Đó là một trong những đánh giá được đưa ra tại cuộc họp góp ý kiến về dự thảo đề cương chi tiết về Đề án “Quản lý, phát triển hệ thống Đài truyền thanh – truyền hình cấp huyện đến năm 2020", vừa diễn ra hôm qua (15/3).
Tại phiên họp, ông Đoàn Công Huynh Vụ trưởng Vụ Thông tin cơ sở, Bộ TT&TT cho biết: Ngày 3/3/2017, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã ký Quyết định thành lập Ban Soạn thảo xây dựng dự thảo Đề án "Quản lý, phát triển hệ thống đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện đến năm 2020" gồm 14 thành viên do Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo làm Trưởng Ban. Các ủy viên gồm đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ TT&TT, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Tiếng nói Việt Nam, Sở TT&TT Hà Nội.
Theo thống kê, hiện cả nước có gần 700 đài truyền thanh – truyền hình cấp huyện (gần như mỗi huyện, thị xã có một đài). Việc xây dựng Đề án này là rất cần thiết để góp phần đạt được mục tiêu "củng cố hệ thống thông tin cơ sở; tăng cường nội dung thông tin tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của nhà nước và đáp ứng nhu cầu thông tin thiết yếu của xã hội; nâng cao khả năng tiếp cận thông tin của người dân" của Dự án 4 Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.
Cũng theo dự thảo quan điểm xây dựng Đề án cũng đã được xác định rõ, gồm: Quản lý, phát triển hệ thống đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện bảo đảm để đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin những sự kiện quốc tế, trong nước liên quan trực tiếp đến người dân ở địa phương, cơ sở; cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu đối với đời sống hàng ngày của người dân địa phương phù hợp với đối tượng, điều kiện kinh tế - xã hội của từng vùng, miền.
Hệ thống đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện là phương tiện phục vụ nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương cấp huyện; Phát triển hệ thống đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện trên cơ sở hiện trạng, tinh gọn bộ máy, tập trung hiện đại hoá trang thiết bị, xây dựng nội dung chương trình phù hợp đáp ứng như cầu thông tin thiết yếu của người dân địa phương, đặc biệt là người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, Đề án nêu rõ cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, ứng dụng số hoá trong sản xuất và truyền dẫn các chương trình phát thanh của đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện.
Mục tiêu chung hướng tới của Đề án là: Quản lý, phát triển hệ thống đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện tập trung, thống nhất và đồng bộ; Xây dựng cơ chế, chính sách để ổn định hoạt động; Củng cố đội ngũ cán bộ, từng bước nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Đoàn Công Huynh đã trân trọng tiếp thu những ý kiến góp ý của Ban soạn thảo, Tổ giúp việc để sớm bổ sung, hoàn thiện Đề án. Đồng thời, Tổ giúp việc sẽ sớm hoàn thiện Dự thảo báo cáo Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo để xin ý kiến chỉ đạo để tiếp tục triển khai theo đúng tiến độ đã đề ra.
Dự kiến tháng 10/2017, Bộ TT&TT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án và Đề án sẽ được thực hiện trên phạm vi toàn quốc đến năm 2020.