Bội chi ngân sách: Trả nợ ít, vay nhiều

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Bùi Đức Thụ, Chính phủ cần được Quốc hội chấp thuận để trong tài khóa 2015-2016 phát hành 3 tỉ USD trái phiếu trên thị trường vốn quốc tế nhằm đảo nợ
Ông Bùi Đức Thụ trả lời phỏng vấn bên lề hành lang kỳ họp Quốc hội Ảnh: BẢO TRÂN
Ông Bùi Đức Thụ trả lời phỏng vấn bên lề hành lang kỳ họp Quốc hội Ảnh: BẢO TRÂN

Phóng viên: Tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách năm 2016 có đáng ngại không, thưa ông?

- Ông Bùi Đức Thụ: Nhu cầu đầu tư phát triển, nhất là an sinh xã hội, y tế và giáo dục, là rất lớn. Tỉ lệ chi thường xuyên luôn trong tình trạng tăng cao đã gây áp lực chi cho ngân sách nhà nước (NSNN). Trong khi áp lực phải chi cho đầu tư phát triển thì chi trả nợ đang gia tăng là vấn đề cần phải quan tâm.

Bội chi đang có xu hướng tăng dẫn đến áp lực tăng nợ công. Cụ thể, năm 2016, xét về tỉ trọng bội chi NSNN thì có giảm so với 2015 nhưng số tuyệt đối lại tăng từ 226.000 tỉ đồng lên 254.000 tỉ đồng. Thêm vào đó, năm 2015 mới trả nợ được 150.000 tỉ đồng vốn vay nhưng lại vay bội chi ngân sách lên 226.000 tỉ đồng và vay trái phiếu Chính phủ (TPCP) 85.000 tỉ đồng. Vì thế, khối lượng vay lớn gấp đôi so với khối lượng đã trả được.

Tuy nhiên, nếu một quốc gia không tăng tỉ trọng chi đầu tư thì sẽ hạn chế tăng trưởng và phát triển. Điều này bắt buộc chúng ta phải tái cơ cấu theo hướng giảm tỉ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN. Nếu năm 2015 giảm chi thường xuyên được khoảng 2% thì được xem là tích cực.

Tình hình ngân sách “căng” như vậy song số lượng xe công tới 40.000 chiếc, tiêu tốn trên 13.000 tỉ đồng?

- Việc sử dụng xe công, Bộ Tài chính đã có quy định rất cụ thể cho đối tượng sử dụng. Còn đối với việc lạm dụng sử dụng xe công của một số đối tượng, tôi kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần tính toán đổi mới phương thức sử dụng xe công như khoán chi phí để giảm bớt gánh nặng chi thường xuyên.

Khả năng huy động bù đắp bội chi theo hướng nào?

- Năm 2015, Quốc hội (QH) quyết mức bội chi 226.000 tỉ đồng, quyết mức đầu tư cho một số dự án đã được QH quyết định từ trước là 85.000 tỉ đồng và vay đảo nợ là 125.000 tỉ đồng. Trong kế hoạch, dự kiến vay phát hành TPCP để bù đắp bội chi là 250.000 tỉ đồng và khoảng 125.000 tỉ đồng vay các quỹ tài chính nhà nước, còn lại 32.000 tỉ đồng là vay khác. Nhưng trong 250.000 tỉ đồng phát hành TPCP, 9 tháng đầu năm chỉ mới phát hành 127.000 tỉ đồng (chiếm 51%), lãi suất đã phải nâng lên 6,6%/năm. Quyết liệt lắm, từ giờ đến cuối năm còn hụt khoảng 90.000 tỉ đồng thì phải tính đến vay trong nước, đa dạng hóa thời hạn. Còn kỳ hạn vay trên 5 năm như Nghị quyết 78 của QH thì sẽ không hấp dẫn được nhà đầu tư.

Có điều vay trong nước lãi suất cao, nghĩa vụ trả nợ ngân sách sau này lớn. Ngoài ra, do tổng nguồn của trong nước có hạn vì quy mô GDP cả năm 2015 khoảng hơn 204 tỉ USD. Nếu như hút nhiều vào tín dụng nhà nước, tín dụng đầu tư cho các thành phần kinh tế sẽ giảm. Do vậy, Chính phủ trình các phương án. Một là, cho phép đa dạng các kỳ hạn để giảm phí vay và phù hợp với tình hình thực tiễn; có lộ trình dần để giảm vay ngắn hạn, tăng vay dài hạn là phù hợp. Hai là, đề nghị cho phép phát hành TPCP ra nước ngoài, mà vay nước ngoài lãi suất thấp hơn, kỳ hạn dài hơn (từ 10-30 năm) để tái cơ cấu nợ ngắn hạn trong nước.

Chính phủ trình trong tài khóa 2015-2016 phát hành 3 tỉ USD TPCP trên thị trường vốn quốc tế nhằm đảo nợ đối với các khoản vay ngắn hạn trong nước. Điều này mâu thuẫn với Luật Quản lý nợ công nên phải trình ra QH để QH chấp thuận. Cũng như phát hành đa dạng hóa kỳ hạn, trong đó QH yêu cầu ít nhất 70% trung và dài hạn, phần phát hành ngắn hạn chỉ 30%, trái với Nghị quyết 78 nên cũng phải trình ra QH để đưa vào nghị quyết.

Tuy nhiên, vì lợi ích nền kinh tế của đất nước, tôi đề nghị QH chấp thuận điều này. Để có cơ sở pháp lý cho Chính phủ thực hiện, trong khi chưa sửa Luật Quản lý nợ công thì QH phải quy định trong nghị quyết về dự toán NSNN năm 2016.

Trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ mới đây, vấn đề tăng lương cơ sở (từ hệ số 2,34 trở lên) đã được đem ra bàn song trước mắt cũng chỉ tiếp tục tính toán để trình QH phương án và thời điểm tăng lương vào kỳ họp tháng 3-2016. Vậy theo ông, việc tăng lương cơ sở trong thời điểm này là không thể?

- Việc tăng lương đòi hỏi một nguồn tiền quá lớn vì quy mô người hưởng lương và chế độ chính sách từ ngân sách nhà nước rất nhiều. Ước tính, số lượng cán bộ, công chức là gần 700.000 người nhưng tổng số người hưởng lương từ NSNN, liên quan NSNN lên đến hơn 8 triệu người. Do vậy, để cải cách tiền lương thì đòi hỏi một lượng tiền rất lớn. Đây là vấn đề không đơn giản vào thời điểm này.

Lần gần nhất, để tăng lương cơ bản từ 930.000 lên 1.150.000 đồng, NSNN phải bỏ ra trên 44.000 tỉ đồng/năm.

Quốc hội bàn về KT-XH và ngân sách

Theo lịch trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII bước sang tuần làm việc thứ 3 từ ngày 2 đến 6-11. QH sẽ dành 2 ngày (2 và 3-11) để thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2015 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2016; kết quả thực hiện NSNN năm 2015; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016.

QH cũng thảo luận về việc cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành TPCP; việc phát hành TPCP ra thị trường vốn quốc tế; về phương án sử dụng vốn TPCP còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

QH cũng nghe và cho ý kiến một số dự án luật, như: Luật Đấu giá tài sản; Luật Thống kê (sửa đổi); Luật Khí tượng thủy văn; Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Bộ Luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi)... Đáng chú ý, QH sẽ tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Báo chí (sửa đổi).

Theo NLĐ