Tại một sự kiện đầu tháng 4/2019, ông Đỗ Đức Tú, đại diện Vụ Kết cấu hạ tầng và đô thị (Bộ KH&ĐT) đã nhận xét, hàng không phát triển nóng không chỉ ở khía cạnh cung cấp dịch vụ, phương tiện vận chuyển mà còn kéo theo một số hệ lụy do tăng trưởng nhanh là yếu tố hạ tầng hàng không theo kịp tốc độ phát triển. Một vấn đề không phải lần đầu được nhắc đến, nhưng câu nói của vị diễn giả này khiến hội trường trùng xuống trong vài phút.
Tăng trưởng của ngành hàng không trong 5 năm gần đây theo chiều đi lên liên tục, với độ mở cả về quy mô doanh thu toàn ngành và lượng hàng khách vận chuyển. Các hãng bay mới như Bamboo Airways hay những cái tên quen thuộc như Vietnam Airlines, Vietjet đẩy "sức nóng" trên bầu trời ngày càng tăng với tham vọng chiếm phần nhiều hơn trong miếng bánh thị phần hàng tỷ USD.
Sự cạnh tranh, nhìn một cách khách quan, sẽ đem lại lợi ích trước hết cho khách hàng, với cơ hội được bay với chi phí thấp hơn, tuy nhiên điều này cũng kéo theo không ít hệ lụy.
Gia nhập thị trường muộn hơn cả nhưng Bamboo Airways được ví như tay chơi "ngổ ngáo", thách thức tham vọng và phả sức nóng cho cuộc đua trên bầu trời...
|
"Sức nóng" trên bầu trời...
Báo cáo phân tích từ các công ty chứng khoán trong ba năm gần nhất đều có chung một nhận định "thị trường hàng không Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn nhất thế giới". Châu Á Thái Bình Dương được đánh giá là khu vực có tốc độ tăng trưởng ngành hàng không mạnh nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Trong đó, hàng không Việt Nam, được nhìn nhận, là ngôi sao đang lên về tăng trưởng.
Theo số liệu từ báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tốc độ tăng trưởng hành khách của Việt Nam đứng cao nhất trong khu vực nhờ tiềm năng về du lịch và tỷ lệ người được bay còn thấp. Trung bình 10 năm trở lại đây, tăng trưởng ngành hàng không Việt Nam bình quân ở mức 17,4%, cao hơn gấp đôi so với bình quân khu vực Châu Á Thái Bình Dương (7,9%).
Có tiềm năng lớn, song đánh giá của các đơn vị phân tích cũng nhìn nhận, sức cạnh tranh trên thị trường Việt Nam còn tương đối thấp.
Việt Nam có quy mô dân số đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN tuy nhiên số lượng các hãng bay chỉ ở mức rất khiêm tốn so với những quốc gia lân cận. Thế độc quyền gần như nằm hoàn toàn trong tay Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines, mã CK: HNV) cho tới cuối năm 2011, trước khi Hãng hàng không Vietjet (Vietjet Air, mã CK: VJC) chính thức vận hành. Trong suốt 7 năm sau đó, thị trường chỉ chứng kiến sự rút lui chứ không thêm mới bất kỳ một hãng bay nào, quy mô hoạt động vẫn chỉ xoay quanh bốn cái tên chính là Vietnam Airlines, Vasco, Jetstar và Vietjet.
Nếu loại trừ Vasco do chỉ khai thác các chuyến bay chặng ngắn và không thông lệ như sơ tán y tế, các hoạt động tìm kiếm cứu nạn... thì thực tế, thị trường chỉ còn ba hãng bay chính. Phải đến giữa năm 2018, Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways), với vốn điều lệ ban đầu 700 tỷ đồng, trở thành hãng bay thứ 5 tại Việt Nam có giấy phép bay vận chuyển hành khách.
Mở rộng quy mô số lượng hãng bay, nhìn một cách khách quan, sẽ mang lại lợi ích trước nhất cho người tiêu dùng. Bởi miếng bánh thị phần khi phải chia cho nhiều người chơi hơn, sẽ tạo nên áp lực cạnh tranh lớn hơn.
