Đó là phát biểu của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng được trích lời trong thông tin được đăng tải trên website của NHNN hôm 20-8.
Khi nói đến định hướng điều hành chính sách của NHNN từ nay đến cuối năm, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết sau hai lần điều chỉnh vừa qua (hôm 12-8 và 19-8), tỷ giá có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước, không chỉ từ nay đến cuối năm mà cả những tháng đầu năm 2016, tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ và đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Trước đó, vào ngày 19-8, NHNN đã điều chỉnh tăng 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng và nới biên độ tỷ giá lên +/-3%. Ngày 12-8, NHNN cũng đã nới biên độ tỷ giá từ +/-1% lên +/-2%.
Bà Hồng cho biết thêm, NHNN đã chuẩn bị đầy đủ các giải pháp, công cụ cần thiết và sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để ổn định tỷ giá và thị trường trong biên độ đề ra.
Tuy nhiên, sau động thái tăng tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ, đồng thời nới biên độ tỷ giá của NHNN, có một số phân tích và ý kiến cho rằng rủi ro tỷ giá vẫn còn, và dự báo vẫn có khả năng NHNN sẽ tăng tỷ giá thêm nữa, tùy thuộc vào diễn biến trên thị trường quốc tế.
Khối nghiên cứu của ngân hàng HSBC hôm 20-8 dự báo NHNN có thể phải giảm giá tiền đồng thêm 2% nữa từ nay đến cuối năm vì đồng tiền Nhân dân tệ yếu hơn sẽ tạo ra một môi trường ngày càng cạnh tranh cho ngành xuất khẩu của Việt Nam.
“Chúng tôi tăng mức dự báo cuối năm cho cặp tỷ giá USD/VND trong năm 2015 từ mức 21.830 lên 22.800 và cho cuối năm 2016 từ mức 22.300 lên 23.300”, khối nghiên cứu của HSBC cho biết trong một bản phân tích.
Với mức tỷ giá bình quân liên ngân hàng mới và biên độ +/-3%, tỷ giá trần mà các ngân hàng được phép niêm yết sẽ là 22.547 đồng/đô la Mỹ, và tỷ giá sàn là 21.233 đồng/đô la Mỹ.
Khối nghiên cứu của HSBC cho rằng đồng Nhân dân tệ sẽ còn giảm giá thêm khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho phép tỷ giá do thị trường quyết định trong khi cũng đang áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ của mình. Điều này cũng có nghĩa rằng NHNN sẽ phải thực hiện việc giảm giá tiền đồng thêm nữa nếu muốn các doanh nghiệp xuất khẩu duy trì trì năng lực cạnh tranh với Trung Quốc. Ngoài ra, nếu như Cục Dự trự liên bang Mỹ (FED) bắt đầu tăng lãi suất trong năm nay, tiền đồng cũng đối mặt với áp lực đồng tiền xuất ngoại.
Mặc dù NHNN đã cải thiện nguồn dự trữ ngoại tệ, nhưng mức dự trữ vẫn đang thấp hơn so với hầu hết các cách tính thông thường. Nếu như dự trữ ngoại hối của NHNN được sử dụng nhằm cấp vốn cho các dự án Chính phủ, điều này sẽ khiến NHNN thiếu cơ sở để giúp họ thực hiện cam kết của mình.
Trong khi đó, không giống như cách đây vài năm, NHNN hiện nay cũng có nhiều dư địa để thực hiện việc giảm giá tiền đồng. Lạm phát đang ở mức thấp lịch sử nhờ vào giá dầu trên toàn cầu giảm, và có ít lo ngại việc tỷ giá suy yếu sẽ dẫn đến việc giá cả tăng vọt. Thêm nữa, lãi suất thực cao hơn cũng giảm thiểu nhiều rủi ro từ các dòng vốn nội địa chảy ra ngoài.
