UBND TP. Hồ Chí Minh không cho phép khai thác cát tại khu vực TP. Hồ Chí Minh, Công ty (…) đã và đang thực hiện các phương án từ các mỏ cát lân cận đã có giấy phép và đang khai thác để đảm bảo đủ khối lượng cát san lấp cho dự án, cụ thể: Hợp tác xã khai thác cát Bình Đại khai thác cát sông Cử Đại, Bến Tre (Giấy phép số 2278/QD-UBND của tỉnh Bến Tre với trữ lượng khai thác là 4.000.000 m3; Công ty Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp khai thác cát Sông Tiền, Đồng Tháp (Giấy phép số 162/QD-UB-HC của UBND tỉnh Đồng Tháp) với trữ lượng khai thác là 140.000.000 m3; Công ty TNHH MTV Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp khai thác mỏ cát trên sông Tiền, Đồng Tháp (Giấy phép sô 259/GP-UBND của tỉnh Đồng Tháp) với trữ lượng khai thác là 4.916.300 m3; Công ty CP Đầu tư xây dựng thương mại Tấn Thắng khai thác mỏ cát trên sông Hậu. Sóc Trăng (Giấy phép số: 46/GP-UBND tỉnh Sóc Trăng) với trữ lượng khai thác 1.640.520 m3; 

(2) Dự án cũng có phương án sử dụng vật liệu thay thế để san lấp đảm bảo đúng quy định/quy chuẩn của nhà nước về vật liệu san lấp như: Dự án Metro của Thành phố: tận dụng nguồn đất đá thải do đào hầm metro trên địa bàn Thành phố. Các dự án nạo vét luồng lạch: Dự án Cảng Cái Mép có 600.000 m3; Dự án của Tổng công Ty bảo đảm toàn hàng hải miền Nam nạo vét luồng Cái Mép-Thị Vải có 400.000 m3; Dự án thép Hòa Phát Dung Quất ở Quảng Ngải có 15 triệu m3 …”

Xin có mấy nhận xét về trả lời trên đây

(1) Có rất nhiều số liệu về trữ lượng khai thác trong hai đoạn trên đây rất đáng ngờ, cần được xác minh, vị trí không rõ (như “vùng khảo sát S3 lân cận Dự án” chẳng hạn). Tác giả đã đề nghị Công ty cho tham khảo Giấy phép số 2278/QD-UBND của tỉnh Bến Tre; Giấy phép số 162/QD-UB-HC của tỉnh Đồng Tháp; Giấy phép số 259/GP-UBND của UBND tỉnh Đồng Tháp; Giấy phép số 46/ GP-UBND của UBND tỉnh Sóc Trăng. Cho tới hôm nay, chưa nhận được bất cứ bản sao các giấy phép nào. Trong khi đó theo thông tin mà tác giả có được, lượng cát khai thác trong các giấy phép thấp hơn rất nhiều (thậm chí nhiều lần) lượng cát mà Thư 28052019 thông báo.

(2) Rõ ra thêm một điều là ngoài các “mỏ cát” trong Hình 1, còn có nhiều “mỏ cát” khác ở Đồng Tháp, Bến Tre, Sóc Trăng sẽ được Công ty khai thác cho nhu cầu san lấp của Dự án.

(3) Thư ngày 28/05/2019 không nói gì đến tác động môi trường khi khai thác các “mỏ cát” ở đồng bằng sông Cửu Long. Dường như không có các thông tin về lượng cát san lấp cần cho Dự án trong Báo cáo ĐTM của Dự án gửi Bộ TN&MT. 

Theo tác giả, làm sáng tỏ vấn đề cát san lấp từ ĐBSCL và tác động lên môi trường là tối cần thiết để Dự án được duyệt ĐTM và được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai.

2.3. Về tác động của Dự án lên Khu dự trữ sinh quyển Cần giờ

Tác giả đã nêu lên vấn đề này trong Bài báo với những nhận xét và câu hỏi dưới đây:

(1) Đánh giá tác động trong Báo cáo ĐTM quá sơ lược để có sức thuyết phục rằng “khu vực quy hoạch không làm giảm diện tích rừng ngập mặn và không tác động trực tiếp đến Khu dự trữ sinh quyển”. 

Cùng một lý lẽ được đưa ra khi dự án chỉ lấn biển 821 ha nằm gọn trong xã Long Hòa, cũng như khi Dự án mở ra 2870 ha dọc suốt cả 21 km bờ biển Cần Giờ. Lý lẽ đó là Dự án “phù hợp với Quy chế quản lý Khu vực dự trữ sinh quyển RNM Cần Giờ ban hành tại Quyết định 05/2008/QĐ-UBND”. 

Khoảng cách 8,6 km đưa ra có ý nghĩa gì khi mà giữa khu vực dự án và vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển là một mạng lưới đan dày sông rạch (Hình 2c), ở đó biên độ triều khá cao và triều là bán nhật?

