Ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng cứu máy tính khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) cho biết, những năm gần đây, Chính phủ cùng các bộ, ngành và địa phương rất nỗ lực xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng nhằm tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi giúp người dân, cơ quan quản lý và doanh nghiệp có môi trường sử dụng, kinh doanh và kết nối internet an toàn và hiệu quả nhất. Quyết định số 05/2017/QĐ-TTg đưa ra quy trình ứng cứu sự cố khẩn cấp là một tài liệu quan trọng, chi tiết, phân định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong các trường hợp xảy ra sự cố mạng.
Các quốc gia trên thế giới đều quan tâm đến vấn đề điều phối ứng cứu và phương án ứng cứu khẩn cấp các sự cố an toàn thông tin mạng, ban hành các văn bản pháp luật nhằm bảo đảm sự chung tay, phối hợp ứng cứu máy tính khi có sự cố về vấn đề an ninh mạng.
Thứ trưởng Phan Tâm cho rằng, không một quốc gia nào có thể đơn độc bảo vệ mình an toàn trước các nguy cơ trên không gian mạng. Do các kết nối mạng không phân chia biên giới, nên các rủi ro trên không gian mạng sẽ không phân biệt biên giới quốc gia, không phân biệt giới hạn giữa các tổ chức, điển hình như vụ việc lây lan mã độc tống tiền WannaCry đang diễn ra trong những ngày qua.
Mới đây nhất, mã độc tống tiền WannaCry đã lây nhiễm tới hơn 300.000 máy tính sử dụng hệ điều hành Windows tại 99 quốc gia, gây ra nhiều hậu quả khó lường. Đến ngày 17/5 đã có 248.995 máy được xử lý, còn 79.155 máy chưa xử lý xong.
Theo số liệu được Trung tâm Ứng cứu máy tính khẩn cấp máy tính Việt Nam theo dõi trên trang thông tin Intel.malwaretech.com đến 6h sáng 18/5/2017, trên toàn cầu hiện còn khoảng 7.000 máy bị nhiễm mã độc WannaCry chưa xử lý, khắc phục xong, trong đó Việt Nam chỉ còn vài trường hợp.
Đại diện Trung tâm Ứng cứu máy tính khẩn cấp máy tính Việt Nam nhận định, tốc độ xử lý sự cố lây nhiễm mã độc WannaCry trên toàn cầu rất nhanh do sự hoạt động nhanh chóng, hiệu quả của hệ thống các trung tâm ứng cứu máy tính khẩn của các quốc gia trên toàn thế giới.
Thực tế trên khẳng định, việc tăng cường phổ biến về bảo đảm an ninh mạng trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin là vấn đề thiết yếu, sống còn của hệ thống an ninh thông tin mỗi quốc gia.