Thị trường thực phẩm của Nhật Bản rúng động do bê bối của Kobayashi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Hãng dược phẩm Kobayashi của Nhật Bản phải đối mặt với hàng loạt chỉ trích do phản ứng chậm trễ sau khi được báo cáo về những vấn đề sức khỏe khi dùng sản phẩm của họ.

Kobayashi Pharmaceutical đã bắt đầu tự nguyện thu hồi các sản phẩm có thành phần beni koji (Ảnh: Nikkei)
Kobayashi Pharmaceutical đã bắt đầu tự nguyện thu hồi các sản phẩm có thành phần beni koji (Ảnh: Nikkei)

Yêu cầu 1.700 nhà sản xuất sản phẩm chức năng rà soát

Kobayashi Pharmaceutical hôm 28/3 công bố thêm 2 trường hợp tử vong sau khi dùng một sản phẩm có chứa men gạo đỏ có tên là “beni koji”. Cả hai người đều có các triệu chứng giống với vấn đề về thận.

Thông tin trên làm tăng số người chết được cho là có liên quan đến sản phẩm của công ty này lên 4. Hãng dược phẩm này đã xác nhận 93 trường hợp nhập viện do sử dụng các loại thực phẩm chức năng giảm cholesterol được bán ở Nhật Bản, trong đó có sản phẩm “Beni Koji Choleste Help”.

Kobayashi Pharmaceutical là bên cung cấp nguyên liệu cho các nhà sản xuất thực phẩm khác. Bộ Y tế Nhật Bản sẽ yêu cầu các nhà sản xuất thực phẩm sử dụng men gạo đỏ từ Kobayashi, thực hiện kiểm tra tự nguyện và báo cáo kết quả, sau khi một nhóm chuyên gia khuyến nghị biện pháp này trong hôm 28/3.

cac-quan-chuc-cong-ty-xin-loi-738.jpg
Các lãnh đạo của Kobayashi Pharmaceutical cúi đầu xin lỗi. (Ảnh: Japan Times)

Sau khi xuất hiện bê bối của Kobayashi, nỗi quan ngại về sức khỏe đang làm rung chuyển thị trường thực phẩm Nhật Bản - phân khúc đang phát triển mạnh mẽ sau khi chính quyền nới lỏng những quy định về ghi nhãn.

Yutaka Arai, ủy viên Cơ quan các vấn đề người tiêu dùng Nhật Bản, cho biết đây là trường hợp nghiêm trọng gây nghi ngờ về độ an toàn của “kinosei hyoji shokuhin", còn gọi là thực phẩm được dán nhãn là “chức năng””.

Hôm 28/3, cơ quan này đã gửi một lá thư tới khoảng 1.700 nhà sản xuất sản phẩm chức năng, hỏi xem họ có nhận được báo cáo về các vấn đề sức khỏe tương tự. Cơ quan này muốn các công ty xác nhận rằng họ có sẵn quy trình thu thập thông tin như vậy hay không.

Cuộc khủng hoảng của Kobayashi khiến nhiều công ty thực phẩm đổ xô đi kiểm tra lại các sản phẩm của mình. Nhà sản xuất kẹo Kanro cho biết họ sẽ yêu cầu các nhà cung cấp nguyên liệu xác minh lại độ an toàn của sản phẩm “để đề phòng”.

Kobayashi phản ứng quá chậm trễ

Các trường hợp tử vong nghi do men gạo đỏ của Kobayashi được xem là vụ bê bối đầu tiên ở Nhật Bản liên quan tới thực phẩm chức năng.

Hiện chưa rõ nguyên nhân gây bệnh là do thành phần sản phẩm hay do quy trình sản xuất bị lỗi. Tuy nhiên, Kobayashi Pharmaceutical vẫn phải đối mặt với nhiều lời chỉ trích vì đã quá chậm trễ trong việc báo cáo vấn đề.

Vào ngày 15/1/2024, một bác sĩ đã liên hệ với Kobayashi Pharmaceutical để thông báo về một bệnh nhân được chẩn đoán bệnh thận có sử dụng sản phẩm của họ. Trong tháng tiếp theo, công ty cũng nhận được thêm nhiều báo cáo về vấn đề sức khoẻ nghi do sản phẩm của họ. Nhưng mãi đến ngày 22/3, Kobayashi mới báo cáo những trường hợp này với Cơ quan các vấn đề người tiêu dùng và chính quyền Osaka, nơi họ đặt trụ sở chính.

Luật pháp Nhật Bản yêu cầu các nhà sản xuất thực phẩm chỉ báo cáo tình trạng ngộ độc thực phẩm đối với các sản phẩm có chứa 1 trong số 4 loại chất được chỉ định, và những loại này lại không bao gồm loại men đang gây quan ngại. Theo hướng dẫn dành cho thực phẩm chức năng, Cơ quan các vấn đề người tiêu dùng chỉ hướng dẫn các nhà sản xuất "báo cáo kịp thời" mọi vấn đề sức khỏe.

Shinji Hatta, giáo sư danh dự tại Đại học Aoyama Gakuin ở Tokyo, chuyên về quản trị tổ chức, cho biết: “Vì mục đích phòng ngừa, Kobayashi Pharmaceutical lẽ ra phải công khai thông tin ngay khi nhận được báo cáo về các vấn đề đáng ngờ về sức khoẻ”.

Theo Nikkei Asia