(2) Khối lượng và nhất là chất lượng nước lan truyền vào Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ ra sao trong giai đoạn thi công (san lấp 122 triệu m3 cát, nạo vét 11 triệu m3 để làm biển hồ nhân tạo) và trong giai đoạn dự án đi vào hoạt động với khoảng 100.000 m3 thải ra ngày đêm?

(3) Sự hiện diện trong tương lai của 228.506 cư dân và của 8,887 triệu lượt khách du lịch/năm, sẽ tạo ra công ăn việc làm cho 25.000 người dân bản địa, nhưng sức ép lên dân bản địa cũng sẽ không nhỏ. Liệu có bao nhiêu người sẽ di dời vào vùng đệm rồi sau đó vào vùng lõi để tìm kế sinh nhai vốn quen thuộc với họ? Mặt khác, số cư dân mới và số khách du lịch sẽ tác động ra sao đến các quần thể sinh vật của Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ?

Thư ngày 28/05/2019 cho biết:

“Tại Chương 3 trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã nhận diện đầy đủ các ảnh hưởng đến khu vực dự trữ sinh quyển như tác động đến kinh tế xã hội, tác động do gia tăng mật độ ân cư, tác động do quá trình xây dựng, tác động của chất thải rắn, tác động dến đa dạng sinh học. tác động đến chất lượng nguồn nước, tác động đến giao thông…” 

Chính vì thế mà tác giả đã đề nghị được nhận Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án. Rất tiếc đã ba tháng rồi Công ty CP Đô thị du lịch Cần Giờ chưa đáp ứng để tác giả (và nhũng ai quan tâm) hiểu được “nhận diện đầy đủ các ảnh hưởng đầy đủ các ảnh hưởng đến khu vực dự trữ sinh quyển” cụ thể là như thế nào! 

Thư ngày 28/05/2019 cho biết tiếp:

“Công ty đã kết hợp cùng với các đơn vị có chuyên môn (Phòng TNTĐQG (Phòng Thí nghiệm Trọng Điểm Quốc gia - NV) về Động lực học sông biển của Bộ NN&PTNT, Phòng Thí nghiệm trọng điểm quốc gia điều khiển số và kỹ thuật hệ thống (không nói rõ cùng là một phòng TNTĐQG hay một phòng khác và thuộc Bộ hay cơ quan nào - NV) chạy mô hình để đánh giá mức độ lan truyền của nước thải từ hoạt động san lấp trong giai đoạn xây dựng và nước thải sinh hoạt từ hoạt động của Dự án đến chất lượng nguồn nước nuôi rừng ngập mặn (…)

Chính vì thế mà tác giả đã đề nghị được tham khảo các kết quả mô phỏng của (các) Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, nhưng cho tới nay cũng chưa được đáp ứng.

Mặc dù vậy với những thông tin có được, tác giả có mấy nhận xét và câu hỏi dưới đây: 

(1) Công ty cổ phần Đô thị và du lịch Cần Giờ, chủ Dự án, tiếp nhận ra sao các đoạn sau đây trong Quyết định 220/QĐ-BTNMT:

+ “1.9. Giới hạn của nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường: 

Báo cáo đánh giá tác động môi trường này được thực hiện trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi, vì vậy một số hạng mục, biện pháp bảo vệ môi trường chưa thật chi tiết, cụ thể, chưa đủ thông tin để đánh giá tác động môi trường (…) yêu cầu chủ Dự án tiếp tục thực hiện đánh giá tác động môi trường ở bước tiếp theo”. (tại trang 4/8).

“3.1. Tiếp tục nghiên cứu trong các giai đoạn tiếp theo tác động của việc thực hiện Dự án đến Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, đến xói lở, bồi tụ và dòng chảy các khu vực xung quanh Dự án và có biện pháp giảm thiểu thích đáng các tác động tiêu cực của Dự án.” (tại trang 5/8).

(2) Tác giả chưa tiếp cận được các báo cáo của Phòng Thí nghiệm trọng điểm quốc gia về động lực học sông biển của Bộ NNvPTNT và Phòng Thí nghiệm trọng điểm quốc gia điều khiển số và kỹ thuật hệ thống, nên chưa thể phát biểu về kết quả mô phỏng mà Thư ngày 28/05/2019 dẫn chiếu. 

Tuy nhiên qua miền mô phỏng, Hình 2a, có thể khẳng định mô phỏng số không đáp ứng yêu cầu nghiên cứu tác động môi trường xung quanh, tại Dự án và tại Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Cần một miền mô phỏng khác bao gồm vùng Dự án với biển hồ nhân tạo, vùng lõi, vùng đệm, vùng chuyển tiếp và đầy đủ mạng lưới các sông rạch chính.

Miền mô phỏng không phản ánh thực tế vùng cần nghiên cứu ĐTM.
Miền mô phỏng không phản ánh thực tế vùng cần nghiên cứu ĐTM (Hình 2).

