Các nhà đầu tư lạc quan đẩy giá cổ phiếu lên, nhưng các nhà phân tích lại cho rằng, áp lực từ cơ quan chính phủ Trung Quốc vẫn chưa hề được nới lỏng, theo Nikkei Asia.
Chính sách đối với lĩnh vực công nghệ tại Trung Quốc từng có một khoảng thời gian tương đối thuận lợi.
Các tập đoàn trò chơi Tencent Holdings (Tencent) và NetEase đều nhận được sự chấp thuận đối với các tựa game nhập khẩu. Trong khi đó, Ant Group đã 'bật đèn xanh' cho đơn vị cho vay tiêu dùng của mình để huy động thêm tiền. Họ cũng nhận được cam kết “hỗ trợ” từ một số lãnh đạo cơ quan chính phủ đối với Alibaba Group Holding (Alibaba) và Ant Group.
Vì vậy, khi cơ quan quản lý Trung Quốc cho biết các biện pháp siết chặt kéo dài hai năm đối với các công ty internet "về cơ bản đã hoàn thành", không có gì ngạc nhiên khi các nhà đầu tư vui mừng.
Cổ phiếu của một số công ty công nghệ lớn nhất quốc gia, bao gồm Tencent và Alibaba đã hồi phục mạnh.
Tuy nhiên, vẫn còn những hoài nghi cho rằng, sự nới lỏng từ Bắc Kinh không có nghĩa, mọi thứ quay trở lại như thời kỳ trước đó đối với lĩnh vực công nghệ.
Chỉ số Hang Seng Tech, theo dõi các nhóm công nghệ lớn tập trung vào dịch vụ tiêu dùng của Trung Quốc, đã tăng 7% trong tháng qua, trong khi Chỉ số Nasdaq Golden Dragon China, theo dõi các công ty lớn của Trung Quốc được giao dịch trên các sàn giao dịch của Mỹ, đã tăng 16,6% so với cùng kỳ.
Tập đoàn tài chính Jefferies cho biết năm 2023 sẽ là một năm "hồi sinh" đối với lĩnh vực internet của Trung Quốc do chính phủ nước này mở cửa trở lại sau đại dịch Covid và tâm lý người tiêu dùng được cải thiện.
Ngân hàng đầu tư này cũng nâng mục tiêu giá cổ phiếu của Alibaba tại Hồng Kông và Mỹ vào cuối tuần qua.
Hôm 13/1, UBS nhận định, triển vọng lĩnh vực internet của Trung Quốc đang thay đổi do chính sách Zero Covid đã kết thúc và động thái nới lỏng các quy định trong nước, ít nhất là trong thời gian tới.
Ngân hàng này cũng cho rằng, nguy cơ các công ty Trung Quốc bị buộc phải hủy niêm yết ở Mỹ do các vấn đề về hồ sơ kiểm toán đang có xu hướng giảm có thể xem là yếu tố hỗ trợ tích cực.
Nhiều nhà quan sát vẫn cho rằng, lĩnh vực công nghệ Trung Quốc khó quay trở lại thời kì đỉnh cao như trước (Ảnh: Nikkei Asia) |
Viễn cảnh ảm đạm
Cuối năm 2020, giới chức Trung Quốc đã ra nhiều quy định để "chấn chỉnh" ngành công nghệ. Trong quá trình cơ cấu, Alibaba đã nhận mức phạt kỷ lục về chống độc quyền lên tới 2,8 tỉ USD và kế hoạch IPO lớn của Ant Group đột ngột bị dừng lại.
Thậm chí Jack Ma, nhà sáng lập của cả hai, cũng liên đới do những bình luận chỉ trích trong thời gian này.
Tập đoàn gọi xe Didi đã bị hủy niêm yết khỏi New York và bị phạt 1,2 tỷ USD vì vi phạm luật bảo mật dữ liệu và các luật khác, trong khi hàng trăm tỷ USD đã bị xóa sạch vốn hóa thị trường của các công ty giáo dục hàng đầu sau khi Bắc Kinh cấm dạy thêm vì lợi nhuận.
Theo một số nhà phân tích, động thái gần đây từ các nhà quản lý và hiệu ứng từ thị trường như một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang nới lỏng sự kiểm soát đối với lĩnh vực này là quá lạc quan.
Thật vậy, Financial Times đưa tin rằng chính phủ Trung Quốc đang xem xét mua "cổ phần vàng" trong các thành viên của Tencent và Alibaba, hầu như không phải là dấu hiệu cho thấy các công ty công nghệ đang được trao quyền kiểm soát tự do hơn.
Linghao Bao, một nhà phân tích của công ty tư vấn Trivium China có trụ sở tại Bắc Kinh, đồng ý rằng việc siết chặt các hoạt động trong lĩnh vực công nghệ đã gây trở ngại cho việc phục hồi nền kinh tế.
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dự kiến sẽ chậm lại dưới 3%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức là khoảng 5,5%, khi nước này cuối cùng cũng thoát khỏi ba năm thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt theo chính sách Zero Covid 19.
Nhà phân tích này cho rằng, ngành công nghệ của Trung Quốc trong tương lai sẽ còn bị hạn chế.
"Ví dụ, Ant Group sẽ vẫn phải đối phó với các quy định về công nghệ tài chính đã ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của hoạt động kinh doanh cho vay trực tuyến của họ. Điều đó sẽ chẳng đi đến đâu. Tuy nhiên, nhìn chung, các cơ quan quản lý sẽ thân thiện hơn với các nền tảng công nghệ lớn", Bao nói chia sẻ.
Ant Group gặp khó khăn vào năm 2020, khi đợt IPO lớn của họ bị Bắc Kinh tạm dừng đột ngột 48 giờ trước khi dự kiến diễn ra do lo ngại của các cơ quan quản lý về hoạt động cho vay của công ty này.
Cuối tuần trước, Ant đã thông báo, người sáng lập Jack Ma đã từ bỏ quyền kiểm soát tập đoàn fintech, một động thái có thể mở đường cho sự hồi sinh cuối cùng của kế hoạch niêm yết, nếu các tiêu chí khác cũng được đáp ứng.
Ngay cả UBS, vốn hoan nghênh việc nới lỏng trong ngắn hạn, cho biết sự kiểm soát của Bắc Kinh đối với lĩnh vực công nghệ sẽ chỉ thắt chặt hơn trong thời gian dài, vì các quy định sẽ luôn cố gắng bắt kịp với sự đổi mới.
“Các cơ quan chức năng vẫn còn một số việc cần được triển khai, đặc biệt trong bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư”, Jerry Liu, giám đốc điều hành nghiên cứu vốn chủ sở hữu tại USB, chia sẻ với Nikkei Asia. "Bên cạnh đó, nội dung luôn là một chủ đề nhạy cảm ở Trung Quốc, chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều quy định hơn đối với các nền tảng video ngắn và lĩnh vực phát trực tiếp của Trung Quốc."
Liu dự đoán, một mô hình thắt chặt và nới lỏng lặp đi lặp lại. "Có thể có một chu kỳ hai hoặc ba năm trong xu hướng dài hạn này, chẳng hạn như một hoặc hai năm thắt chặt chính sách, sau đó là một hoặc hai năm duy trì hoặc thậm chí nới lỏng, như trong việc đình chỉ giấy phép trò chơi điện tử năm 2018 điều đó sau đó đã được phục hồi," ông nói.
Theo Nikkei Asia