Nhấn mạnh vào đặc điểm khó khăn khi xây dựng dự án Luật an ninh mạng, thượng tướng Tô Lâm nói, “đây là vấn đề an ninh phi truyền thống, đang là sự quan tâm chung của quốc tế, là vấn đề không một quốc gia đơn lẻ nào có giải quyết, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất của các quốc gia".
Theo Bộ trưởng, an ninh mạng có phạm vi rộng hơn nhiều so với bí mật nhà nước. Do vậy, Bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu đặt ra khi triển khai dự án Luật An ninh là phải đảm bảo bí mật đời tư, an toàn của từng cá nhân khi tham gia vào không gian mạng, chứ không phải chỉ là vấn đề an ninh chung của quốc gia.
Bộ trưởng khẳng định, “không thể ngăn chặn, cản trở sự phát triển của thông tin mạng vì bất kể lý do gì”. Ông nhấn mạnh nếu đảm bảo an ninh mạng bằng cách cản trở việc sử dụng, ứng dụng tiến bộ mạng thì là rất lạc hậu. Đồng thời không thể hội nhập với thế giới.
“Nhu cầu ứng dụng tiến bộ của công nghệ là một xu thế không thể cưỡng lại" – Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.
Tiếp tục phát biểu, Bộ trưởng nhận xét, nếu không được làm chủ, thông tin mạng cũng bộc lộ nhiều nguy cơ về mất an ninh, do vậy cả xã hội phải đóng góp vào việc bảo đảm an ninh mạng. Và đó chính là mục đích phải có Luật An ninh mạng. "Luật này ra đời để mọi người hiểu được thế nào là an ninh mạng, các nguy cơ và trách nhiệm của mình trong đảm bảo an ninh mạng" – ông nói.
Bộ trưởng ví dòng chảy của thông tin mạng như là hệ tuần hoàn của cơ thể con người, càng lưu thông tốt thì cơ thể càng khỏe mạnh. “Không thể ngăn được dòng tuần hoàn đó, vấn đề an ninh, an toàn là làm sao để hệ thống đó không bị nghẽn mạch, dòng máu đó phải nhiều oxy, nhiều chất dinh dưỡng” - Bộ trưởng khẳng định.
Về dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết khi bắt tay thực hiện, cơ quan soạn thảo đã quán triệt yêu cầu “cân bằng giữa nhiệm vụ bảo đảm bí mật nhà nước và quyền lợi của người dân, chứ không phải tối đa hóa những thứ gọi là bí mật".
Ông cảnh báo nguy cơ “đưa tất cả vào bí mật nhà nước thì không có tác dụng gì trong minh bạch thông tin và huy động sức dân, sự đóng góp của người dân đối với quản lý xã hội”. Và đặt yêu cầu đối với dự án luật này là "những gì liên quan đến lợi ích quốc gia mà chưa được công bố công khai, thì phải được bảo vệ đến cùng. Nhưng cũng phải hài hòa với quyền tiếp cận thông tin của người dân, huy động sức dân giám sát các hoạt động của Nhà nước".
Từ đây, ông khẳng định: "Trong xây dựng dự án luật, cơ quan soạn thảo đã quán triệt việc cân bằng giữa nhiệm vụ bảo đảm bí mật nhà nước và quyền lợi của người dân, chứ không phải tối đa hóa những thứ gọi là bí mật".
Ông cũng mong muốn các đại biểu Quốc hội khi đóng góp ý kiến cho dự thảo dự án luật này xử lý vấn đề điều chỉnh khái niệm về thông tin của Nhà nước để đảm bảo sự tham gia quản lý, giám sát của nhân dân trong mọi hoạt động của cơ quan nhà nước.
"Chúng tôi rất lắng nghe góp ý của các đại biểu Quốc hội, cũng tiếp tục tham khảo kinh nghiệm thế giới. Tất nhiên, mỗi chế độ, mỗi nhà nước quan niệm lợi ích quốc gia khác nhau thì khái niệm bí mật nhà nước khác nhau, nên chúng tôi chọn lọc những gì phù hợp với chúng ta" – Bộ trưởng Tô Lâm nói.