Các dự án ODA đường sắt đô thị bị chậm trễ nghiêm trọng

Có tới 4 trên tổng số 6 dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh bị “chậm trễ nghiêm trọng”, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị điểm danh
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị điểm danh

Trong số các dự án này có dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Trên thực tế, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, danh sách dự án chậm có 14 dự án cần tiếp tục được giám sát thường xuyên.

“Đây đều là những dự án đầu tư có quy mô và vốn đầu tư lớn, nên việc kéo dài thời gian sẽ đẩy chi phí thực hiện dự án lên rất cao, giảm hiệu quả đầu tư và gây lãng phí nguồn lực”, bộ này cho biết.

Báo cáo với bạn chỉ đạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc đưa ra giải pháp cụ thể để giải quyết vướng mắc cho các dự án đường sắt đô thị hiện đang là yêu cầu bức thiết.

Gần đây, ngày 16-7-2015, 4 ngân hàng phát triển (ADB, AFD, KFW và JICA) đã có công thư gửi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề xuất việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp cao đối với các dự án đường sắt đô thị để giải quyết các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện của các dự án đường sắt đô thị đã triển khai và lập kế hoạch xây dựng các dự án đường sắt đô thị trong thời gian tới cho hiệu quả.

Báo cáo của bộ này cho biết, dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội và dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành – Suối Tiên tiến độ thực hiện đã có cải thiện.

Báo cáo cho biết, trước đây có 23 chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi trong danh sách dự án chậm tiến độ năm 2015 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tổng hợp từ báo cáo của các bộ, ngành, địa phương và dựa trên 3 tiêu chí.

Thứ nhất, dự án bị nhà tài trợ xếp loại dự án chậm, không đáp ứng yêu cầu và cần theo dõi để tháo gỡ vướng mắc;

Thứ hai, dự án được phê duyệt và thực hiện trên 3 năm nhưng giải ngân không đáng kể;

Thứ ba, dự án có khả năng bị chậm tiến độ do một số vấn đề gây cản trở.

Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói: "Nhiều nơi khó bố trí vốn đối ứng, dẫn đến chậm trễ, không thực hiện đúng cam kết. Các bộ, ngành, địa phương phải xem xét thận trọng vấn đề này. Nếu vượt lên thì phải tự lo, không thể đẩy ngược lại cho trung ương".

Bộ cho biết, theo các báo cáo cập nhật của các cơ quan chủ quản, nhờ nỗ lực chung của các ngành, các cấp, 10/23 dự án về cơ bản đã giải quyết xong các khó khăn, vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, thiếu vốn đối ứng, thiếu vốn kế hoạch ODA.

Các dự án này bao gồm: dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội; dự án hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện; dự án thành lập 5 trường cao đẳng nghề Việt Nam – Hàn Quốc; dự án xây dựng và cải tạo hệ thống thoát nước thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hoá) thuộc dự án Cấp nước và nước thải đô thị; dự án phát triển các đô thị loại vừa tại Việt Nam - tiểu dự án đô thị Vinh; dự án giảm thất thoát nước; tăng cường, mở rộng mạng lưới cấp nước và tăng cường thể chế cho Tổng Công ty Cấp nước Sài gòn giai đoạn 2011 – 2015; dự án phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghệ cao Hòa Lạc; dự án nâng cấp đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long, tiểu dự án TP. Mỹ Tho, TP. Rạch Giá; chương trình tín dụng chuyên ngành SPL VI; nhóm các dự án IFAD...

Tai cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, trong bối cảnh trở thành nước thu nhập trung bình, việc thu hút các nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi sẽ ngày càng khó khăn, các bộ, ngành và địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp thời gian qua cần quyết liệt và chú trọng hơn trong công tác điều hành, lựa chọn các dự án ưu tiên, nâng cao chất lượng văn kiện dự án để đảm bảo tiến độ cam kết và hiệu quả đầu tư.

Theo TBKTSG