Cách mạng 4.0 và cơ hội thúc đẩy kinh tế Việt Nam: Công nghệ phải kết nối với cái đẹp
Tân Khoa
VietTimes -- Ông Nguyễn Liên Phương - Chủ tịch Học viện Doanh nhân LP cho rằng công nghệ phải kết nối với cái đẹp. Theo ông, tăng năng suất hạ giá thành không thể là cái đích của nền sản xuất mà sản phẩm muốn bán được thành công trên thị trường thì phải có thẩm mỹ công nghiệp phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.
Theo TS Mai Liêm Trực - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông, nói đến CMCN 4.0 thì tư duy cho nó cũng phải thay đổi và thay đổi lớn nhất chính thể chế. Để bước vào CMCN 4.0 thì mọi lĩnh vực có nhu cầu phải có khát vọng và phải dấn thân thì mới có thể thành công.
Còn theo TS Lê Nam Thắng - nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông, chúng ta đang bước vào CMCN 4.0 với nhiều thuận lợi hơn so với thời kỳ kết nối Intrernet cách đây 20 năm. Tuy nhiên, vấn đề phải làm được là vai trò của quản lý nhà nước và tất cả các bộ, ngành đều phải vào cuộc một cách thực sự.
Ông Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch Công ty Nexttech cho biết, trong CMCN 4.0 với nhiều ứng dụng công nghệ, sức lao động của con người đã được giải phóng. Điển hình như với loại hình taxi công nghệ thì không cần đến bộ máy quản lý như taxi truyền thống. Và đương nhiên, doanh nghiệp không năng động thì sẽ bị đào thải.
Ông Nguyễn Thế Trung - Giám đốc Công ty DTT, trong kỷ nguyên mà robot thay thế con người thì tư duy mới của con người là phải biết giao việc cho robot chứ không phải là cắm mặt vào lập trình. Con người phải tư duy đến những công nghệ kiếm ra tiền để thay đổi dịch vụ công nghệ.
Kỳ vọng về CMCN 4.0 sẽ làm thay đổi nền sản xuất song ông Nguyễn Liên Phương - Chủ tịch Học viện Doanh nhân LP lại khẳng định là công nghệ phải kết nối với cái đẹp. Theo ông, tăng năng suất hạ giá thành không thể là cái đích của nền sản xuất mà sản phẩm muốn bán được thành công trên thị trường thì phải có thẩm mỹ công nghiệp phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Và đó cũng là thực tế thành công của các thương hiệu như Apple, Honda... Đó chính là thành công của nền kinh tế hình ảnh mà Việt Nam phải học tập những mô hình thành công như Hàn Quốc, nơi mà 80% các đại học có đào tạo về thẩm mỹ công nghiệp.
Nếu nhìn vào thực tiễn của một hãng xe máy như Honda, suốt nhiều năm qua sản phẩm của họ dường như không có nhiều cải tiến về kỹ thuật mà chủ yếu chỉ thay đổi mẫu mã. Và tại thị trường Việt Nam thì sản phẩm của Honda chỉ khác nhau màu sơn thôi cũng đã khác nhau giá tiền. Khi đó, người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao để mua được sản phẩm phù hợp với thị hiếu của mình.
Riêng với lĩnh vực phần mềm, kinh tế hình ảnh cũng là một yếu tố quyết định. Theo TS Nguyễn Chí Công – nguyên Trưởng ban Khoa học Công nghệ của Hội Tin học Việt Nam, mỗi lần Microsoft cho ra đời các sản phẩm mới về hệ điều hành Windows và bộ phần mềm văn phòng Microsoft Office thì về cơ bản cũng chỉ là thay đổi giao diện. Còn tính năng kỹ thuật được bổ sung cũng không nhiều. Chính vì thế mà dù Microsoft đã có những hệ điều hành mới như Windows 7, Windows 8… cùng bộ phần mềm văn phòng Microsoft Office 2007… nhưng rất nhiều người sử dụng vẫn không bỏ Windows XP và Microsoft 2003 vì đã quen với các tính năng kỹ thuận sẵn có của những sản phẩm này mà với sản phẩm mới của Microsoft lại khó phần khai thác hơn.
Vì thế, TS Trương Gia Bình – Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam cho rằng, trong chương trình đào tạo của ngành CNTT, ngoài các kiến thức chuyên môn thì sinh viên rất cần được học các kiến thức về thẩm mỹ công nghiệp. Có như vậy, họ mới xây dựng được các sản phẩm phần mềm với giao diện đẹp bên cạnh những tính năng kỹ thuật tiện ích. Suy rộng ra với CMCN 4.0, ông Trương Gia Bình cho rằng trong chương trình của tất cả các đại học đều phải học lập trình và thẩm mỹ công nghiệp. Có như vậy, chúng ta mới có thể làm được các sản phẩm thương hiệu Việt vừa c ó chất lượng tốt vừa đẹp mặt và bán được trên thị trường.