Nếu như năm 2011, tổng thị phần của cả ba hãng máy bay thuộc Vietnam Airlines (Vietnam Airlines, Vasco và Jetstar) là 94%, trong đó Vietnam Airlines chiếm đến 75% thị phần, thì sau khi Vietjet đi vào hoạt động, thị phần của hãng hàng không quốc gia đã sụt giảm mạnh và đến 2017 chỉ còn 57% thị phần toàn ngành, trong đó riêng Vietnam Airlines tụt xuống vị trí thứ hai với 42% thị phần hàng không nội địa.
Với sự xuất hiện thêm của Bamboo Airways cuối năm 2018, khi tham gia vào hầu hết các đường bay chính, giúp khách hàng có thêm sự lựa chọn, đồng thời giá vé cũng trở nên cạnh tranh hơn.
...Sức ép dưới mặt đất
Tuy nhiên, câu chuyện mở rộng, nếu quá nóng, dù mang lại lợi ích cho khách hàng, nhưng cũng kéo theo những hệ lụy.
Gia nhập thị trường chưa đầy một năm nhưng Bamboo Airways đã tham vọng đẩy quy mô đội tàu bay khai thác vào cuối năm 2020 lên 40 chiếc.(Trích Báo cáo ngày 31/5 vừa rồi của Cục Hàng không)
|
Vấn đề đầu tiên là về hạ tầng hàng không. Quyết định 236 ngày 23/2/2018 của Thủ tướng về quy hoạch phát triển ngành hàng không giai đoạn 2020 và định hướng 2030 đã đề ra các mục tiêu phát triển thị trường, trong đó chỉ tiêu số lượng tàu bay khai thác đến cuối 2020 sẽ là 220 chiếc và cuối 2030 là 400 chiếc.
Tuy nhiên số liệu do Cục Hàng không Việt Nam tổng hợp dựa trên kế hoạch phát triển của các hãng bay, bao gồm cả hãng bay mới, cho biết quy mô lượng tàu bay đến cuối 2020 có thể đạt 320 chiếc, vượt gần 50% quy hoạch phát triển ngành.
Báo cáo tháng 9/2018 của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, "hạn chế về hạ tầng là một rào cản gia nhập ngành tuy nhiên cũng là khó khăn chung của các doanh nghiệp nội địa". Số lượng các cảng hàng không tuy nhiều, nhưng theo BVSC, ba cái tên chính là Tân Sơn Nhất, Nội Bài và Đà Nẵng đã chiếm tới 76% tổng lưu lượng hành khách vận chuyển. Trong đó, Tân Sơn Nhất là cảng hàng không lớn nhất chiếm gần 40% tổng lưu lượng.
Tuy nhiên, Tân Sơn Nhất trong ba năm trở lại đây đều đang trong tình trạng quá tải cả về bãi đỗ máy bay lẫn tần suất cất hạ cánh/giờ (slot). Công suất thiết kế ban đầu của cảng hàng không này là 25 triệu hành khách/năm thì năm 2016 và 2017 tổng lượng hành khách đã lên tới 32 triệu và 36 triệu khách, cao hơn 38% và 44% so với công suất thiết kế.
Sức nóng trên bầu trời và sức ép dưới mặt đất... (Ảnh: Internet)
|
Theo BVSC, việc quá tải về hạ tầng tại Tân Sơn Nhất cũng là lý do chính khiến việc mở mới thêm các hãng hàng không trở nên khó khăn. Năm 2017, Công ty TNHH MTV Hàng không Vietstar đã không được giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không với lý do sân bay Tân Sơn Nhất quá tải. Bamboo Airways, hãng bay được cấp phép thứ 5 tại Việt Nam, được giới phân tích đánh giá là "khôn khéo" khi chọn Phù Cát là căn cứ chính. Tuy nhiên, quy mô của Phù Cát, thực tế, đang trở nên "chật chội" với tốc độ mở rộng của hãng bay này.