Tuy nhiên, Khối nghiên cứu HSBC cho biết đồng Việt Nam sẽ khó giảm giá mạnh từ nay về sau. Nền kinh tế Việt Nam thực sự là một trong những điểm sáng trong khu vực châu Á. Nhu cầu nội địa đã hồi phục và cán cân thanh toán cân bằng hơn cộng với mức độ lạm phát thấp và lãi suất thực tế khá cao cho phép các chính sách tỷ giá trở nên linh động hơn trong khả năng kiểm soát nhu cầu đô la Mỹ. Ngoài ra, nợ nước ngoài của Việt Nam cao hạn chế cơ hội cho NHNN điều chỉnh tiền đồng quá nhanh.
Theo Phòng Phân tích của công ty chứng khoán Maybank Kim Eng hôm 19-8, động thái tăng tỷ giá và nới thêm biên độ tỷ giá của NHNN là bước đi phù hợp nhằm giảm thiểu tác động của việc phá giá đồng nhân dân tệ. Tuy nhiên, rủi ro về tỷ giá vẫn còn tồn tại và phụ thuộc rất lớn vào động thái tiếp theo của Trung Quốc. Hơn nữa, mức độ trượt giá của tiền đồng (VND) kể từ đầu năm vẫn chỉ ở mức trung bình so với khu vực.
Trong một thông cáo hôm 19-8, Ngân hàng ANZ cho rằng động thái hôm nay của NHNN tạo dự địa cho đồng Việt Nam tiếp tục yếu thêm nữa mà không gây áp lực buộc NHNN phải can thiệp. Tuy nhiên, liệu dư địa này đã đủ cho từ nay đến cuối năm hay không thì còn phải chờ xem. Theo đó, không thể loại trừ hoàn toàn khả năng NHNN sẽ có những chính sách tiếp theo, đặc biệt nếu đồng nhân dân tệ giảm giá mạnh thêm nữa. Động thái hôm nay cho thấy NHNN khá chủ động và sẽ tiếp tục như thế nữa nếu cần thiết.
Một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu khi được hỏi vào hôm 20-8 cũng cho rằng họ phỏng đoán vẫn còn khả năng có thêm một đợt điều chỉnh tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ trong thời gian ngắn tới. Ông L.B.T.H, giám đốc của một công ty nhập khẩu quy mô nhỏ hôm 20-8 cho biết cách đây 4 ngày, khi đàm phán hợp đồng nhập khẩu với đối tác Đài Loan, ông đã yêu cầu đối tác giảm giá 5% vì khi ấy ông cho rằng tiền đồng chắc chắn sẽ giảm giá cũng chừng ấy phần trăm so với đô la Mỹ đến cuối năm.
Sau khi tăng mạnh, có khi lên mức 22.480 đồng/đô la Mỹ vào sáng hôm qua sau động thái của NHNN, đến chiều ngày 20-8, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng nhìn chung hiện ở mức 22.420-22.435 đồng/đô la Mỹ (giá các ngân hàng bán ra). Trong khi đó, tỷ giá niêm yết mà các ngân hàng mua vào nhìn chung có tăng nhẹ so với hôm qua, từ mức 22.190-22.330 đồng/đô la Mỹ của sáng hôm qua lên mức 22.320-22.340 đồng/đô la Mỹ.
Chỉ số dollar index (được dùng để đo sức mạnh của đô la Mỹ với 6 đồng ngoại tệ khác) giảm từ mức 97,040 của ngày 18-8 xuống còn 96,359 vào cuối ngày 19-8 và dao động từ 96,270-96,520 trong ngày 20-8. Việc đồng đô la Mỹ bớt đà tăng giá so với các đồng tiền khác trên thị trường thế giới cũng khiến tiền đồng giảm giá so với một số đồng tiền khác. Cụ thể, tại Vietcombank, đồng euro hôm 20-8 niêm yết ở mức 25.024 đồng/euro, cao hơn hôm qua khoảng 170 đồng. Tuy nhiên, đồng Việt Nam hôm nay lại tăng giá nhẹ so với một số đồng tiền khác như đô la Úc, đô la Canada, đồng rúp, đô la Singapore.
Theo TBKTSG