Theo một nghiên cứu được công bố hôm 8/7, trong năm nay, các nền tảng quảng cáo kỹ thuật số của Google, Amazon.com và một số công ty công nghệ khác vẫn trả ít nhất 25 triệu USD cho các trang web lan truyền thông tin sai lệch về dịch Covid-19.
Theo đó, các nền tảng của Google sẽ trả 19 triệu USD, tức 75% số tiền mà những trang web trên nhận được từ doanh thu quảng cáo.
OpenX, một nhà phân phối quảng cáo số nhỏ hơn, thanh toán 10%. Trong khi đó, Amazon sẽ trả khoảng 1,7 triệu USD, tương đương 7%, theo nhóm nghiên cứu Global Disinformation Index (GDI).
GDI là nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Anh, chuyên xếp hạng rủi ro về thông tin sai lệch trên các trang truyền thông toàn cầu.
Nghiên cứu của GDI dựa trên các quảng cáo được phát từ tháng 1 đến tháng 6 trên 480 trang web tiếng Anh được cho là đăng tải thông tin sai lệch về virus. Một vài quảng cáo trong số đó dành cho những thương hiệu như gã khổng lồ mỹ phẩm L’Oreal, trang web nội thất Wayfair và Canon.
Dữ liệu trên không tính đến các dịch vụ truyền thông xã hội và video trực tuyến. Vì vậy, con số thực tế có khả năng cao hơn nhiều.
Các chính phủ và quan chức y tế trên khắp thế giới vẫn đang nghiên cứu về chủng virus mới. Điều này cho phép thông tin sai lệch lan truyền rộng rãi trên mạng.
Các gã khổng lồ ở Thung lũng Silicon đã cam kết ngăn chặn tình trạng này. Trong đó, Google xóa quảng cáo khỏi những trang web vi phạm chính sách của mình. Tuy nhiên, GDI cho rằng những nền tảng này cần phải làm nhiều hơn nữa để hạn chế làn sóng tin giả.
"Các tập đoàn khẳng định với công chúng rằng họ không kiếm tiền từ ngôn từ kích động thù địch và nội dung gây hại, nhất là về đại dịch. Nhưng điều đó không giống với những dữ liệu mà chúng tôi có được", Bloomberg dẫn lời ông Danny Rogers, nhà đồng sáng lập GDI, bình luận.
Hôm 19/5, một quảng cáo của hãng L'Oreal đăng tải trên Americanthinker.com do Amazon phân phối được xếp ngay gần bài viết có tiêu đề: "Các công ty dược phẩm khổng lồ đang giấu thuốc sốt rét Hydroxychloroquine?".