Phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ chiều 25/5, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng nhấn mạnh rằng thu hút đầu tư theo mô hình BOT đã giúp tạo ra bước ngoặt về thu hút đầu tư vào hạ tầng giao thông.
Theo bộ trưởng, việc đẩy mạnh thu hút đầu tư theo mô hình BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) là thực hiện chủ trương xã hội hóa thu hút đầu tư theo tinh thần Nghị quyết 13 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông.
Hàng năm, trong các nghị quyết điều hành của mình, Chính phủ cũng đã chỉ đạo về vấn đề thu hút đầu tư, giao Bộ Giao thông Vận tải quyết định đầu tư các dự án giao thông. Trong 4 năm qua, chỉ số hạ tầng giao thông của Việt Nam đã tăng 29 bậc. Đây được coi là kết quả của việc kết hợp giữa vốn ngân sách và vốn xã hội hóa.
Bộ trưởng Thăng cũng cho hay, trong bối cảnh ngân sách, bao gồm cả vốn ODA còn thiếu, nếu không sử dụng vốn xã hội hóa theo hình thức BOT thì không thể có hạ tầng giao thông như hiện nay.
“Chúng ta đã làm được hàng nghìn km đường trong đó hơn 700 km đường cao tốc, góp phần năng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế, giảm áp lực cho ngành giao thông. Việc huy động vốn cho giao thông theo hình thức BOT thành công cũng có phần nhờ đầu tư vào bất động sản giảm, mặc dù thời gian huy động dài, lãi suất cao”, Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh đến vấn đề đang được nhiều đại biểu và người dân quan tâm là liệu BOT có minh bạch không và thu phí có phù hợp không. Theo ông Thăng, hình thức BOT là “công khai minh bạch, được giám sát bởi nhiều chủ thể, chủ đầu tư, ngân hàng và người dân. Việc thu phí giao thông là hoàn toàn đúng quy định hiện hành”.
Trước đó, trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Quốc hội, Bộ trưởng Thăng cũng nói rằng ông “không tin việc thu phí tại các tuyến đường đầu tư theo hình thức BOT lại có thể làm tăng chi phí sản xuất so với việc lưu thông trên những con đường cũ kỹ chỉ phải đóng phí bảo trì thông thường”.
Dẫn ví dụ về dự án BOT vừa mới hoàn thành là cầu Cổ Chiên, Bộ trưởng nói nhờ dự án này đã rút ngắn được 70 km cung đường từ Trà Vinh lên Tp.HCM. Vì đường tốt, chạy tốc độ tối ưu nên sẽ tiết kiệm không chỉ xăng dầu, mà còn giảm chi phí khấu hao, chi phí sửa chữa phương tiện, chi phí qua phà như trước đây. Đó là còn chưa tính đến những lợi ích không định lượng được như tiết kiệm thời gian, độ an toàn giao thông và sức khỏe của người vận hành phương tiện đảm bảo hơn.
“Nếu chỉ ngồi chờ vào ngân sách thì mọi người đều biết, còn rất lâu nữa chúng ta mới dám mơ tới những con đường hiện đại. Hình thức BOT thực sự là một lối thoát lâu dài, bởi nó tận dụng được sức mạnh của toàn nền kinh tế. Không thể có chuyện vừa không muốn mất tiền, hoặc mất rất ít tiền, lại vừa muốn đi trên những con đường chất lượng cao. Tôi chưa thấy ở đâu đáp ứng được điều đó. Giàu có như Mỹ, châu Âu hay Singapore người ta cũng đang làm như vậy", ông nói.
Theo Vneconomy