Hợp tác hiếm gặp
Một số nhà xuất bản báo chí và tạp chí lớn đang thảo luận về việc thành lập một liên minh mới nhằm ngăn chặn tầm ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo (AI) đối với ngành này, theo Wall Street Journal.
Tham gia cuộc thảo luận này gồm có nhiều lãnh đạo và luật sư đến từ tờ New York Times, News Corp – công ty mẹ của Wall Street Journal, Vox Media, Advance – công ty mẹ của Condé Nast, Axel Springer – chủ sở hữu của Politico và Insider, IAC – công ty mẹ của Dotdash Meredith.
Tuy nhiên, chương trình thảo luận cụ thể vẫn chưa được quyết định, và một số nhà xuất bản vẫn chưa quyết định tham gia. Cũng có khả năng liên minh này sẽ không được hình thành, theo những người trong cuộc.
Mặc dù các nhà xuất bản nhất trí rằng họ cần phải đưa ra biện pháp bảo vệ hoạt động kinh doanh của mình khỏi sự trỗi dậy của AI, nhưng mỗi công ty lại có ưu tiên của riêng họ. Những sự khác biệt này có thể gây khó khăn trong việc đưa ra một chương trình nghị sự cụ thể cho liên minh.
Sự hợp tác giữa các nhà xuất bản cỡ lớn là điều hiếm gặp, bởi vậy mà các cuộc thảo luận này cho thấy công nghệ AI gây ra mối đe dọa tiềm ẩn như thế nào đối với cả ngành báo chí và xã hội.
Tài sản trí tuệ đang bị đe dọa trước sự trỗi dậy của AI
AI tạo sinh (generative AI) – một dạng trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra nhiều loại nội dung bao gồm văn bản, hình ảnh và âm thanh – đã trở thành cơn sốt sau khi ChatGPT của OpenAI được cho ra mắt vào năm ngoái. Chatbot này – gần như có thể đưa ra câu trả lời trước mọi câu hỏi – đã trở thành một hiện tượng toàn cầu, làm dấy lên lo ngại rằng AI có thể làm thay đổi nhiều ngành nghề.
Trong những tháng gần đây, nhiều lãnh đạo trong ngành báo chí đã bắt đầu quan tâm tới việc nội dung mà họ sản xuất được sử dụng để “huấn luyện” các công cụ AI như ChatGPT ở quy mô như thế nào, họ nên được đền bù ra sao và họ có những lựa chọn pháp lý nào?
Một trong số những mối quan ngại đặc biệt của họ là, những công cụ AI cung cấp thông tin trực tiếp cho người dùng, khiến cho độc giả cảm thấy không cần thiết phải truy lại nguồn thông tin, ví dụ như các bài báo.
Ngay cả trước khi AI trỗi dậy, các nhà xuất bản đã tìm kiếm khoản bồi thường từ các nền tảng công nghệ sử dụng nội dung của họ, nhưng mỗi công ty lại tự tìm kiếm thỏa thuận riêng của mình. Ví dụ, News Corp và The New York Times đã đạt được một số thỏa thuận nhỏ với Alphabet, công ty mẹ của Google.
Hiện nay, nhiều nhà xuất bản đang được đại diện một tổ chức có tên News Media Alliance. Tổ chức này đang thúc đẩy một dự luật cho phép các nhà xuất bản có quy mô nhất định được đàm phán chung và nhận được tiền bồi thường từ những “gã khổng lồ” công nghệ như Google vì đã sử dụng nội dung của họ.
Trước đó, đã có một nhóm lãnh đạo ngành xuất bản lên tiếng về AI và tác động của nó tới ngành báo chí.
Chủ tịch IAC Barry Diller tại một sự kiện mới đây đã cảnh báo về việc AI thu thập nội dung – hoặc sử dụng văn bản, hình ảnh sẵn có trên mạng để huấn luyện các công cụ AI – và nói rằng trong một số trường hợp, các nhà xuất bản nên “đưa ra hành động pháp lý ngay lập tức”.
CEO của Axel Springer, Mathias Döpfner, hồi đầu năm nay nói rằng các công ty truyền thông cần phải nghiêm túc xem xét về ChatGPT và những diễn biến khác về AI.
CEO của News Corp, Robert Thomson, một trong những nhân vật lên tiếng phản đối các nền tảng AI mạnh mẽ nhất, mới đây cảnh báo rằng tài sản trí tuệ đang bị đe dọa trước sự trỗi dậy của AI. Ngoài Wall Street Journal, News Corp còn sở hữu nhiều tờ báo khác bao gồm Barron’s, MarketWatch và nhiều tổ chức báo chí, truyền thông khác ở Anh và Australia.
“Đầu tiên, nội dung của chúng tôi bị thu thập và sau đó được tiếp nhận để đào tạo các cỗ máy AI”, ông nói trong một sự kiện mới đây. “Thứ hai, những câu chuyện cá nhân sẽ được hiển thị trong những tìm kiếm nhất định. Và thứ ba, nội dung của chúng tôi sẽ được tổng hợp lại và trình bày lại một cách khác biệt, trong khi trên thực tế những nội dung này được trích xuất từ quá trình biên tập”.
Phản ứng lại những lời chỉ trích nhằm vào các mô hình huấn luyện AI của mình, CEO OpenAI Sam Altman hồi đầu năm nay tuyên bố: “Chúng tôi đã thực thi đúng với quy tắc Fair Use – một điều khoản pháp lý cho phép sử dụng tài liệu có bản quyền mà không cần xin phép trong một số trường hợp nhất định. Altman cũng cho hay OpenAI đã ký nhiều thỏa thuận về nội dung./.
CEO Gannett: Báo chí chật vật sống vì hành vi gian lận của Google
Tương lai của Truyền thông và Báo chí trong kỷ nguyên Trí tuệ nhân tạo
Giám đốc điều hành khu vực Asean - Global PR Hub: Báo chí đang phải đối mặt với nhiều thách thức
Theo Wall Street Journal