Nhật Bản đang phải vật lộn với các mục tiêu khử cacbon trong bối cảnh các trung tâm dữ liệu đang làm tăng nhu cầu về điện. Vấn đề này trở thành thách thức đối với cả Nhật Bản, như Hàn Quốc cũng như Đông Nam Á, nơi thị trường trung tâm dữ liệu đang phát triển mạnh mẽ.
Các công ty dịch vụ đám mây đang gấp rút xây dựng các trung tâm dữ liệu mới để xử lý và lưu trữ lượng thông tin khổng lồ, phục vụ lối sống công nghệ cao của con người. Cơ sở hạ tầng cũng cần thiết để hỗ trợ phát triển trí tuệ nhân tạo (AI). Ngược lại, điều này đòi hỏi một lượng điện lớn, vừa để xử lý các tác vụ tính toán vừa để làm mát thiết bị.
Tháng 1 năm nay, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính rằng nhu cầu năng lượng toàn cầu từ các trung tâm dữ liệu có thể tăng hơn gấp đôi từ năm 2022 đến năm 2026.
Theo Viện Nghiên cứu Điện lực Trung ương, mức tiêu thụ điện của các trung tâm dữ liệu ở Nhật Bản dự kiến sẽ tăng lên tới 105 terawatt/giờ vào năm 2040, tăng khoảng 5 lần so với 20 terawatt/giờ vào năm 2021, và lên 211 terawatt/giờ vào năm 2050.
Các công ty công nghệ nước ngoài như Microsoft, Amazon Web Services và Oracle dự kiến sẽ đầu tư hàng tỉ USD vào Nhật Bản trong những năm tới. Các trung tâm dữ liệu lớn chủ yếu được đặt tại Tokyo và Osaka, nhiều dự án khác cũng sẽ được xây dựng ở những khu vực xa hơn, như đảo Hokkaido ở phía bắc.
Theo công ty nghiên cứu công nghệ thông tin IDC Nhật Bản, các nhà khai thác trung tâm dữ liệu tại Nhật Bản dự kiến sẽ đầu tư hơn 500 tỉ yên (3 tỉ USD) vào năm 2024, nhiều hơn khoảng 50% so với năm 2023 và mức chi tiêu này dự kiến sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2027. IDC cho biết, các máy chủ AI, vốn tiêu thụ nhiều năng lượng hơn các máy chủ thông thường, đang ngày càng được triển khai rộng rãi nhằm giúp tăng công suất trung tâm dữ liệu.
Lượng phát thải khí nhà kính của Nhật Bản đã giảm 23% so với năm 2022. Tuy nhiên, lượng khí thải carbon dioxide trên một đơn vị điện được tạo ra vẫn không thay đổi, cho thấy việc triển khai năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng sạch là chưa đủ. Nhật Bản hiện tạo ra 73% điện năng từ nhiên liệu hóa thạch, 22% từ năng lượng tái tạo và 6% từ năng lượng hạt nhân.
Mục tiêu của Nhật Bản đến năm 2030 là cắt giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch xuống 41% đồng thời tăng tỷ trọng từ năng lượng tái tạo lên ít nhất 36% và năng lượng hạt nhân lên 20%. Tuy nhiên, việc mở rộng sản lượng năng lượng tái tạo đã gặp phải nhiều khó khăn về mặt địa lý và các giới hạn đối với lưới điện. Trong khi đó, việc khởi động lại các nhà máy hạt nhân cũng phải đối mặt với nhiều sự phản đối của cộng đồng địa phương kể từ cuộc khủng hoảng Fukushima năm 2011.
Hàn Quốc phải đối mặt với thách thức tương tự. Quốc gia này hiện phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu và cũng đang nỗ lực xây dựng các cơ sở năng lực năng lượng tái tạo mới. Số lượng trung tâm dữ liệu dự kiến sẽ tăng mạnh tại Hàn Quốc khi các công ty công nghệ đang gấp rút thành lập các trung tâm của riêng mình để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về điện toán AI.
Theo dữ liệu của chính phủ, Hàn Quốc dự kiến sẽ có 732 trung tâm dữ liệu vào năm 2029, tăng gấp 5 lần so với năm 2022. Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng đã bày tỏ sự quan ngại, ông cho rằng việc tập trung các trung tâm dữ liệu ở khu vực Greater Seoul có thể dẫn đến tình trạng thiếu điện.
Theo cơ quan bất động sản thương mại Cushman và Wakefield, nhu cầu về trung tâm dữ liệu đang tăng lên trên khắp châu Á. Công suất hoạt động tại Singapore dự kiến sẽ vượt quá 1 gigawatt trong năm nay, trong khi các thị trường ở Tokyo, Mumbai và Sydney đang trên đà vượt quá 2 gigawatt trong vòng 5 đến 7 năm tới.
Theo Nikkei Asia