Theo ý kiến của bà Nguyễn Việt Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương Mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham Hanoi), một xu hướng trong ngành viễn thông đang được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm hiện nay đó là sự phát triển dịch vụ viễn thông qua vệ tinh.
Dịch vụ Internet vệ tinh sẽ tạo điều kiện phát triển do những lợi thế về độ bao phủ gần như ở mọi nơi, bao gồm cả vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Khi sử dụng dịch vụ này, sẽ không phải đầu tư lắp đặt các hệ thống cáp biển hay đường truyền vốn cần đầu tư lớn và tính ổn định không cao.
Sự phát triển của các dịch vụ Internet vệ tinh xuyên biên giới có thể trở thành một lựa chọn bổ sung hiệu quả giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào các tuyến cáp và đường truyền, đa dạng kết nối Internet quốc tế cho những nhóm người dùng khác nhau.
Hiện nay, dịch vụ này đã được triển khai ở một số quốc gia trong khu vực như Nhật Bản, Philippines, Indonesia,… Do đó, đại diện Amcham Hanoi đã kiến nghị Luật Viễn thông (sửa đổi) cần dự đoán trước xu thế này và có những quy định khuyến khích hoặc cho phép các dịch vụ Internet vệ tinh xuyên biên giới được cung cấp nếu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này có văn phòng đại diện tại Việt Nam hoặc ký kết hợp đồng thương mại với một doanh nghiệp viễn thông trong nước.
Như ông Đoàn Quang Hoan – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam từng trao đổi với VietTimes, các vệ tinh đều phải sử dụng băng tần cao và chỉ thu được theo tầm nhìn thẳng, không bị che chắn. Như vậy là không thu được bằng anten ở trong nhà. Và thực tế quỹ đạo vệ tinh là phi địa tĩnh nên việc thu tín hiệu là không đơn giản, có thể phải dùng anten chảo. Dù chảo chỉ nhỏ bằng chiếc bánh pizza như quảng cáo thì cũng là một câu chuyện trong cạnh tranh. Và do kỹ thuật phức tạp nên giá đầu cuối vệ tinh không thể rẻ như giá đầu cuối di động mặt đất. Dù rằng giá thành của đầu cuối chỉ vài trăm USD thì cũng khó nói chuyện cạnh tranh. Trong khi đó, có những dòng điện thoại chỉ ít chục USD là đã có thể dùng Internet tốc độ cao của các nhà mạng mặt đất.
Ông Hoan cũng đề cập là Internet qua vệ tinh cũng chỉ ưu thế so với Internet thông thường với phân khúc vùng sâu, vùng xa và hải đảo – nơi mà Internet thông thường chưa vươn được tới. Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam là phân khúc này chỉ còn tương đối nhỏ song có lẽ cũng đáng để các dịch vụ xuyên biên giới quan tâm.
Dịch vụ viễn thông ở Việt Nam cho đến nay vẫn phải có giấy phép. Và viễn thông xuyên biên giới vẫn là dịch vụ bị thắt chặt ở nhiều nước và chỉ rằng buộc bởi các hiệp ước kinh tế của các nước với quốc tế. Khi đàm tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam cũng phải đấu tranh để giữ quyền cấp phép dịch vụ viễn thông. Nếu như Luật Viễn thông sửa đổi nếu mở ra cơ hội cho các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới về Internet thì đó cũng điều đáng quan tâm cho những “vùng lõm” của Internet và viễn thông thông dụng tại Việt Nam.
Được biết, trước khi diễn ra hội thảo nói trên, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm đã có buổi tiếp với phái đoàn của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC). Tại buổi tiếp, đại diện SpaceX cho biết, họ muốn hợp tác với Việt Nam, đặc biệt trong việc tăng cường năng lực kết nối số.
“SpaceX đang sở hữu Starlink - dịch vụ Internet vệ tinh tốc độ cao phủ sóng toàn cầu. Công nghệ Internet vệ tinh có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt là tại khu vực vùng sâu, vùng xa, hải đảo, nơi cáp quang thông thường không thể vươn đến. Có rất nhiều dịch vụ dựa trên nền Internet tốc độ cao mà vệ tinh có thể cung cấp được”, đại diện SpaceX chia sẻ.
Đưa ra khuyến nghị cho Việt Nam, SpaceX cho hay, chính phủ cần thúc đẩy chiến lược về phát triển khả năng kết nối và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. “Chúng tôi sẽ hỗ trợ người dân, chính phủ Việt Nam trong việc tăng cường năng lực kết nối Internet”, đại diện SpaceX nói.
Nếu được triển khai tại Việt Nam, dịch vụ Internet vệ tinh sẽ là lời giải cho bài toán phủ sóng Internet tại những khu vực có địa hình bị chia cắt như đồi núi, hải đảo... Bên cạnh đó, việc cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh bằng công nghệ chùm vệ tinh quỹ đạo thấp còn thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng hải và hàng không. Đây là những ngành kinh tế có tiềm năng rất lớn nhưng còn gặp nhiều hạn chế về thông tin, liên lạc.
Khách quan nhận xét, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam - cho biết, Internet vệ tinh là một giải pháp hữu ích với công nghệ sẵn có. Nhưng vì hiện tại giá dịch vụ cao nên nó không dành cho khách hàng phổ thông, chỉ dành cho khách hàng có nhu cầu đặc biệt. Nếu dự báo được nhu cầu, có phương án kinh doanh khả thi, internet vệ tinh là một giải pháp để phát triển hạ tầng Internet Việt Nam tốt hơn; là giải pháp để kết nối Internet cho các địa điểm ở xa và khó tiếp cận.