Đó là một nội dung trong tài liệu "Việt Nam với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư" (CMCN 4.0) của Ban Kinh tế Trung ương Đảng do ông Nguyễn Văn Bình - trưởng ban - chủ biên.
Các trường ĐH sẽ đối mặt với CMCN 4.0 như thế nào?
Tác động lớn
Nhiều chuyên gia dự báo cuộc CMCN 4.0 khiến giáo dục ĐH bị đặt trước nhiều thách thức rất lớn.
TS Đàm Quang Minh - hiệu trưởng Trường ĐH Thành Tây - thông tin: "Theo đánh giá của GS Frey và GS Osborne tại ĐH Oxford (Vương quốc Anh), có tới 47% công việc sẽ bị ảnh hưởng do cuộc CMCN 4.0.
Dễ thấy nhất là nhu cầu một số ngành liên quan đến CMCN 4.0 như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học... bắt đầu tăng. Bên cạnh việc nhu cầu đào tạo của các ngành tăng giảm khác nhau thì nội dung đào tạo cũng khác nhau.
Ví dụ ngành marketing đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ từ marketing truyền thống sang marketing hiện đại và digital marketing. Trong khi đó, việc làm là sản phẩm của trường ĐH, do đó các trường đương nhiên sẽ có tác động to lớn...".
Ông Lê Trí Tín - giám đốc kinh doanh bộ phận truyền động và điều khiển của Bosch Rexroth, chuyên gia về hệ thống công nghiệp 4.0 - cũng cho biết CMCN 4.0 ảnh hưởng đến yêu cầu về trình độ chuyên môn, kỹ năng của một số ngành nghề sẽ thay đổi.
Cụ thể, các ngành tự động hóa, cơ điện tử, tin học ứng dụng, xử lý dữ liệu... sẽ có sự mở rộng về kiến thức đào tạo cũng như kỹ năng chuyên ngành. "Vì vậy, đòi hỏi các trường ĐH cũng phải thay đổi" - ông Tín nhấn mạnh.
Từ góc độ trường ĐH, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cho rằng đặc thù của cuộc CMCN 4.0 là xuất hiện trí tuệ nhân tạo, công nghệ tự động hóa, vật liệu mới và công nghệ thông tin trong phân tích dữ liệu (big data).
Với đặc thù đó, cơ cấu ngành nghề sẽ thay đổi rất nhanh. Hầu hết các thiết bị trong thời đại CMCN 4.0 đều là thiết bị đa ngành, đơn cử như chiếc điện thoại thông minh đã kết hợp rất nhiều chức năng chứ không chỉ là công cụ để nghe, nói. Để làm ra sản phẩm này cần phải có sự phối hợp rất nhiều ngành nghề.
"Cũng do đặc thù của thời đại, giảng viên lên lớp không còn chiếu bài giảng vì gần như tất cả kiến thức sinh viên có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng. Với CMCN 4.0, sinh viên phải tự học là chính.
Vai trò của người thầy cũng thay đổi từ trạng thái dạy học sang hướng dẫn. Giảng viên hướng dẫn sinh viên học qua các dự án, giải quyết các bài toán từ thực tế. Việc này đòi hỏi giảng viên phải tăng cường ra thực tế để có dự án hướng dẫn sinh viên.
Nếu chỉ gói gọn việc dạy bên trong nhà trường thì giảng viên sẽ không thể dạy được nữa" - ông Dũng khẳng định.
Tương tự, PGS.TS Nguyễn Văn Thư - hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM - cho rằng tiến bộ công nghệ thông tin sẽ làm xuất hiện những loại hình đào tạo mới. Hệ thống đào tạo trực tuyến đại chúng, đào tạo online là những loại hình đào tạo mới thách thức các phương thức đào tạo truyền thống.
Đây là những khóa ĐH mở trên mạng có hàng chục triệu người theo học. Sắp tới, các trung tâm xuất sắc sẽ cung cấp các khóa học trực tuyến theo nhu cầu và rất sát với thực tế.
Theo đó, các trung tâm này mời những giáo sư giỏi nhất ở từng lĩnh vực đặt viết về vấn đề này. Các trung tâm xuất sắc này sẽ cung ứng các khóa học như vậy. Có thể lúc đầu giá khóa học này đắt nhưng dần dần sẽ rẻ hơn và thậm chí miễn phí.
"Những thách thức trên đặt ra yêu cầu các trường ĐH một mặt phải đẩy mạnh nghiên cứu phát triển các công nghệ mới đáp ứng yêu cầu công nghiệp 4.0, một mặt tự thay đổi để phù hợp với nền công nghiệp mới" - ông Thư nói.
PGS.TS Hồ Thanh Phong - hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) - đúc kết: "Với CMCN 4.0 cần phải có nền giáo dục 4.0. Ở đó, con người, máy móc, thiết bị, công việc được kết nối mọi nơi để tạo ra nền giáo dục thiên về đào tạo cá nhân hóa.
Chương trình đào tạo chưa linh hoạt
PGS.TS Đinh Đức Anh Vũ, trưởng ban ĐH - ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng chương trình đào tạo hiện nay xây dựng vẫn chưa được linh hoạt, nội dung chưa phù hợp với nhu cầu và xu thế thị trường lao động CMCN 4.0.
Các trường ĐH thực hiện hoạt động đào tạo theo hai hướng, một mặt phải đáp ứng tính định hướng xã hội, mặt khác đào tạo cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Trong khi đó, nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Lao động quốc tế cho thấy tương lai nguồn nhân lực yêu cầu nhiều kỹ năng hơn và đa dạng kỹ năng.
Một số công việc có thể bị thay thế bởi máy, thiết bị và robot, nhưng các công việc liên quan đến kỹ năng thuộc về con người như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc đội nhóm, kỹ năng sáng tạo, kỹ năng xử lý vấn đề... sẽ khó thay thế bởi robot.
Vì vậy, những kỹ năng này sẽ trở nên quan trọng cho tương lai CMCN 4.0 bên cạnh những kỹ năng thuộc về kỹ thuật như tự động hóa, cơ điện tử, công nghệ thông tin...