“Sau khi ra mắt Bphone đời đầu năm 2015, tôi từng có thời gian bị stress nặng, không dám lên mạng đọc bất cứ tin tức gì về mình và sản phẩm của mình”, ông Nguyễn Tử Quảng chia sẻ với Zing.vn trong một cuộc gặp trước sự kiện ra mắt Bphone 2017.
Trên sân khấu Trung tâm Hội nghị Quốc gia sáng 8/8, ông mở đầu bằng câu nói: “Tôi đã ở đây”. Nó như một lời khẳng định Nguyễn Tử Quảng và thương hiệu Bphone đã quay lại, sẵn sàng đối mặt với những áp lực mới dành cho ông và thương hiệu di động non trẻ này.
“Chúng tôi có một kế hoạch dài hạn để Việt Nam có một ngành công nghiệp sản xuất smartphone do người Việt Nam làm chủ. Nó phải được bắt đầu bằng những chiếc smartphone cụ thể made in Vietnam”, ông Quảng nói.
Và chiếc smartphone made in Vietnam thế hệ thứ hai được Bkav giới thiệu sáng 8/8 ngay lập tức tạo ra sức hút lớn trên truyền thông, mạng xã hội, với hàng loạt ý kiến trái chiều. Điều này là bình thường với bất kỳ mẫu smartphone mới nào, nhưng với một "thương hiệu gây tranh cãi" như Bphone, lượng ý kiến xoay quanh nó dường như lớn gấp nhiều lần.
Bị 'ném đá' vì đâu?
Bphone đời đầu bị "ném đá" vì nhiều lý do chính đáng: thiếu sót trong khâu tổ chức sự kiện (sử dụng ảnh trên mạng để minh họa cho tính năng chụp ảnh của máy), chất lượng sản phẩm không tốt như quảng cáo, chậm giao hàng...
Bên cạnh đó, nhiều người tin rằng đây là smartphone Trung Quốc gắn mác “made in Vietnam”, tạo thêm một lý do chưa xác đáng khác. Quan trọng là số người có suy nghĩ này không phải ít.
Sự phát triển chậm chạp của ngành công nghiệp công nghệ cao Việt Nam (chính xác là mới manh nha hình thành từ vài năm gần đây) khiến người dùng không tin tưởng vào việc một nhà sản xuất trong nước có thể tạo ra một chiếc di động thực sự "made in Vietnam".
Khi có người công bố một sản phẩm như vậy, kèm theo chất lượng không nổi bật như quảng cáo, người ta lập tức có lý do để chỉ trích. Họ chỉ trích có sai không, câu trả lời thực tế là "không". Số đông thiếu niềm tin chẳng qua vì từ rất lâu rồi họ không thấy nhiều nhà sản xuất trong nước đáng để tin tưởng. Người dùng luôn là những trọng tài công bằng nhất. Muốn biết một sản phẩm tốt hay không, hãy để thị trường và người dùng phán quyết.
Có thể, ông Nguyễn Tử Quảng và các cộng sự của mình “không thể tin nổi” khi tạo ra một chiếc smartphone có thể sánh ngang với các ông lớn quốc tế về nhiều mặt. Có thể ông Quảng phải mất 7 năm để thai nghén một chiếc smartphone với hàng trăm nghìn công đoạn tỉ mỉ cùng nhiều tỷ đồng bỏ ra.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất khác cũng vậy và người dùng không cần biết điều đó. Họ so sánh giữa các sản phẩm, đối chiếu những gì nhà sản xuất nói và đưa ra kết luận một cách công bằng. Do đó, khi họ không chấp nhận sản phẩm Bphone đời đầu, rõ ràng sản phẩm này có vấn đề.
Ông Quảng hiểu điều này. Trong buổi ra mắt Bphone 2017, CEO Bkav thừa nhận: “Chúng tôi thực sự chưa lường hết được những khó khăn. Đây là một kế hoạch dài hạn và chúng tôi biết, một sản phẩm vừa ra mắt không thể có thành công ngay, thậm chí có thể phải mất hàng chục năm”. Nói cách khác, ông Quảng thừa nhận những sai sót trong quá trình ra mắt Bphone thế hệ đầu.
Bphone - Nguyễn Tử Quảng có đáng bị ném đá?
