Đi cùng đoàn của các cơ quan chức năng Chính phủ còn có các doanh nghiệp lớn về phân phối như SaiGon Cop, Metro, BigC và các sở công thương trên địa bàn toàn quốc. Mục tiêu là để giúp người dân trong khu vực tiêu thụ các sản phẩm đã được cơ quan thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn
Kiểm tra các lô hàng còn lại tại các kho đông lạnh, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình không còn hải sản không an toàn.
Được biết, tỉnh Quảng Bình có 33 kho đông lạnh của các doanh nghiệp tạm trữ hơn 3000 tấn hải sản. Đến nay, tỉnh Quảng Bình đã kiểm định và tiêu hủy hết toàn bộ 600 tấn hải sản không đảm bảo chất lượng. 2.400 tấn hải sản còn lại đang tạm trữ đều được kiểm định và là hải sản an toàn. Hầu hết, số hải sản đều được bảo quản tốt tại kho đủ quy chuẩn âm 20 độ C, hàng hóa còn tươi ngon, đảm bảo chất lượng.
Hiện tại, 2 tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh đang từng bước giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp thu mua hải sản, góp phần khôi phục đánh bắt hải sản.
Chính phủ đã yêu cầu đến hết năm nay phải triển khai bồi thường xong, nhưng hiện tại mới chỉ một nửa dân số miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển nhận được tiền.
Cụ thể, kho bạc Nhà nước vừa cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, các phòng tài chính kế hoạch huyện rút tiền từ Kho bạc Nhà nước để thực hiện chi trả người dân miền Trung chịu thiệt hại từ sự cố môi trường 1.379,6 tỷ đồng, đạt 50,57% kinh phí (2.728,2 tỷ đồng). Số tiền chi trả dựa trên danh sách các hộ, gia đình bị thiệt hại do địa phương gửi lên. Kho bạc Nhà nước cho biết, đã chuyển đủ số tiền đền bù tới các địa phương.
Về việc mới thực hiện chi trả được hơn 50% kinh phí, Kho bạc Nhà nước giải thích do một phần các tỉnh miền Trung liên tiếp bị thiên tai, lũ lụt, nhiều hộ gia đình không tới được để nhận tiền. Chính vì thế, một số địa phương tuy đã rút tiền để chi trả nhưng chưa thực hiện được nên phải gửi tại hệ thống Kho bạc Nhà nước.