Các GENCO – Khi quy mô không đi kèm với hiệu quả

Mặc dù có tổng tài sản rất lớn lên tới 172.663 tỷ đồng, nhưng 3 Tổng công ty phát điện (GENCO) vẫn chưa thể phát huy hiệu quả, khiến kế hoạch "lên sàn" gặp nhiều khó khăn.
Các GENCO – Khi quy mô không đi kèm với hiệu quả

Thành lập từ năm 2012, 3Tổng công ty phát điện(GENCO) được giao trách nhiệm đảm nhận quản lý các nhà máy điện và phần vốn của EVN tại các Công ty phát điện đang hoạt động.

Tính đến cuối năm 2013, tổng công suất của GENCO 1 là 4.505 MW, GENCO 2 quản lý 3.549 MW và GENCO 3 là 4.013 MW. Đặc điểm của các GENCO khi được thành lập là Bộ Công thương đã tính toán để cả 3 đều có năng lực tương đối đều nhau, tức là sở hữu cả nhà máy hoạt động tốt lẫn chưa tốt, để thực hiện chiến lược cổ phần hóa cả GENCO thay vì từng nhà máy như trước đây.

Vốn chủ sở hữu của các GENCO 1,2,3 tính đến ngày 31/03/2014 lần lượt là 13.858 tỷ, 10.272 tỷ và 12.327 tỷ đồng, tổng tài sản rất lớn lên tới 172.663 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngay từ khi thành lập, các GENCO đều rất khó khăn trong việc huy động vốn từ các ngân hàng, thậm chí nhiều chủ nợ còn không đồng ý việc chuyển giao công nợ từ EVN sang các Tổng công ty này.

Cả 3 GENCO đều có tỷ số D/E (Nợ/Vốn chủ sở hữu) ở mức nguy hiểm, chỉ có GENCO 2 ở mức thấp nhất là 1,98 lần, còn GENCO 1 và 3 ở mức rất cao, lần lượt là 4,08 và 6,37 lần. Như vậy, với mục tiêu đưa tỷ lệ này ở GENCO 2,3 về mức 3 lần, vốn chủ sở hữu của 2 đơn vị này phải được bổ sung tương ứng lên đến 17.111 và 22.196 tỷ đồng.

Về hiệu quả hoạt động kinh doanh, năm 2013 cả 3 GENCO đều báo lãi lần lượt là 305 tỷ, 2.523 tỷ và 283 tỷ đồng. Tuy nhiên tỷ suất ROE của GENCO 1 và 3 chỉ đạt 2,2%, thấp hơn nhiều so với mức 10% ở các doanh nghiệp sản xuất điện của Nhà nước, 13% ở các doanh nghiệp sản xuất điện tư nhân.

GENCO 2 có vốn thấp nhất, nhưng hiệu quả hoạt động vượt trội nhất trong nhóm với ROE lên đến 22,8%. Một điểm đáng lưu ý, tất cả các khoản lợi nhuận trên đều chưa tính đến khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá, nếu tính đầy đủ khoản này thì cả 3 Tổng Công ty này đều lỗ.

Về tình hình đầu tư, EVN đã hoàn thành kế hoạch phát điện năm 2014 với 5/5 tổ máy – tổng công suất 1.700 MW gồm Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (2x622 MW), Tổ máy 2 Nhiệt điện Hải Phòng 2 (300 MW), Thủy điện Sông Bung 4 (2x78 MW). EVN đã phải huy động nguồn vốn rất lớn từ nhiều hình thức khác nhau cả trong và ngoài nước để đáp ứng tổng vốn đầu tư cả năm là 125.453 tỷ đồng (tăng 27,91 so với năm ngoái, vượt kế hoạch 1,53%).

Tổng công suất lắp đặt của tập đoàn ước tính đạt 20.765 MW (duy trì ở mức 60% công suất toàn hệ thống). Khối lượng đầu tư của nhóm này trong thời gian tới là rất lớn. Cụ thể, GENCO 1 đang đầu tư thực hiện 5 dự án, tổng vốn đầu tư 81.478 tỷ đồng, đòi hỏi vốn đối ứng trên 24.443 tỷ đồng. GENCO 3 cũng cần 39.652 tỷ đồng vốn đối ứng để đầu tư 6 dự án có mức vốn đầu tư lên đến 132.174 tỷ đồng. Thấp nhất trong nhóm này là GENCO 2 cũng cần đến 5.284 tỷ đồng vốn đối ứng cho 3 dự án trị giá 17.613 tỷ của mình. Dự kiến tổng giá trị đầu tư toàn tập đoàn trong năm 2015 khoảng 127.533 tỷ đồng, tăng 1,66% so với năm 2014.

Để chuẩn bị cho thị trường bán buôn điện cạnh tranh, Chính phủ đã chỉ đạo cổ phần hóa 3 Tổng Công ty phát điện. GENCO 3 đã được Bộ Công thương chọn là đơn vị tiên phong với mục tiêu đặt ra sẽ là đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng 3/2016.

Theo đánh giá của CTCP Chứng khoán FPT (FPTS), điểm thuận lợi là các GENCO đều không thuộc diện Nhà nước phải nắm cổ phần chi phối, nên có thể bán cho các đối tác chiến lược để nhà đầu tư có thể tham gia điều hành.

Tuy nhiên, công ty này cũng cho rằng, việc hầu hết các GENCO đều sở hữu cả các nhà máy điện hoạt động tốt và không tốt, cộng với tình hình tài chính ở tình trạng “vay khó, trả nợ cũng chẳng dễ” thì nhiều khả năng quá trình cổ phần hóa sẽ gặp không ít khó khăn.

Theo Bizlive