Tháng 3/2018, sau khi tăng vốn điều lệ từ 700 lên 1.300 tỷ đồng, Bamboo Airways đề nghị được khai thác trên 30 tàu bay, với lộ trình đến cuối 2020 nâng quy mô đội bay lên mức 40. Con số này, theo chiếu theo kế hoạch, sẽ bằng 1/3 lượng máy bay của Vietnam Airlines và gần một nửa quy mô đội bay của Vietjet. Tuy nhiên, quy hoạch sân bay Phù Cát theo quyết định 353 năm 2016 của Bộ Giao thông vận tải cho biết, cảng hàng không này tới 2020 được quy hoạch chỉ có 7 vị trí đỗ và tầm nhìn đến 2030 cũng chỉ mở rộng lên 12 vị trí đỗ.
Cũng cần lưu ý rằng, lượng vốn 1.300 tỷ đồng hiện nay của Bamboo cũng là con số tối thiểu để vận hành trên 30 tàu bay, nếu căn cứ theo Khoản 1 Điều 8 Nghị định 92/2016 quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Còn nếu so với mức vốn điều lệ hơn 5.400 tỷ đồng của Vietjet và hơn 14.000 tỷ đồng của Vietnam Airlines, con số này của Bamboo Airways vẫn còn rất khiêm tốn. Chưa kể, thực lực tài chính của cái tên đừng sau Bamboo Airways là không thể vững bằng, thậm chí còn đem đến những băn khoăn.
Phản hồi lại đề nghị của Bamboo khi đó, Cục Hàng không nhận định, đây là vấn đề cần xem xét một cách kỹ lưỡng, thấu đáo trên cơ sở các quy định của pháp luật, nhu cầu thị trường, phù hợp của hạ tầng cảng hàng không cũng như năng lực Bamboo Airways và thực tiễn việc đảm bảo giám sát an toàn hàng không của Cục Hàng không. Cục cũng yêu cầu Công ty Tre Việt giải trình rõ thêm về nguồn lực khai thác tàu bay và cung cấp các hợp đồng tuyển dụng lao động đã ký kết, các hợp đồng dịch vụ mặt đất, kế hoạch tuyển dụng, đào tạo nhân lực để khai thác đội máy bay 40 chiếc trong năm 2019.
Tuy nhiên, câu chuyện "tăng nóng", ngoài vấn đề hạ tầng, còn kéo theo cả những vấn đề về khâu vận hành.
Kết luận tại cuộc họp thường trực Chính phủ mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, ngành hàng không đã khởi sắc với việc ra đời các hãng bay mới, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân, có lợi cho khách hàng. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng nhận định, vẫn có một số bất cập nảy sinh có nguy cơ uy hiếp an ninh, an toàn hàng không, chất lượng dịch vụ chưa đảm bảo (tình trạng chậm, hủy chuyến còn nhiều) và bắt đầu có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh.
Câu chuyện tranh chấp giữa Vietnam Airlines và Bamboo Airways đầu tháng 5/2019 về vấn đề phi công cũng là một ví dụ. Đại diện Bộ Giao thông vận tải khi đó xác nhận đã nhận được văn bản của Vietnam Airlines tố cáo hãng bay mới Bamboo Airways tranh giành phi công, cạnh tranh không lành mạnh. Khi đó, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải - Nguyễn Nhật trong lần trả lời truyền thông cho biết, Bộ đang cho kiểm tra vấn đề này để xem tình trạng di chuyển việc làm của các phi công này có sai quy định hay không.
Trước những thực trạng như trên, Thủ tướng trong văn bản mới đây cũng giao Bộ trưởng Giao thông vận tải chỉ đạo đánh giá năng lực ngành hàng không và có biện pháp quản lý để phát triển tốt nhưng phải phù hợp với quy hoạch, năng lực cơ sở hạ tầng và nhân lực. Việc thành lập mới hoặc nâng quy mô các hãng hàng không, theo người đứng đầu Chính phủ, phải đảm bảo yêu cầu duy trì và nâng cao năng lực khai thác an toàn bay của các hãng, năng lực giám sát của nhà chức trách, khả năng cung ứng năng lực đặc thù (phi công, kỹ sư, thợ máy...) và khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng hàng không./.