Bộ Tư pháp triển khai công tác tư pháp năm 2021 cho 64 tỉnh thành trên toàn quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Ngày 23/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2021, định hướng nhiệm kỳ 2021-2025 theo hình thức truyền hình trực tuyến tại 64 điểm cầu là các tỉnh thành trên toàn quốc.

Quang cảnh hội nghị (ảnh Lê Quang - TTTT)
Quang cảnh hội nghị (ảnh Lê Quang - TTTT)

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, năm 2020, ngành Tư pháp đã tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội thông qua 17 luật, nâng số luật, pháp lệnh, nghị quyết do Chính phủ trình và được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua cả nhiệm kỳ 112 văn bản.

Cũng theo Bộ Tư pháp, các bộ, ngành trình Chính phủ, Thủ tướng chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 968 văn bản trong số hơn 5.300 văn bản của cả nhiệm kỳ (2016-2020). Công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được chú trọng nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ.

Trong năm 2020, Bộ Tư pháp đã thẩm định 258 dự thảo; tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định 405 dự thảo; các Sở Tư pháp thẩm định 4.162 dự thảo và 983 dự thảo do các phòng Tư pháp thẩm định.

Trong thời gian qua, Bộ Tư pháp và hệ thống thi hành án dân sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt việc phòng chống tham nhũng, vi phạm trong thi hành án. Các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành được trên 53.000 tỉ đồng (tăng gần 1.000 tỉ đồng so với năm 2019), trong đó có trên 14.000 tỉ đồng từ các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi. Kết quả thi hành án hành chính có nhiều chuyển biến tích cực, đã thi hành xong 363 vụ việc (tăng 68 vụ việc so với năm 2019).

Tính chung trong cả nhiệm kỳ 2016-2020, các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong trên 2,8 triệu vụ việc (tăng 20,3% so với nhiệm kỳ trước), tương ứng trên 205 nghìn tỷ đồng (tăng 56% so với nhiệm kỳ trước). Kết quả công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Bên cạnh đó, giai đoạn 2016-2020, có trên 14 triệu thông tin cá nhân được chia sẻ cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, gần 1,5 triệu thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thông qua liên thông thủ tục hành chính điện tử và hàng triệu trường hợp đăng ký hộ tịch khác.

Tại Đà Nẵng, năm 2020, UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo Sở Tư pháp thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực công tác tư pháp như rà soát văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật... UBND TP đã ban hành 43 văn bản quy phạm pháp luật với 100% văn bản ban hành đều có ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp.

Trong năm qua, Đà Nẵng cũng đã chỉ đạo Sở Tư pháp chú trọng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tích cực chủ động trong triển khai thực hiện nhiệm vụ mà UBND TP giao, triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn.

Trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tiếp tục thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch lịch sử trên địa bàn vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc và thực hiện phần mềm tra cứu liên ngành tư pháp, tòa án, công an, viện kiểm sát, thi hành án về trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp trên địa bàn.