Trung Quốc nắm 'cổ phần vàng' tại Alibaba và Tencent, tăng cường kiểm soát các 'đại gia' công nghệ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Chính phủ Trung Quốc bắt đầu nắm giữ 'cổ phần vàng' tại các thành viên của Alibaba và Tencent trong nỗ lực đảm bảo quyền kiểm soát nhiều hơn tại các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của quốc gia này.

Trung Quốc nắm 'cổ phần vàng' tại Alibaba và Tencent, tăng cường kiểm soát các 'đại gia' công nghệ (Ảnh: FT)
Trung Quốc nắm 'cổ phần vàng' tại Alibaba và Tencent, tăng cường kiểm soát các 'đại gia' công nghệ (Ảnh: FT)

Một thành viên thuộc quỹ đầu tư nhà nước do Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) thành lập, hôm 4/1, đã mua lại 1% cổ phần tại Guangzhou Lujiao Information Technology (GLIT) - công ty con của Alibaba, theo Financital Times.

Sau đó, GLIT đã bổ nhiệm một thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) tên Zhou Mo, trùng tên với một quan chức của CAC. Các điều khoản còn lại không được tiết lộ.

Trước đó, theo Reuters, Tập đoàn Truyền thông Chiết Giang (Zhejiang Media) thuộc sở hữu nhà nước đã mua 1% cổ phần đơn vị sản xuất phim và truyền hình của Youku, nền tảng xem video thuộc Alibaba. Sau đó, tập đoàn này đã đề cử ông Jin Jun - Giám đốc công ty con của Zhejiang Media - vào HĐQT Youku.

Các khoản nắm giữ vừa nêu được gọi là 'cổ phần vàng' (golden shares). Chúng thường chiếm khoảng 1% cổ phần của một công ty, được nắm giữ bởi các tổ chức do chính phủ hậu thuẫn và trao cho họ quyền phủ quyết với các quyết định kinh doanh quan trọng.

Ở Trung Quốc, chúng còn có tên gọi khác là 'cổ phần quản lý đặc biệt' và kể từ năm 2015, loại cổ phần này đã trở thành một công cụ phổ biến được nhà nước sử dụng để kiểm soát các công ty nội dung và tin tức tư nhân, theo Financial Times.

Việc để các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 'cổ phần vàng' được cho là sẽ giúp các công ty Trung Quốc thuận lợi hơn trong việc xin giấy phép phát hành tin tức và phát sóng các chương trình âm nhạc, điện ảnh trực tuyến.

Chính quyền Trung Quốc trước đó đã nắm giữ cổ phần tương tự trong các công ty như ByteDance, chủ sở hữu TikTok và Weibo, qua đó cho phép họ gây ảnh hưởng lớn hơn đối với nội dung trên các nền tảng mạng xã hội và tin tức.

Theo Financial Times, một công ty con của Tencent cũng đang đàm phán để một tổ chức chính phủ ở Thâm Quyến mua cổ phần, thay vì bán cho quỹ đầu tư nhà nước ở Bắc Kinh.

Nền tảng streaming Bilibili dự kiến đàm phán với một tổ chức chính phủ tại Thượng Hải để mua cổ phần một công ty con.

Năm ngoái, đơn vị thuộc công ty Kuaishou đã bị chuyển về Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kinh, thuộc sở hữu nhà nước sau khi chính phủ Trung Quốc mua 1% cổ phần.

Chính phủ Trung Quốc trước đó cũng áp dụng chiến thuật tương tự với chủ sở hữu TikTok Bytedance và nhà điều hành nền tảng blog Weibo, cho phép cơ quan nhà nước gây ảnh hưởng lớn hơn trong việc kiểm duyệt nội dung trên các nền tảng truyền thông xã hội và tin tức./.

Nguồn tham khảo: Financial Times, Reuters, Barron's