Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm CNTT của Việt Nam

VietTimes – Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn lưu ý Vụ CNTT tiếp tục hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp, quảng bá sản phẩm thương hiệu Việt và nguồn nhân lực CNTT Việt Nam ra nước ngoài, đưa Việt Nam trở thành một điểm đến thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư nước ngoài.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu tại cuộc họp.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu tại cuộc họp.

Tại buổi làm việc với Vụ CNTT vào sáng nay (26/5), Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn khẳng định nhân lực là một vấn đề lớn, đặc biệt quan trọng. Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu Vụ CNTT phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành có liên quan như Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Lao động thương binh và xã hội... để tham mưu cho Lãnh đạo Bộ và Chính phủ các chương trình, kế hoạch dài hạn về phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp CNTT; rà soát, đánh giá kỹ lưỡng các tiêu chí về chuẩn kỹ năng CNTT bảo đảm sát thực với nhu cầu của các cơ quan ở Trung ương, địa phương và nhu cầu của xã hội.

Báo cáo tại buổi làm việc, Ông Đào Đình Khả, Vụ trưởng Vụ CNTT cho biết, hiện nay ngành CNTT đang có những xu hướng phát triển mới. Sự cạnh tranh gay gắt đòi hỏi việc phát triển của ngành CNTT, đặc biệt là công nghiệp CNTT, gắn liền với sự sáng tạo, đổi mới và luôn cập nhật các kỹ năng tiên tiến. Hình thái phát triển sản phẩm CNTT xoay quanh các hệ sinh thái mở của các công ty lớn thông qua môi trường Internet đã tạo ra nhiều thách thức hơn dự kiến đối với mô hình quản lý và phát triển công nghiệp truyền thống. Để ngành công nghiệp CNTT phát triển, xuất khẩu một cách bền vững, cần làm chủ các công nghệ lõi, các mô hình phát triển sáng tạo để tạo sức cạnh tranh cho các sản phẩm và dịch vụ CNTT. Điều này phải dựa vào chính các biện pháp chủ động từ nội lực của ngành CNTT Việt Nam.

Trong thời gian tới, Vụ CNTT sẽ tập trung vào các việc: Hoàn thiện khung pháp lý về CNTT theo sát chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ và thực tế phát triển, hội nhập quốc tế của đất nước; Triển khai các đề án, chính sách CNTT; Xây dựng các tiêu chí xác định các sản phẩm, dịch vụ CNTT; Phát triển các sản phẩm, dịch vụ CNTT trọng điểm, các công nghệ lõi tạo giá trị gia tăng cao; Hỗ trợ nâng cao tiềm lực nghiên cứu, phối hợp nghiên cứu kết nối giữa các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu và doanh nghiệp; Chủ động tham gia vào các hoạt động hợp tác quốc tế liên quan đến CNTT.

Đánh giá về hoạt động của Vụ CNTT, Bộ trưởng Bộ Trương Minh Tuấn khẳng định, lĩnh vực CNTT là 1 trong 5 lĩnh vực lớn mà Bộ đang quản lý. Đây là lĩnh vực có phạm vi, đối tượng quản lý rộng, có ảnh hưởng, tác động tới toàn bộ hệ thống các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân trong xã hội.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, trong thời gian qua, Vụ CNTT đã chủ động nghiên cứu, nắm bắt xu hướng phát triển của công nghệ, thực hiện tốt vai trò của đơn vị chủ trì, tham mưu giúp Bộ trưởng trong việc hoạch định chính sách, quản lý nhà nước về công nghiệp CNTT, xây dựng kịp thời nhiều văn bản quan trọng, các chương trình, kế hoạch phát triển dài hạn, 05 năm, hàng năm, góp phần tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc thúc đẩy, phát triển công nghiệp phần cứng – điện tử, công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung số, dịch vụ CNTT, khu CNTT tập trung trên toàn quốc.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh trong thời gian tới, Vụ CNTT cần chủ động rà soát, đánh giá hiệu quả, tính khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật và chương trình, dự án, đề án hiện hành; chủ động nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm từ các chuyên gia nước ngoài để đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn; giảm bớt tiền kiểm và tập trung vào công tác hậu kiểm để giảm bớt các thủ tục hành chính, rào cản tham gia thị trường, đồng thời quyết liệt triển khai nhằm đưa chính sách vào cuộc sống, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT.

Tập trung nguồn lực, bám sát và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, đặc biệt là Văn phòng Chính phủ để nhanh chóng hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách trình các cấp có thẩm quyền ban hành, trước mắt tập trung tổng kết đánh giá 10 năm thi hành Luật CNTT.

Đối với việc triển khai các đề án, chương trình về CNTT-TT, Vụ CNTT cần tập trung điều phối, đôn đốc các đơn vị có liên quan triển khai tốt Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT và các Chương trình, dự án phát triển công nghiệp CNTT; tiếp tục làm tốt vai trò tham mưu cho Lãnh đạo Bộ tham gia có hiệu quả tại Ủy ban quốc gia về Ứng dụng CNTT.