Nữ phi công quả cảm Lydia Litvyak (Ảnh: AIF) |
Lydia Litvyak sinh ra ở Moscow ngày 18/8/1921. Năm 14 tuổi, Litvyak theo học tại CLB hàng không quận Kirov, Moscow. Năm 15 tuổi, lần đầu tiên Litvyak bay lên bầu trời. Sau khi tốt nghiệp trường đào tạo phi công Kherson, Litvyak được điều về câu lạc bộ hàng không Kalinin, Lydia Litvyak đã tham gia giảng dạy 5 khóa, với số phi công đào tạo được là 45 người.
Tháng 10/1941, Lydia Litvyak có giấy gọi nhập ngũ. Năm 1942, cô thuộc quân số của trung đoàn không quân tiêm kích 586 thuộc quân chủng phòng không không quân, Hồng quân Liên Xô, nay là căn cứ không quân Engels, gần thành phố Saratov. Thời gian làm việc ở CLB hàng không, Lydia Litvyak chủ yếu chỉ được bay trên máy bay Biplane U-2, đây là mẫu máy bay hai tầng cánh của Liên Xô. Ở trung đoàn 586, lần đầu tiên Lydia Litvyak biết đến máy bay tiêm kích Yak-1, việc làm quen, nắm bắt và làm chủ phương tiện cũng không mất nhiều thời gian.
Không lâu sau đó, phi đội số 1 của Lydia nhận lệnh tăng cường cho trung đoàn không quân tiêm kích 437, mặt trận Stalingrad. Ở trung đoàn 437, không ai ngờ rằng trong số lực lượng tăng cường về đây lại có nữ phi công trẻ, bởi cuộc chiến giành giật bầu trời Stalingrad (nay là Volgagrad) là những trận chiến rất khốc liệt, không có thời gian và cũng không có nhân sự để thực hiện công việc hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm tác chiến cho phi công nữ trẻ như vậy.
Chính vì vậy, trong thời điểm ác liệt nhất của những trận không chiến trên bầu trời Stalingrad, Lydia Litvyak chỉ được giao nhiệm vụ xuất kích 10 lần trong một tháng. Mãi đến năm 1943 Lydia Litvyak mới có cơ hội thể hiện tài năng của một phi công tiêm kích, ở khu vực Donbass, thời gian này chị được điều về sư đoàn không quân tiêm kích 286.
Khi được hỏi về nữ phi công trẻ Lyda (tên gọi thân mật của Lydia Litvyak), Boris Nikolaievich Eremin – một sĩ quan của sư đoàn 286, cho biết Lyda cũng như bao nữ phi công trẻ khác, luôn khao khát được lao vào cuộc chiến, trung đoàn của Lida có chức năng trinh sát – tiêm kích.
Khi Lyda được giao nhiệm vụ trinh sát thọc sâu 200 km, sư đoàn trưởng gọi Boris Nikolaievich lên gặp riêng, hỏi: giao nhiệm vụ trinh sát thọc sâu cho nữ phi công trẻ như vậy, anh nghĩ sao? Boris Nikolaievich nói: “Tôi hoàn toàn yên tâm. Lydia Litvyak được đào tạo bài bản, có nhiều tố chất nổi trội, chỉ có điều là… đưa các cô gái vào sâu lòng địch, nhỡ có mệnh hệ gì thì việc thoát ra quả thực cũng không đơn giản”.
Nhưng kết luận cuối cùng vẫn là nhất trí để Lyda tham gia nhiệm vụ này”. Dường như cảm nhận được cảm xúc của chỉ huy, Lydia Litvyak trấn an thủ trưởng của mình: “Boris Nikolaevich, tất cả đều đã công nhận rằng chỉ nhìn thấy chúng tôi, bọn phát xít Đức đã phách lạc hồn siêu rồi, có gì đáng lo ngại đâu ạ”.
Mùa hè năm 1943, khi Hồng quân Liên Xô tổ chức tấn công trên hướng Donbass, pháo binh và trung đoàn không quân tiêm kích của Lydia đã phá vỡ tuyến phòng thủ của địch. Và đúng ngày 1/8/1943, Lydia Litvyak hy sinh, khi chỉ còn 17 ngày nữa là tròn 22 tuổi. Trong bảng tin của phòng truyền thống sư đoàn còn ghi: “Ngày 1/8/1943, trung đoàn của Lydia Litvyak nhận lệnh tuần tra trên không, yểm trợ cho lực lượng mặt đất, phối hợp bay cùng với Yak-1 của Lyda, có máy bay chiếc IL-2 của sư đoàn không quân số 1 Stalingrad. Yak-1 của Lyda và IL-2 phải đương đầu với 12 chiếc Ju-88 và 4 chiếc Me-109 của Đức quốc xã, với sức mạnh áp đảo của không quân Đức, chiếc Yak-1 của Lyda bị 4 chiếc Me-109 bao vây, tấn công và bị bắn bị rơi xuống vùng Marinovka, tỉnh Donetsk. Nhìn lại cả quá trình chiến đấu, Lydia Litvyak đã thực hiện 168 lần cất cánh, giành được 12 chiến thắng trong những lần không chiến”.
Người dân địa phương đã chôn cất Lydia Litvyak, trong thời gian dài, thông tin về vị trí ngôi mộ bị thất lạc. Mãi tới năm 1971, sau quá trình tìm kiếm, do trường học số 1, thuộc thành phố Krasny Luch tiến hành, hài cốt của Lydia Litvyak mới được tìm thấy. Tháng 5/1990. Tổng thống Liên Xô ký sắc lệnh truy tặng danh hiệu anh hùng Liên Xô cho Lydia Vladimirovna Litvyak.