Triển lãm Mobile World Congress ở Barcelona năm nay đã minh chứng rõ ràng một xu hướng mới của điện thoại thông minh năm nay, đó là camera kép. Thực ra, camera kép không phải là một ý tưởng hoàn toàn mới. Năm 2011, chiếc HTC Evo 3D đã được trang bị camera kép để quay video 3D. Mặc dù ứng dụng cụ thể cho camera kép chưa thực sự được đưa ra, nhưng các nhà sản xuất vẫn đang kiên trì tìm tòi những công nghệ mới cho điện thoại.
Năm nay, hầu hết các mẫu điện thoại cao cấp đều được trang bị camera kép. Mặc dù cấu tạo của camera kép là dùng 2 cảm biến chụp một tấm ảnh, nhưng mỗi nhà sản xuất điện thoại lại có cách thức ứng dụng công nghệ khác nhau. Nếu bạn đang muốn sắm một chiếc điện thoại mới và băn khoăn không biết công nghệ camera kép của hãng nào thực sự ưu việt, hãy cùng xem những thông tin dưới đây.
Sự tiếp cận của Apple
Trước tiên chúng ta hãy cùng xem xét chiếc iPhone 7 Plus. Ra mắt vào cuối năm ngoái, mẫu điện thoại cao cấp nhất của của Apple đã được bổ sung tính năng mà “những người anh em của nó” không có: camera kép ở phía mặt lưng. Apple đã lựa chọn iPhone 7 Plus để giải quyết một vấn đề nhỏ nhưng quan trọng của điện thoại thông minh: thiếu zoom quang. Hầu hết điện thoại thông minh đều được trang bị zoom kỹ thuật số, nhưng ảnh chụp với zoom kỹ thuật số thường có nhiều hạt.
Camera của iPhone 7 Plus đã giải quyết vấn đề này một cách khá khôn ngoan và khéo léo. Mặc dù 2 cảm biến trong hệ thống camera này đều có độ phân giải là 12 mpx nhưng chúng đi kèm với 2 ống kính khác nhau. Camera bên trái là ống kính góc rộng 28mm với khẩu độ f/1.8, còn camera bên phải là ống kính tele với khẩu độ f/2.8. Khi chụp ảnh, iPhone 7 Plus sẽ chuyển đổi giữa 2 ống kính này theo yêu cầu. Nhờ phần mềm được viết rất tốt của Apple mà việc chuyển đổi giữa 2 ống kính rất linh hoạt.
Do 2 camera có hai tiêu cự khác nhau nên iPhone 7 Plus có khả năng chụp được Ảnh Chân dung Xóa phông. Cho dù tính năng chụp chân dung xóa phông mới được bổ sung trong bản cập nhật phần mềm sau khi IP7 Plus đã ra mắt được một thời gian, nó vẫn được coi là một trong những tính năng cơ bản của mẫu điện thoại này.
Nói ngắn gọn, cơ chế chụp ảnh xóa phông của IP7 Plus như sau: hình ảnh từ 2 camera sẽ được kết hợp thành một. Người hoặc đối tượng ở tiền cảnh là thứ duy nhất được lấy nét. Mặc dù hiệu ứng xóa phông chưa thực sự mãn nhãn nhưng Apple vẫn còn nhiều thời gian để cải tiến tính năng này.
Trong khi IP7 Plus là thiết bị nổi tiếng nhất trang bị camera kép, nó không “đơn thương độc mã” trên thị trường. Tại triển lãm CES tổ chức hồi tháng Giêng năm nay, Asus đã cho ra mắt chiếc ZenFone 3 Zoom, với khả năng chụp ảnh giống như IP7 Plus, ngoài ra còn có thể phóng to 3 lần (zoom 3x) và cải tiến lấy nét theo pha. ZenFone 3 Zoom cũng có chức năng chụp ảnh chân dung, nhưng chúng ta còn cần kiểm chứng hoạt động của nó trong thực tế.
Camera kép của LG
Trước khi Apple trang bị camera kép cho IP7 Plus, LG đã đưa công nghệ này vào điện thoại từ thời G5 mặc dù ít người biết đến điều này. Tiếc thay, LG G5 là một sản phẩm thất bại trên thị trường. Nhưng LG đã không từ bỏ ý tưởng. Trên thực tế hãng này đã tiến hành nâng cấp cảm biến thứ hai.
So với Apple, LG đã xử lý máy ảnh thứ hai một cách trái ngược. Vị trí IP7 Plus đặt camera thu nhỏ lại là nơi LG đặt camera phóng to nhờ có trường ngắm (field of view) rộng hơn. Phương pháp này thực ra không được sử dụng rộng rãi. Chiếc LG G6 có thể sẽ thay đổi, và chúng ta hy vọng doanh số của nó sẽ tốt. Tuy nhiên, một số người không đánh giá cao camera của LG vì trường ảnh rộng có thể làm hình ảnh bị méo, đặc biệt là dọc theo các cạnh.
