Bộ TT&TT vừa phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức hội thảo trực tuyến công bố Báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của các cơ quan nhà nước năm 2019 và phổ biến Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh và quốc gia.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Trọng Đường – Phó Cục trưởng Cục Tin học hoá (Bộ Thông tin và Truyền thông) - đã công bố Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương (gọi tắt là Bộ chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh, cấp quốc gia – DTI).
1. Đối tượng áp dụng
Đối tượng đánh giá là các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (trừ một số cơ quan không thực hiện chức năng quản lý nhà nước hoặc ít cung cấp thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp); UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Cấu trúc bộ chỉ số
Chỉ số chuyển đổi số cấp Tỉnh được cấu trúc theo 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Mỗi trụ cột gồm 7 chỉ số chính, gồm chỉ số đánh giá về chuyển đổi nhận thức, chỉ số đánh giá về kiến tạo thể chế, chỉ số đánh giá về phát triển hạ tầng và nền tảng số, chỉ số đánh giá về thông tin và dữ liệu số, chỉ số đánh giá về hoạt động chuyển đổi số, chỉ số đánh giá về an toàn an ninh mạng, chỉ số đánh giá về đào tạo và phát triển nhân lực.
Mỗi chỉ số chính có những chỉ số thành phần khác nhau và trong mỗi chỉ số thành phần có các tiêu chí cụ thể như chuyển đổi nhận thức, kiến tạo thể chế, hạ tầng và nền tảng số, thông tin và dữ liệu số, hoạt động xã hội, an ninh mạng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số.
Chuyên gia PAPI tham khảo Bộ chỉ số đánh giá mức độ Chuyển đổi số Bộ, Tỉnh thành |
Chỉ số chuyển đổi số cấp Bộ không đánh giá riêng theo các trụ cột như cấp tỉnh mà đánh giá chung chỉ số chuyển đổi số của Bộ để đảm bảo những tiêu chí đánh giá là tương đồng, phù hợp với đặc điểm của mỗi Bộ phụ trách một trụ cột khác nhau.
Chỉ số chuyển đổi số cấp Bộ cũng gồm 7 chỉ số chính như chỉ số chuyển đổi số cấp Tỉnh, trong mỗi chỉ số chính có những chỉ số thành phần khác nhau và trong mỗi chỉ số thành phần có các tiêu chí.
Chỉ số chuyển đổi số quốc gia được cấu trúc theo 3 trụ cột là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Chỉ số này cũng gồm 7 chỉ số chính như chỉ số chuyển đổi số cấpTỉnh, trong mỗi chỉ số chính có các chỉ số thành phần.
Căn cứ theo kết quả đánh giá chuyển đối số cấp Tỉnh và cấp Bộ, các chỉ số thành phần và tiêu chí của Chỉ số chuyển đổi số quốc gia sẽ được Bộ TT&TT quy định và điều chỉnh cho phù hợp thực tế.
3. Thang điểm đánh giá
Tại hội thảo, ông Nguyễn Trọng Đường – Phó Cục trưởng Cục Tin học hoá - đã thông tin về thang điểm đánh giá các chỉ số chuyển đổi số. Cụ thể, thang điểm đánh giá của chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh là 1.000 điểm chia cho 3 trụ cột theo tỷ lệ: 400 điểm cho chính quyền số, kinh tế số và xã hội số mỗi trụ cột 300 điểm. Thang điểm đánh giá của chỉ số chuyển đổi số cấp bộ là 500 điểm.
Đối với chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh và cấp bộ, điểm đánh giá theo số liệu báo cáo và điều tra xã hội chiếm 80%; điểm đánh giá theo sắc thái thông tin trên không gian mạng chiếm 10%; và điểm đánh giá qua phỏng vấn chuyên gia chiếm 10%.
Riêng trong đánh giá chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh, điểm cho chỉ số của mỗi trụ cột chiếm 20%, các chỉ số chính còn lại là 10% số điểm (đánh giá theo số liệu báo cáo thống kê và điều tra xã hội học). Với chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, điểm cho chỉ số chính hoạt động chuyển đổi số chiếm 16%, điểm cho chỉ số chính kiến tạo thể chế chiếm 14%, các chỉ số chính còn lại mỗi chỉ số 10% số điểm (đánh giá theo số liệu báo cáo thống kê và điều tra xã hội học).
4. Bộ TT&TT đánh giá độc lập, khách quan
“Để đảm bảo tính công bằng, khách quan, Bộ TT&TT đánh giá độc lập các tiêu chí có số liệu do Bộ TT&TT tự giám sát qua hệ thống. Đồng thời, Bộ cũng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định để xem xét, công nhận hoặc điều chỉnh nếu cần thiết. Khi có kết quả cuối cùng, điểm đánh giá các bộ, tỉnh sẽ được thể hiện tại cột do ‘Bộ TT&TT đánh giá’ của bảng chỉ số” – ông Nguyễn Trọng Đường nói.
Còn lại, đối với các thành phần đánh giá điểm trên công cụ: điều tra xã hội học, sắc thái thông tin trên không gian mạng, phỏng vấn các chuyên gia, mặc định hoặc loại trừ cũng được quy định cụ thể trong Quyết định 1726.