Cụ thể, theo báo cáo của Sở GTVT gửi Thành ủy Hà Nội về hoạt động thí điểm xe buýt hai tầng, có nhiều nguyên nhân khiến loại hình vận tải này chưa thu hút người dân và du khách.
Theo Sở GTVT, xe buýt tuyến City Tour 01 (buýt du lịch hai tầng thí điểm) là loại xe mui trần, đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4, sức chứa khoảng 80 người, giá thành khoảng 6 tỷ đồng một xe.
Tuyến được khai trương ngày 30/5, Hà Nội với chiều dài toàn tuyến 14,8 km, đi qua 25 phố với 13 điểm dừng, đưa khách đến 30 điểm tham quan của thủ đô.
Về giá vé, tuyến có 4 mức vé, lần lượt là 650.000 đồng cho 48 tiếng, 450.000 đồng cho 24 tiếng, 300.000 đồng cho 4 tiếng và 196.000 đồng cho 2 tiếng.
Báo cáo của Sở GTVT dẫn số liệu theo dõi trong tháng 7/2018 từ Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco) cho, biết lượng hành khách tuyến City Tour 01 (buýt du lịch hai tầng thí điểm) này còn thấp, trung bình chỉ đạt 6,9 hành khách mỗi lượt.
Báo cáo không nói rõ số trung bình 6,9 khách mỗi lượt này là khách mua vé, hay khách đi với vé đủ tối thiểu 2 tiếng (tức là đã mua vé nhưng đi chưa hết thời gian). Tuy nhiên, có lý do để tin đây là số lượng khách mua vé. Vì số lượng khách mua vé là cơ sở để tính doanh thu của tuyến nên tính theo số khách mua vé mới đánh giá chính xác nhất về hiệu quả của tuyến.
Về nguyên nhân, Sở GTVT cho biết tuyến buýt này là một sản phẩm du lịch, đối tượng phục vụ chính là du khách, nên cần thời gian xây dựng, quảng bá sản phẩm.
Mặt khác, tuyến hiện có số lượng xe ít (chỉ 3 xe), do đó kéo thời gian chờ giữa các chuyến lớn, lên tới 30 phút, nên chưa thu hút được người dân và khai thác được lượng hơn 23 triệu du khách trong ngoài nước tới thành phố mỗi năm.
Báo cáo của Sở GTVT cũng đánh giá, đơn vị thực hiện thí điểm tuyến City Tour 01 chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch, phải liên kết với doanh nghiệp khác để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, điều hành dẫn đến mức phí cao.
Về hiệu quả kinh tế tính theo báo cáo của Sở GTVT, ở mức giá thấp nhất là 196.000 đồng/khách/2 tiếng, với 6,9 khách/lượt, thì tổng thu mỗi lượt của tuyến buýt này là 1,352 triệu đồng cho 14,8 km. Tương ứng hơn 2,7 triệu đồng cho 29,6 km.
Để so sánh, tuyến khách Hải Phòng Hà Nội hiện có giá vé 100.000 đồng/khách, chi phí là cự ly 100 km và các loại chi phí nhân công, bến bãi… khách. Tuyến Hà Tĩnh – Hà Nội hiện có giá vé bình quân 230.000 đồng/khách (tùy hãng sẽ cao hơn hoặc thấp hơn) cho cự ly 380 km.
Theo báo cáo của đa số doanh nghiệp trên 2 tuyến này, số ghế khai thác mỗi lượt vào khoảng dưới 30% số ghế (giường), tương ứng từ 10 – 15 khách/lượt. Như vậy, tổng thu mỗi lượt của tuyến Hải Phòng – Hà Nội vào khoảng 1 – 1,5 triệu đồng/100km, tuyến Hà Tĩnh – Hà Nội là 2,3 – 3,45 triệu đồng/380km.
Bình quân mỗi xe trên tuyến khách Hải Phòng – Hà Nội chạy 4 lượt/ngày sẽ cho doanh thu từ 4 – 6 triệu đồng/ngày/400km. Tuyến Hà Tĩnh là 2 lượt (đi và về), tương ứng từ 4,6 – 6,9 triệu đồng/ngày/760km.
Với tuyến City Tour 01, chỉ dựa trên báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, giả định mỗi ngày 1 xe chạy 3 chuyến (3 lượt sáng, 3 lượt chiều), tương đương cự ly 88,8km (14,8 km x 6 lượt), thì doanh thu đem về sẽ là 1,352 triệu đồng x 6 lượt được 8,124 triệu đồng mỗi ngày.
Như vậy, về chiều dài cự ly vận hành mỗi ngày, tuyến City Tour 01 chỉ bằng 20% so với tuyến Hải Phòng – Hà Nội (88,8/400 km), bằng 11,68% so với tuyến Hà Tĩnh – Hà Nội.
Nhưng về tổng thu, tuyến City Tour 01 có số thu hàng ngày cao gấp đôi so với tuyến Hải Phòng – Hà Nôi, gấp rưỡi so với tuyến Hà Tinh – Hà Nội.
Hiện, về tiêu thụ nhiên liệu, xe chạy tuyến Hải Phòng – Hà Nội và Hà Tĩnh – Hà Nội tiêu thụ khoảng 35 lít dầu cho 100 km. Về công suất động cơ, phần lớn xe buýt Hà Nội có công suất chỉ dưới 80% công suất động cơ xe chạy 2 tuyến trên, tương ứng với mức tiêu thụ nhiên liệu chỉ bằng hoặc dưới 35 lít dầu cho 100 km.
Như vậy, về hiệu quả kinh tế đem lại, tuyến City Tour 01 Hà Nội đang vượt trội hơn hẳn so với 2 tuyến vận tải đối chứng.
Theo Sở GTVT Hà Nội, sắp tới thành phố sẽ cho mở thêm tuyến buýt hai tầng thí điểm thứ 2 để “góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, cung cấp thêm dịch vụ cho hành khách lựa chọn".
Tức là hiệu quả kinh tế cũng chưa đặt ra khi vận hành tuyến buýt hai tầng thứ 2 tại Hà Nội.