Tuy nhiên điều này đã làm giá cà phê của Việt Nam ở mức cao so với giá sàn London. Vì vậy các nhà rang xay tại Mỹ đã chọn cà phê arabica của Brazil thay vì của Việt Nam.
Mức cộng giá cà phê Việt Nam đã tăng liên tiếp từ đầu năm tới nay bởi giá cà phê thế giới thấp khiến người sản xuất giữ hàng lại. Do vậy, xuất khẩu cà phê Việt Nam trong nửa đầu niên vụ này (bắt đầu từ tháng 10.2014) giảm mạnh xuống mức thấp nhất kể từ niên vụ 2009-2010.
Sau khi giảm trên 14% trong tháng 1 (so với cùng tháng năm ngoái), xuất khẩu cà phê giảm trên 30% trong tháng 2 và giảm tiếp trong tháng 3. Tính chung trong 3 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu cà phê Việt Nam ước tính giảm 40,7% về lượng so với cùng quý năm ngoái, chỉ đạt khoảng 354.000 tấn.
Ước tính xuất khẩu trong tháng 4 của Việt Nam tiếp tục giảm, chỉ đạt khoảng 112.000 tấn. Trong khi đó, giá cà phê conilon của Brazil hiện rẻ hơn khoảng 3 – 5 US cent so với cà phê Việt Nam, tức là khoảng +8 US cent (giao tại cảng) so với sàn ICE.
Với lợi thế về giá cả cũng như hương vị so với cà phê của nhiều quốc gia châu Á khác, cà phê Brazil đã có nhiều cơ hội hơn để xâm nhập vào thị trường Mỹ. Điều này khiến cho cà phê Việt Nam thêm khó khăn.
Bên cạnh đó, Trung Quốc lại đang mạnh tay phát triển cây cà phê để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng trong nước và xuất khẩu. Diện tích cà phê của riêng Vân Nam đã lên đến gần 125.000 ha (cách đây vài ba năm chỉ 40.000 ha), chiếm 85% diện tích cà phê của toàn Trung Quốc.
Vấn đề số lượng chưa phải là mối đe dọa lớn nhất, mà chất lượng cà phê mới là đáng nói. Dù xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới nhưng Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cà phê nhân thô giá trị thấp. Trong khi đó Trung Quốc đang trở thành nơi hội tụ của các nhà rang xay và sản xuất cà phê hòa tan hàng đầu thế giới.
Các doanh nghiệp nước này đang liên kết với các tập đoàn thế giới để phát triển ngành cà phê rang xay, hòa tan có giá trị cao. Điều này sẽ làm tăng sự cạnh tranh đối với cà phê Việt Nam tại các thị trường nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Quang Bình, chuyên gia về cà phê, nếu Việt Nam không xây dựng ngành cà phê theo hướng chế biến sản phẩm có giá trị gia tăng cao là rang xay, hòa tan thì mãi chỉ là nơi cung ứng nguyên liệu giá rẻ cho các tập đoàn cà phê rang xay thế giới, hay cho doanh nghiệp Trung quốc chế biến xuất khẩu giá cao.
Giải pháp cho ngành cà phê Việt Nam phát triển bền vững, ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch hội đồng thành viên Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), cho rằng phải nâng cao năng lực chế biến rang xay và sản xuất cà phê hòa tan.
“Muốn làm được điều này cần phải có thời gian, ngay bây giờ Nhà nước cần chọn những DN có năng lực cạnh tranh tốt, đã và đang làm tốt thương hiệu cà phê rang xay, hòa tan. Những DN này sẽ là những nhân tố để Nhà nước hỗ trợ về chính sách vốn vay, hỗ trợ đầu tư công nghệ làm sao giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm” – ông Thắng cho biết.
Ông Thắng nói thêm, Nhà nước cần chọn ra những thương hiệu lõi để hỗ trợ phát triển. Hiện nay ngành cà phê rang xay, hòa tan Việt Nam có những DN có thương hiệu trên thị trường thế giới như Vinacafe, Vinacafe Biên Hòa, Trung Nguyên.
Bên cạnh đó, ông Thắng cho rằng cần có chiến lược truyền thông kết nối với báo chí nhằm đẩy mạnh thông tin quảng bá thương hiệu cho cà phê Việt Nam.
Theo Một thế giới