Xe tăng dòng T từ thời Liên Xô, như mẫu T-72 phổ biến mà cả Nga và Ukraine đều sử dụng, nhỏ hơn và nhẹ hơn Abrams và được vận hành bởi ít thành viên tổ lái hơn, ít được bảo vệ hơn. Chúng được bọc thép ít hơn nhưng có hình dáng thấp hơn so với xe tăng hạng nặng Abrams hiện đang được lực lượng Ukraine sử dụng. Xe tăng Nga có hệ thống nạp đạn tự động nổi tiếng nguy hiểm nhưng lại dễ sản xuất hàng loạt hơn.
Ukraine hiện đang vận hành một lực lượng nhỏ xe tăng M1A1 Abrams. Đây là mẫu xe tăng được Mỹ chế tạo để đối đầu với Liên Xô và đánh bại xe thiết giáp do Liên Xô sản xuất trong Chiến tranh vùng Vịnh. Xe tăng mà Iraq từng sử dụng là mẫu T-72 đã bị hạ cấp, tương tự như xe tăng Abrams của Ukraine là mẫu xuất khẩu mà không bao gồm những nâng cấp hàng đầu. Tuy nhiên, binh lính Ukraine vẫn ca ngợi Abrams.
“Nó tốt hơn T-72, T-62 và thậm chí cả T-90 của Nga”, một chỉ huy xe tăng Ukraine gần đây nói với hãng Business Insider. Ukraine đã vận hành cả xe tăng kiểu Liên Xô và kiểu phương Tây, giúp họ có được bức tranh rõ ràng về sự khác biệt giữa hai loại xe này.
Giống như các xe tăng và xe bọc thép khác ở Ukraine, Abrams đang phải đối mặt với mối đe dọa thường trực từ máy bay không người lái, mìn và tên lửa chống tăng, buộc nó phải đóng một vai trò mờ nhạt hơn, nhưng vẫn có giá trị. Cùng với xe chiến đấu bộ binh Bradley, chúng đã tăng cường khả năng chiến đấu của Lữ đoàn cơ giới 47 của Ukraine.
“Đó là một hệ thống vượt trội vô cùng”, Robert Greenway, một chuyên gia của Quỹ Di sản, người từng phụ trách một chiếc Abrams khi còn trong Quân đội, nói với Business Insider. "Chiếc A1 có thể cũ vì ở trong kho khá lâu, nhưng nó vượt trội hơn nhiều so với bất cứ thứ gì mà người Nga có".
Xe tăng Nga được coi trọng số lượng và tính cơ động
Xe tăng kiểu Liên Xô là những mục tiêu nhỏ hơn, khó bị tấn công hơn và dễ ẩn nấp hơn. Kích thước nhỏ hơn của chúng giúp tiêu hao ít nhiên liệu hơn, cho phép Nga sản xuất nhiều hơn. Nhưng Mỹ đã có một cách tiếp cận khác.
“Chúng tôi sẽ không bao giờ sản xuất nhiều xe tăng như người Nga”, ông Greenway giải thích. "Chúng tôi chỉ định sản xuất một loại có thể tiêu diệt nhiều xe tăng Nga và sống sót trong quá trình đó".
Những chiếc xe tăng như T-72 nhẹ hơn khoảng 20 tấn so với Abrams và có chiều cao cũng như chiều dài ngắn hơn rõ rệt.
Liên Xô muốn đẩy mạnh số lượng xe tăng, với chi phí thấp hơn trong khi có khả năng cơ động cao hơn. Ngược lại, Mỹ muốn xe tăng của họ đứng vững trước các cuộc tấn công dữ dội của xe tăng Liên Xô, tập trung hơn vào hỏa lực và khả năng sống sót.
“Hướng tiếp cận này bắt nguồn từ các triết lý quân sự tổng quát của mỗi bên. Liên Xô coi số lượng và phía Mỹ vốn có lợi thế về công nghệ trên hầu hết các lĩnh vực”, Jeffrey Edmonds, cựu quân nhân Mỹ và chuyên gia an ninh quốc gia, nhận định.
Trong suốt cuộc chiến ở Ukraine, Nga đã dựa vào các xe tăng T-72, T-80 và T-90, tất cả đều có chung những đặc điểm thiết kế nhất định.
