Mở đầu buổi tọa đàm, TS Trần Quang Diệu – giảng viên Khoa Báo chí và Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã giới thiệu về lịch sử các cuộc CMCN trên thế giới. Riêng với CMCN 4.0, cách thức làm báo đã thay đổi nhanh chóng. Nhà báo có thể làm việc mọi nơi, mọi lúc với máy tính xách tay có kết nối Internet, máy ảnh số, máy quay video kỹ thuật số… Còn bạn đọc thì cũng đọc báo mọi nơi, mọi lúc bằng điện thoại thông minh của mình. Có thể nói, CMCN 4.0 đang điều chỉnh không gian sống của đông đảo công chúng và người làm báo phải làm chủ công nghệ để truyền tải thông tin thật nhanh chóng và chính xác. Báo chí 4.0 đem lại xu thế của tòa soạn hội tụ, xuất bản theo yêu cầu và người dùng Internet cũng hoàn toàn có thể tự xuất bản thông tin của mình thông qua blog cá nhân và mạng xã hội.
Còn theo nhà báo Lê Quốc Minh – Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, thời đại CMCN 4.0 đòi hỏi ở các nhà báo ngoài kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ của mình còn phải biết sử dụng các thiết bị kỹ thuật số, thiết kế web và thậm chí cả lập trình. Ông cũng đề cập một thực tế của báo chí một số nước đã ứng dụng những công nghệ tiên tiến. Thí dụ như khi một chính khách phát biểu trên truyền hình thì hệ thống của họ tự động lấy trong cơ sở dữ liệu những phát biểu trước đó của chính những người này để khán giả có thể thấy được sự mâu thuẫn trong các phát biểu của họ. Đó là thực tế của tòa soạn thông minh, hãng tin thông minh mà Thông tấn xã Việt Nam đang hướng tới.
Tuy nhiên, theo TS Đỗ Thị Thu Hằng – Phó Chủ nhiệm Khoa Báo chí và Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, dù công nghệ có phát triển đến đâu thì thì với mọi nhà báo, quan trọng nhất vẫn là nền tảng kiến thức và đạo đức nghề nghiệp vẫn là quan trọng nhất. Báo chí muốn phát triển thì phải tranh thủ được công nghệ chứ không phải là lệ thuộc vào công nghệ.
Ông Nguyễn Thanh Lâm – Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử thì đề cập là chưa bao giờ việc sàng lọc thông tin trên mạng lại khó như hiện nay khi ai ai trong đó có các nhà báo cũng có thể chia sẻ và khai thác thông tin trên mạng xã hội. Bản thân các nhà báo cùng tòa soạn của họ đều phải hoàn thành mục tiêu có thật nhiều view với các bài viết của mình sau khi đăng. Đó là một thực tế khiến Facebook không hề đầu tư gì cho họ nhưng vận bộn thu quảng cáo, vẫn đang nuốt chửng các báo chí điện tử. Điều quan trọng theo ông với các nhà báo là không chỉ cần nhiều view mà bài viết phải có chất lượng.
Kết thúc buổi tọa đàm, nhà báo Mai Đức Lộc – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam lấy làm tiếc vì một chủ đề quan trọng như vậy được thảo luận nhưng lại có quá ít lãnh đạo các cơ quan báo chí tham dự. Tuy nhiên, đáng mừng chính là sự quan tâm của giới trẻ trong đó có rất đông sinh viên không chỉ của ngành báo chí tới sự kiện này. Tương lai của báo chí trong kỷ nguyên số thuộc về những người trẻ đã và đang thích nghi và làm chủ các công nghệ mới trong báo chí.