Đến chiều qua, 22/4, đã có thêm có 5 thí sinh Sơn La trong vụ gian lận thi cử trúng tuyển vào Trường Đại học (ĐH) Kinh tế Quốc dân bị xóa tên khỏi danh sách. 2 thí sinh còn lại được tiếp tục theo học với lý do vẫn đủ điểm trúng tuyển sau chấm thẩm định.
Trước đó, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng xóa tên 2/5 thí sinh Hòa Bình khỏi danh sách trúng tuyển, sau chấm thẩm định các thí sinh này không đủ điểm chuẩn. 3 thí sinh còn lại vẫn đủ điểm xét tuyển nên nhà trường vẫn cho theo học.
Như vậy, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân có 7/12 thí sinh trong vụ gian lận thi cử bị buộc thôi học, còn 5 thí sinh trong danh sách này vẫn được học.
Đến nay, các trường của Bộ Công an đã hoàn tất việc xử lý các thí sinh gian lận thi cử ở Sơn La và Hòa Bình, sau khi đã trả về địa phương 53 thí sinh (một đợt 28 thí sinh và một đợt 25 thí sinh). Trong số này có 16 thí sinh của Học viện ANND, 33 thí sinh của Học viện Cảnh sát nhân dân và 4 thí sinh của Trường Đại học PCCC.
Dư luận đòi hỏi phải xử lý nghiêm các vụ gian lận thi cử
|
Trong số 25 thí sinh tỉnh Sơn La vừa bị các trường công an trả về địa phương, có 12 trường hợp là chiến sĩ nghĩa vụ và 13 trường hợp là học sinh phổ thông. Trong đó, có thí sinh được nâng tới 26,55 điểm - số điểm gian lận nhiều nhất trong danh sách 44 thí sinh của Sơn La - là Nguyễn Anh T. Điểm thực ba môn Toán - Vật lý - Ngoại ngữ của T. là 0 - 0,25 - 0,2 nhưng đã được sửa thành 9 - 9 - 9.
Trong số 12 chiến sĩ nghĩa vụ, có 2 người học tại Học viện An ninh nhân dân, 9 người vào Học viện Cảnh sát nhân dân và 1 người học Trường Đại học PCCC.
Theo Thiếu tướng Bùi Minh Giám - Cục trưởng Cục đào tạo (Bộ Công an), quy chế thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT vẫn cho phép các thí sinh liên quan đến vụ gian lận thi cử này được tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Song, việc các thí sinh này có được tham gia đăng ký sơ tuyển vào các trường CAND hay không, Bộ Công an phải xem xét. Bởi việc xét tuyển vào ngành công an, ngoài điểm chuẩn, còn phải tính đến phẩm chất chính trị, đạo đức.
Mặc dù quan điểm của Bộ GD&ĐT là xử lý nghiêm khắc, xem xét cho thôi học những thí sinh có kết luận liên quan đến gian lận thi cử, nhưng hiện vẫn còn 12 thí sinh trong vụ này đang được theo học.
Cho dù Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, sau khi có kết luận của cơ quan điều tra, thí sinh nào tham gia vào quá trình gian lận thi cử, sẽ bị xử lý theo pháp luật, thì việc xử lý không thống nhất giữa các trường đại học đang tạo ra sự mất công bằng giữa các thí sinh liên quan đến vụ việc rúng động này. Bởi tất các thí sinh nằm trong danh sách nâng điểm ở các trường công an đều bị hủy kết quả, trong khi những thí sinh tương tự lại được theo học ở các trường đại học khác.
Giải thích về vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết việc xử lý những sai phạm liên quan đến kết quả thi THPT quốc gia của thí sinh không chỉ thực hiện theo Quy chế, mà còn theo các qui định của nhiều văn bản quy phạm pháp luật và các qui định khác của cơ sở giáo dục đại học. Theo Luật Giáo dục Đại học, việc tuyển sinh cũng như xử lý các trường hợp thí sinh trong vụ gian lận thi cử thuộc thẩm quyền của các trường đại học, nên các trường xử lý theo quyền và trách nhiệm của họ.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết ông ủng hộ cách xử lý của các trường đại học khối công an, đồng thời, cho biết Bộ GD&ĐT đang rà soát, tham khảo ý kiến chuyên gia pháp luật để hoàn thiện các quy chế, quy định, nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh khi thực hiện cơ chế tự chủ đại học, đặc biệt là các chế tài đủ mạnh để răn đe, xử lý đối với các loại vi phạm gián tiếp trong gian lận thi cử.
Việc xử lý thí sinh liên quan trong vụ gian lận điểm thi giữa các trường đại học có sự khác biệt đang gây nhiều tranh cãi, đồng thời, cho thấy ngành giáo dục rất lúng túng, bởi các quy định xử lý "lạch bạch chạy sau" thực tế, nên không đầy đủ.
Để ngăn chặn gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia 2019 đang cận kề, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết: Những "lỗ hổng" về mặt quy trình, kỹ thuật trong tổ chức thi THPT quốc gia 2018 hiện đã được khắc phục, với việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng các thiết bị kỹ thuật để đảm bảo an ninh, an toàn trong tổ chức thi; nâng cấp phần mềm nhằm ngăn chặn và hỗ trợ phát hiện gian lận trong quá trình chấm thi.
"Tuy nhiên, kỹ thuật, công nghệ có tốt đến đâu, vấn đề con người vẫn là quan trọng nhất. Vì thế, trong các cuộc họp chuẩn bị cho kỳ thi năm nay, tôi luôn đặc biệt yêu cầu lựa chọn cán bộ có năng lực, trách nhiệm, phẩm chất tốt để tham gia làm thi và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật."- Người đứng đầu ngành giáo dục nhấn mạnh.