3. Nhận xét và Kiến nghị

(1) Thành phố Hồ Chí Minh khai thác các tiềm năng và thế mạnh của mình để phát triển, đó là điều tất yếu. Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ 2870 ha là một dự án đầu tư nhằm mục đích này. Tuy nhiên phát triển nhanh nhưng phải bền vững, cho mình mà không phương hại đến các vùng tiếp giáp. Muốn vậy, mọi dự án đầu tư đều phải được đánh giá thật khách quan, khoa học và toàn diện Được và Mất, đặc biệt Mất về môi trường.  

Sau ba tháng tìm hiểu thêm Dự án, trong điều kiện Chủ dự án chưa cung cấp tài liệu, tác giả càng thấy Dự án phải được xem xét hết sức thận trọng, bởi lẽ Dự án càng “siêu”, tác động càng lớn. Thư ngày 28/05/2019 đã đưa ra những lý lẽ nhằm xác tín rằng hồ sơ của Dự án được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, không làm tác giả yên tâm, mà ngược lại còn làm tăng thêm sự nghi ngại.

(2) San lấp với lượng cát khổng lồ khai thác từ ĐBSCL đang bị xâm thực và sạt lở ngày càng nghiêm trọng, là cực kỳ nguy hiểm đối với vùng đất này. Nếu không tin như vậy, chủ Dự án phải cam kết chịu trách nhiệm về tất cả những thiệt hại mà Dự án gây ra.

(3) Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ TN&MT cần xem xét lại Dự án này, đánh giá đầy đủ các tác động của nó đến Khu dự trũ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ và ĐBSCL. Bộ TN&MT với trách nhiệm của cơ quan nhà nước về quản lý tài nguyên và đánh giá tác động đến môi trường trong cả nước, phải có ý kiến cho dù địa bàn bị tác động không nằm trên cùng địa bàn của dự án.

(4) Tác giả vẫn sẵn lòng gặp Chủ Dự án, và để cuộc gặp có kết quả, đề nghị được cung cấp trước một số tài liệu được dẫn chiếu trong Thư ngày 28/05/2019.

* GS TSKH Nguyễn Ngọc Trân là Đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Đối ngoại của Quốc hội khóa X, XI.

Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần giờ

Năm 2016 Công ty cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ, trình Ủy Ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dự án “Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ quy mô 2870 ha”. Dự án này trùm lên Dự án “Khu đô thị du lịch lấn biển Cần giờ” năm 2003 do Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn làm chủ đầu tư.

Phúc đáp tờ trình của UBND Thành phố, ngày 17.4.2017 Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc nghiên cứu điều chỉnh, bố sung quy hoạch ven biển tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, thuộc khu vực phía Nam của huyên Cần Giờ; UBND Tp Hồ Chí Minh cập nhật Dự án vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thành phố đến năm 2030, trình duyệt theo quy định. 

Ngày 05.9.2018, Ủy ban nhân dân Tp Hồ Chí Minh duyệt Đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ quy mô 2870 ha.

Ngày 28.01.2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt nội dung báo cáo tác động môi trường của Dự án “Khu du lịch biển Cần Giờ, quy mô 2870 ha” được lập bởi Công ty cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ.

Dưới đây là những thông tin chính về phạm viquy mô của Dự án.

Tổng diện tích 2870 ha được xây dựng trên toàn bộ bãi triều Cần Giờ với một biển hồ nhân tạo rộng 872 ha. Quy mô dân số là 228.506 người và khoảng 8,887 triêu lượt người/năm khách du lịch. Sẽ dẫn về Khu vực Dự án 100.000 m3 nước ngọt ngày đêm; sẽ có 5 cửa xả nước thải đã xử lý trực tiếp ra biển; sẽ san lấp với 122 triệu m3 cát; sẽ nạo vét 11 triệu m3 đất bãi triều để làm khu vực biển hồ nhân tạo; sẽ xây dựng 21 km kè bờ biển với 2,5 triệu m3 đá hộc các loại (lấy từ tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu). Sẽ đưa về 1 triệu m3 cát trắng (lấy từ Bình Thuận).

Hiện tại, Dự án đang chờ được cập nhật vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Tp HCM đến năm 2030, trình duyệt theo quy định, và chỉ khi được duyệt mới được phép triển khai.

Thông tin tham khảo:

(1). Nguyễn Ngọc Trân, Ba vấn đề trong dự án đô thị du lịch Cần Giờ, http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/ba-van-de-trong-du-an-do-thi-du-lich-can-gio-3380664/

(2) Vị trí và tên các mỏ cát trong Hình 1 được trích ra từ video clip “Siêu dự án lấn biển Cần Giờ 2870 ha của Vingroup - Đầu tư siêu lợi nhuận” https://www.youtube.com/watch?v=kZekpLRDzHQ. Thư ngày 28/05/2019  cho rằng “Clip tiếp thị Dự án trên mạng Internet không phải là sản phẩm của Công ty, và công ty đang làm việc với các bên liên quan để tránh phát tán gây ảnh hưởng đến uy tín của Công ty”.