Camera kép của Huawei
Huawei đã đưa camera kép vào một số mẫu điện thoại cao cấp, trong đó có chiếc P10 mới ra mắt. Về mặt kỹ thuật, P10 sở hữu một công nghệ camera phức tạp nhất. Nó bao gồm 2 cảm biến riêng biệt. Điểm khác biệt ở đây là có một cảm biến chỉ chụp ảnh đen trắng. Như vậy camera sẽ nhạy sáng hơn và vì thế có thể chụp được những tấm ảnh đẹp hơn trong điều kiện ánh sáng yếu.
Ưu điểm của cách tiếp cận này là người dùng có thể tạo ra những bức ảnh đen trắng có chất lượng cao hơn ảnh màu. Nó là một sự bổ sung cho những người thích hiệu ứng đen trắng. Thật không may, khi đánh giá về Huawei P9 (sử dụng công nghệ giống hệt P10), chúng tôi thấy chất lượng video không cao cho dù những bức ảnh chụp từ camera P9 vẫn rất đẹp.
Ngay cả khi Huawei là người dẫn đầu trong phương pháp xây dựng camera kép kiểu này, Huawei vẫn không phải là hãng duy nhất. Tháng 9 năm ngoái, Qualcomm công bố công nghệ Clear Sight. Đây là một công nghệ tương tự như Huawei, nhưng dễ triển khai và giá thành rẻ hơn. Xiaomi đã ứng dụng Clear Sight trong chiếc Mi 5s Plus ra mắt năm ngoái. Một số nhà sản xuất khác cũng đang tìm đến công nghệ này. Chúng ta có thể thấy nó sẽ phổ biến trong tương lai gần.
Quá khứ, hiện tại và tương lai
Mặc dù camera kép đã được trang bị trên một số mẫu điện thoại cao cấp, nhưng không phải cái nào cũng áp dụng được trong thực tiễn. Chẳng hạn camera kép của HTC Evo 3D được thiết kế để quay video 3D và xem video 3D không cần kính. Nhưng 3D giờ đây đã trở thành một công nghệ “lụi tàn”, khiến cho công nghệ của Ê vô trở nên vô dụng.
Có một công nghệ ít phổ biến hơn và vẫn đang được sử dụng ngày nay, chẳng hạn như trong chiếc Honor 6X của Huawei và một số điện thoại của HTC. Công nghệ này dựa trên hai cảm biến khác nhau, một cảm biến độ phân giải cao và một cảm biến độ phân giải thấp. Cảm biến thứ hai chỉ được sử dụng cho các hiệu ứng đặc biệt, trong đó có kiểu chụp xóa phông giống như iPhone. Đây là phương pháp rẻ tiền mà đem lại cho người dùng những bức ảnh thú vị. Đối với họ, ảnh xóa phông là tất cả những gì mà họ cần.
Để dọn đường cho các sản phẩm tương lai, Oppo mới đây đã giới thiệu công nghệ máy ảnh mới nhất của mình với khả năng zoom quang lên đến 5x. Chiếc Oppo 5x được trang bị camera kép với kiến trúc ống kính vuông góc kiểu kính tiềm vọng. Một trong hai cảm biến được gắn vào ống kính telephoto và giấu bên trong khung máy. Công nghệ này chưa từng được áp dụng trên bất cứ mẫu điện thoại nào, và chúng ta mong đợi Oppo sẽ sớm thương mại hóa mẫu điện thoại này.
Một công nghệ camera khác đã được giới thiệu qua dự án Tango của Google. Tango là công nghệ thực tế tăng cường (augmented reality). Nó yêu cầu phải có từ 3 đến 4 cảm biến khác nhau. Nhưng nguyên tắc hoạt động của Tango thì cũng giống với những công nghệ đã mô tả ở trên: sử dụng nhiều mô đun camera cho một mục đích duy nhất. Công nghệ Tango đã cho ra đời những tấm ảnh rất đẹp, cho dù Tango chưa trở thành một sản phẩm hiện hữu trên thị trường.
Cho đến nay, chỉ có một vài thiết bị hỗ trợ Tango, nhưng trong tương lai gần Tango có thể trở thành một Big Thing (công nghệ lớn), miễn là Google “đánh bóng” nó đủ tốt. Trên thực tế, các camera trên smartphone luôn có những hạn chế riêng. Nhưng những hạn chế ấy sẽ được cải tiến trong những phiên bản kế tiếp. Chúng ta cùng mong chờ những công nghệ camera mới xuất hiện trong thời gian tới.
Theo Phone Arena