Để giúp cho việc triển khai mạng 5G trong tương lai được thuận lợi hơn, Công ty viễn thông Reliance Jio đã triển khai mạng lưới của mình dựa trên giao thức all-IP.
Shyam Mardikar, Giám đốc công nghệ di động của Reliance Jio cho rằng: “Chúng tôi đang triển khai mạng lưới của mình dựa trên giao thức all-IP và điều đó đang mang lại cho chúng tôi một sự khởi đầu thuận lợi để sẵn sàng hướng tới mạng 5G”.
“Đường truyền cáp quang là cơ sở hạ tầng rất quan trọng đối với việc triển khai mạng 5G, và đây cũng lợi thế của chúng tôi. Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều vào việc hiện đại hóa mạng cáp quang ở nhiều khu vực cũng như nâng cấp hoàn chỉnh cho mạng 4G. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang xem xét khả năng sẵn sàng của nguồn điện vì các công nghệ vô tuyến mới (5G) sẽ tiêu thụ nhiều điện năng hơn đồng thời nâng cấp các nhà trạm trạm để chuẩn bị cho việc triển khai mạng 5G”, ông Shyam Mardikar cho biết thêm.
Các công ty viễn thông Ấn Độ chuẩn bị cho 5G như thế nào?
|
Trong khi đó, công ty viễn thông Vodafone Idea lại có cách tiếp cận khác là dựa trên việc sử dụng mạng 4G của mình để cung cấp dịch vụ tương tự 5G.
Điều này có thể trở thành một lợi thế cạnh tranh trước cuộc đấu giá và giảm bớt một số áp lực khiến Vodafone Idea phải đầu tư vào các giấy phép phổ tần mới tốn kém.
Ông Vishant Vora, Giám đốc công nghệ của Vodafone Idea cho biết: “Cách tiếp cận của chúng tôi là chuẩn bị mạng với càng nhiều công nghệ 5G càng tốt, vì vậy, bất kể điều gì xảy ra trong vấn đề đấu giá phổ tần, chúng tôi sẽ có thể cung cấp nhiều tính năng, chức năng và lợi ích của 5G”.
Để cung cấp các dịch vụ tương tự như 5G, Vodafone Idea đã tập trung vào việc giới thiệu các công nghệ đám mây và ảo hóa vào mạng 4G của mình.
“Hiện nay, chúng tôi đã thực hiện ảo hóa và đám mây hóa ở mức độ cao nhất. Đám mây hóa là cần thiết để giải phóng toàn bộ sức mạnh của 5G. Vì vậy, đó là điều chúng tôi đang làm để thúc đẩy các khả năng của mạng 5G trên thị trường mà không cần phải đợi phổ tần 5G”, ông Vishant Vora cho biết thêm.
Đối với công ty viễn thông Bharti Airtel thì mối quan chính lại là vấn đề bất động sản.
Ông Randeep Sekhon, Giám đốc công nghệ của Bharti Airtel cho rằng: “Thách thức lớn nhất là về mặt cơ sở hạ tầng vì mạng 5G sẽ cần thêm không gian trên tất cả các tòa tháp, đặc biệt là ở các vị trí lắp đặt trạm gốc trên mặt đất”.
Ông cũng cho rằng, các nhà khai thác phải đưa ra các dịch vụ mới cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Ông Randeep Sekhon nhận định: “5G sẽ cần một khoản đầu tư lớn, ngoài khoản đầu tư vào phổ tần số. Trong bối cảnh đó, việc kinh doanh của 5G sẽ đứng vững nếu cung cấp các hình thức kinh doanh cho cả doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) và doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B). Ở đây, phát triển các hình thức kinh doanh B2B là một thách thức vì nó không giống như một dịch vụ băng thông rộng. Các hình thức kinh doanh B2B sẽ cần được xây dựng riêng cho các ngành dọc khác nhau và thậm chí cho một công ty cụ thể”.
Bên cạnh đó, các công ty viễn thông cũng phải đối mặt với một số hạn chế ở Ấn Độ.
Chẳng hạn như một số phổ tần số trong băng tần E (71-76 GHz) và băng tần V (57-64 GHz) đang nổi lên như một lựa chọn phổ biến cho các dịch vụ 5G, có thể yêu cầu kết nối siêu nhanh và độ trễ thấp, hiện vẫn chưa được chính phủ Ấn Độ xem xét cung cấp cho lĩnh vực viễn thông.
Trong một báo cáo gần đây của Hiệp hội các nhà cung cấp di động toàn cầu (GSMA) cho biết, các tuyến liên kết đường trục (backhaul) sử dụng băng tần V hoặc E rất phù hợp để hỗ trợ 5G do khả năng cho tốc dữ liệu cao từ 10 Gbps đến 25 Gbps.
Cơ quan quản lý viễn thông của Ấn Độ có kế hoạch cung cấp các băng tần E và V không qua đấu giá, nhưng các công ty viễn thông không ủng hộ kế hoạch này vì như vậy nó có thể được cấp cho các công ty không phải là công ty hoạt động trong lĩnh vực viễn thông.
Các công ty viễn thông Ấn Độ đều cho rằng, chính phủ nên xem xét cấp phép băng tần E và V cho các nhà khai thác vì nó rất quan trọng đối với mạng 5G.
Theo Vietnamnet