Một cựu lãnh đạo Bộ Bưu chính Viễn thông cách đây chục năm từng nói xã hội vẫn gọi chủ tịch Bkav là Quảng “nổ”, nhưng đất nước cần những người như Quảng “nổ”. Trong bối cảnh những hãng di động như Apple, Samsung đang thống trị thị trường thế giới, có mấy người dám bỏ ra số tiền không nhỏ để tạo ra một sản phẩm và nuôi tham vọng cạnh tranh sòng phẳng với những hãng này, nhất là ở Việt Nam?
Nhiều nhân vật kỳ cựu của làng công nghệ Việt Nam cũng có chung quan điểm khâm phục Quảng "nổ" vì những gì Chủ tịch Bkav đã và đang làm.
Nếu là người làm trong ngành công nghệ, bạn sẽ hiểu rất rõ vì sao những người này nghĩ vậy. Tất nhiên, những ngành khác cũng không ngoại lệ nhưng với xu hướng biến đổi liên tục, ngành công nghệ đặc thù hơn.
Phần lớn lãnh đạo các hãng công nghệ đều đặt những mục tiêu ngoài sức tưởng tượng và cố gắng thực hiện, dù chưa chắc đạt được, thay vì đặt những mục tiêu tầm tầm và dễ dàng đạt được nhưng không tạo ra đột phá.
Bphone có thể chưa phải đối thủ cứng cựa của các dòng iPhone hay Galaxy, nhưng điểm đáng ghi nhận của những công ty như Bkav là dám đứng lên, làm sản phẩm và đặt mục tiêu vượt mặt các đối thủ nói trên. “Nếu Việt Nam có khoảng 10 công ty dám làm những việc tương tự, tôi tin là chúng ta sẽ phát triển không thua kém Hàn Quốc”, ông Quảng từng chia sẻ. Nhìn vào mắt nhân vật này, người ta thấy được niềm tin sâu sắc chứ không phải một câu nói bâng quơ mang tính “hô khẩu hiệu”.
Bphone mới thuộc phân khúc cận cao cấp - nhóm sản phẩm được xem là khó nhằn nhất trên thị trường. Giá bán của máy là 9,789 triệu đồng. |
Với nhiều người, việc ông Quảng và các cộng sự liên tục lặp đi lặp lại thông điệp "chất" khi giới thiệu Bphone 2017 tiếp tục là một cái cớ để gắn chặt tên ông với biệt danh "nổ". Tuy nhiên, nếu thường xuyên theo dõi các sự kiện ra mắt sản phẩm di động của nhiều hãng smartphone, cả lớn cả nhỏ, bạn dễ dàng quen với việc lãnh đạo các hãng này “chém gió” về những tính năng tốt nhất thế giới, dẫn đầu thị trường, vượt mặt đối thủ... Do đó, bài phát biểu của ông Quảng và các cộng sự thực chất không mới, cũng không có gì lạ.
Nhìn nhận một cách tích cực, thông điệp “không thể tin nổi” hay “chất” vừa qua của Bkav thậm chí còn là điểm nhấn để người ta nhớ đến Bphone. Nếu là người tổ chức sự kiện, bạn mong muốn gì hơn ngoài việc các thông điệp của mình được nhắc lại nhiều năm sau?
Bphone mới có thể tốt, hoặc chưa tốt, tùy đánh giá của mỗi người. Tuy nhiên, những nhận định tiêu cực mang tính “ném đá” có thể giết chết một giấc mơ tạo ra những sản phẩm cạnh tranh sòng phẳng với đối thủ quốc tế, giống với việc dự án sản xuất Bphone suýt chút nữa bị hủy bỏ cách đây 2 năm.
Giờ đây, sản phẩm này đã trở lại, nói như ông Nguyễn Tử Quảng là “tôi đã ở đây”. Sau những bài học rút ra từ Bphone đời đầu, ông Quảng cùng các cộng sự hẳn đã chuẩn bị tâm lý kỹ lưỡng hơn để sẵn sàng đón nhận "gạch đá" từ người dùng. Tuy nhiên, những ý kiến khách quan, công tâm là thứ mà Bkav và các thương hiệu Việt khác cần được nghe để thay đổi và phát triển, chứ không phải những nhận xét ác ý, vô căn cứ.