Thiết kế theo phong cách Liên Xô – nhỏ hơn, nhẹ hơn và thấp hơn – khiến xe tăng khó tham gia vào một số môi trường nhất định và cơ động hơn, nhưng xe tăng thiếu loại áo giáp dày để che chắn cho tổ lái như của Abrams.
Trên xe tăng Abrams, đạn dược được cất giữ phía sau tháp pháo và được ngăn cách với tổ lái bằng cửa chống nổ để tăng khả năng sống sót của tổ lái. Xe tăng kiểu Liên Xô cất giữ đạn trong tháp pháo, dẫn đến kết cục thảm khốc nếu đạn bốc cháy khi xe bị bắn trúng.
Abrams cồng kềnh và mạnh mẽ hơn
Ban đầu, Mỹ dự định gửi cho Ukraine xe tăng M1A2 mới hơn nhưng đã quyết định đẩy nhanh quá trình này bằng cách chọn loại M1A1 cũ hơn. Kiev chỉ nhận được 31 chiếc Abrams, hiện đang phục vụ trong Lữ đoàn cơ giới 47.
Mặc dù M1A1 cũ hơn nhưng nó vẫn là một tài sản có tiềm năng.
Abrams được chế tạo đặc biệt để chống lại xe tăng kiểu Liên Xô trong cuộc chiến trên bộ ở châu Âu, có lớp giáp chắc chắn hơn để chịu được nhiều đòn đánh hơn và ưu tiên khả năng sống sót của tổ lái. Trong Chiến tranh vùng Vịnh, các đánh giá của Quân đội Mỹ đã ghi nhận nhiều ví dụ trong đó hỏa lực của đối phương bật ra khỏi xe tăng, chúng có thể sống sót sau nhiều đòn tấn công và tiếp tục gây sát thương.
Khả năng sát thương của Abrams một phần nhờ vào những viên đạn xuyên phá làm bằng uranium nghèo, có hiệu quả cao trong việc xuyên giáp kẻ thù trong khi các mảnh kim loại bắn ra cũng có thể bốc cháy, dẫn đến sát thương cao. Một số xe tăng Nga cũng bắn loại đạn này, nhưng phần lớn là không dùng.
Động cơ tua bin khí mạnh mẽ của Abrams, đôi khi được so sánh với động cơ phản lực, có thể giúp chiếc A1 nặng 60 tấn đạt tốc độ 45 dặm một giờ (72,4 km/giờ), mang lại cho chiếc xe tăng hạng nặng đủ sự linh hoạt.
Tuy nhiên, Abrams là loại xe tăng rất khó để bảo trì. Khi Ukraine nhận Abrams, các chuyên gia cho biết việc duy trì chuỗi cung ứng phụ tùng và vật liệu ổn định để sửa chữa những chiếc A1 bị hư hỏng sẽ rất khó khăn, nhưng các quan chức Mỹ cho biết họ đã gửi "rất nhiều phụ tùng thay thế" để duy trì hoạt động của dây chuyền.
Điểm yếu của hai mẫu xe tăng
Ở Ukraine, cả xe tăng kiểu Liên Xô và xe tăng do Mỹ sản xuất đều đang gặp khó khăn. Máy bay không người lái, một mối đe dọa tương đối mới và dai dẳng, cũng như vũ khí chống tăng và mìn, đã gây ra những thách thức không hề nhỏ đối với xe tăng.
Cả Ukraine và Nga đều đang xây dựng những chiếc lồng ngày càng phức tạp trên xe tăng của mình để chống lại máy bay không người lái. Điều này đã làm tổn hại đến xe tăng do Liên Xô thiết kế, ảnh hưởng đến cấu hình thấp của chúng.
Xe tăng Abrams cũng đóng vai trò mờ nhạt hơn trong khi xe chiến đấu bộ binh Bradley do Mỹ cung cấp lại trở nên có giá trị hơn. Mỹ đã gửi hơn 300 chiếc Bradley cho Kiev kể từ đầu năm 2023.
Người ta đã nhìn thấy những chiếc Bradley vận chuyển binh lính và vật liệu khắp tiền tuyến, thậm chí còn đối đầu với những chiếc T-90 của Nga.