Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: HT |
Liên tục tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương năm 2016 và 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều yêu cầu lãnh đạo các địa phương không được lên Trung ương chúc Tết, biếu xén dịp cuối năm.
Ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề trên.
- Mỗi dịp Tết đến xuân về, người Việt Nam thường có thói quen thăm hỏi và tặng quà nhau. Việc Thủ tướng yêu cầu cán bộ địa phương không lên Trung ương chúc Tết được hiểu như thế nào, thưa ông?
- Năm hết Tết đến, bạn bè gặp nhau vui vẻ mời nhau chén rượu, con cái tặng quà bố mẹ, cháu chắt tặng quà ông bà, cô, chú, bác, người lớn mừng tuổi cho trẻ con, rồi trò đến thăm thầy. Đây là văn hóa tốt đẹp chứ không có gì xấu.
Tuy nhiên, trong thực tế thì việc tặng quà Tết không hoàn toàn diễn ra với ý nghĩa tốt đẹp như thế. Nhiều khi có chuyện lợi dụng quà Tết, tranh thủ nọ kia, đó là tiêu cực, là lợi dụng biếu xén để tranh thủ với động cơ không tốt chứ không phải văn hóa. Hơn nữa, cuối năm có nhiều công việc cần sự tập trung chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp, để tổng kết công tác năm qua, triển khai nhiệm vụ năm mới và chăm lo Tết cho người dân. Chính phủ tổ chức Hội nghị với các địa phương cũng là hội nghị trực tuyến, cán bộ họp tại chỗ không phải đi Hà Nội.
Vì lẽ đó, trong hai năm qua, Thủ tướng đã nghiêm cấm lãnh đạo địa phương lên Hà Nội chúc Tết; việc này cũng là thực hiện theo chỉ đạo của Ban bí thư nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng giao cho Văn phòng Chính phủ xây dựng văn bản cấm việc sử dụng xe công cho mục đích cá nhân, đi dự lễ hội xuân; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm đến gia đình có công, người nghèo, người già cả neo đơn, không để bất cứ người dân nào không có Tết.
"Cơ bản nhất là phải xây dựng một thể chế minh bạch"
- Ngày nay việc tặng quà Tết có thể biến tướng dưới nhiều dạng khác nhau, không nhất thiết là gặp gỡ dịp cuối năm. Ông nghĩ sao về điều này?
- Việc cấm tặng quà Tết như nêu trên bước đầu đã có tác động tốt và lan tỏa mạnh. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng mặc dù cấm như thế nhưng việc thực hiện chỗ này, chỗ khác chưa nghiêm.
Ở đây tôi cho rằng tặng quà trước hay sau Tết và dưới hình thức nào thì vẫn là quà Tết. Vậy nên, khi trả lời chất vấn trước Quốc hội tại kỳ họp hồi tháng 11/2017, Thủ tướng cũng nói doanh nghiệp không được đến hối lộ cán bộ trong chính quyền. Điều đó cho thấy đây là chủ trương nhất quán và việc này cần tác động từ hai phía, người nhận hối lộ và đưa hối lộ đều phải chấp hành nghiêm yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ.
Trong quá trình giải quyết công việc, nếu người cán bộ trong bộ máy chính quyền luôn luôn minh bạch, rõ ràng, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp thì họ sẽ không phải đến gặp để xin xỏ gì cả. Thủ tướng đã chỉ đạo Văn phòng Chính phủ là khi giải quyết hồ sơ không cần biết doanh nghiệp nào, chỉ cần biết rằng văn bản đến đây, qua xem xét thấy thẩm quyền giải quyết đúng thì phải xử lý ngay.
- Cơ bản nhất là chúng ta phải xây dựng một thể chế minh bạch, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; có chế tài nghiêm khắc xử lý các vi phạm, bất kể người đó là ai.
Cấp dưới hoặc doanh nghiệp khi mong muốn cái gì đó ngoài quy định pháp luật thì họ mới tìm đến, đưa quà cáp để tranh thủ, nếu họ thấy rằng không cần thiết nữa thì vấn đề được giải quyết từ phía đưa. Còn phía nhận, cùng với các quy định nghiêm cấm nhận quà tặng, quà biếu thì cũng cần điều chỉnh các bất cập về chính sách nhà ở, tiền lương để góp phần dưỡng liêm cho người cán bộ.
"Tôi tặng quà Tết bằng lời cảm ơn"
- Cá nhân ông ứng xử với quà Tết như thế nào?
- Mỗi năm Tết đến, tôi thường nói lời cảm ơn lãnh đạo cấp trên cũng như những người cộng sự cấp dưới của mình, cả những người lao công, bảo vệ, bạn bè, thầy cô, các nhà báo... Đây là những người đã giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho.
Lời cảm ơn cũng là món quà chứ không phải chỉ tiền bạc hay hiện vật mới là quà. Trong văn hóa của người Việt thì nhiều khi không gì bằng lời nói, "lời chào cao hơn mâm cỗ", tất nhiên phải là lời nói từ tấm lòng chân thành.
- Hai năm trước, khi mới nhậm chức Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông chia sẻ là chịu nhiều áp lực từ người tiền nhiệm. Vậy đến nay, khi bước sang năm 3 của nhiệm kỳ, ông muốn nói điều gì?
- Tháng 4/2016, tôi từ “ngòi ra biển” và chịu áp lực của những người tiền nhiệm đã làm rất tốt. Tôi nghĩ mình lên đây giúp việc cho Thủ tướng nên ngay từ đầu cố gắng nắm bắt công việc, tạo sự đoàn kết thống nhất của cơ quan, nhưng cũng phải đổi mới. Chuyện va chạm là bình thường, nhưng tôi đôn đốc cái này có phải mang về nhà tôi đâu, vẫn phải làm, không khác được.
Trong công việc của Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, có một mảng việc mà không hẳn ai cũng thích, vì phải thường xuyên tiếp xúc với báo chí, đó là vị trí Người phát ngôn Chính phủ. Nếu mình không nắm đầy đủ thông tin, không có tâm huyết, không chịu xem, chịu đọc, chịu nhớ thì không đủ thông tin cung cấp cho báo chí, không đủ thông tin đối thoại doanh nghiệp. Đây là sức ép rất lớn nhưng trách nhiệm của Văn phòng Chính phủ là phải như thế.
Thủ tướng quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo thì Văn phòng cũng phải hiện đại, chuyên nghiệp, không cần nhiều người, không đao to búa lớn nhưng công việc phải hiệu quả, làm sao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Tôi nghĩ, áp lực không chỉ riêng tôi mà ở tất cả các bộ ngành, địa phương vì một Chính phủ hành động thì cả hệ thống phải hành động. Tôi chỉ là hạt cát trong biển cát.