Theo Ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT, nhằm thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ban hành Kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Trong đó, Bộ nêu rõ mục tiêu, yêu cầu và phân công trách nhiệm triển khai thực hiện của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ. Theo đó, từ năm 2020 đến năm 2025, Bộ TN&MT sẽ cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đang có hiệu lực thi hành.
Theo đó, Bộ TN&MT đã rà soát, đánh giá kỹ lưỡng tất cả 178 TTHC hiện nay và đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 153/178 TTHC (chiếm 85% số lượng TTHC của lĩnh vực TN&MT). Cụ thể, lĩnh vực đất đai 12/17 TTHC (chiếm 70,5%); lĩnh vực địa chất và khoáng sản 28/32 TTHC (chiếm 87,5%); lĩnh vực tài nguyên nước 27/32 TTHC (chiếm 84,3%); lĩnh vực khí tượng thủy văn 8/8 TTHC (chiếm 100%); lĩnh vực biển và hải đảo 25/25 TTHC (chiếm 100%); lĩnh vực đo đạc, bản đồ 1/3 TTHC (chiếm 33%); lĩnh vực môi trường 52/62 TTHC (chiếm 83,87%).
Theo tính toán của Vụ Pháp chế, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC của Bộ TN&MT đã giúp tiết kiệm được 131.622.701.000 đồng – tương đương 21,9% tổng chi phí tuân thủ TTHC trong lĩnh vực TN&MT.
Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT. Ảnh: Bộ TN&MT. |
Bộ TN&MT tập trung tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4
Theo kế hoạch trong những tháng cuối năm 2021, Bộ TN&MT tập trung tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến cung cấp ở mức độ 4. Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục tích hợp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với Cổng Dịch vụ công quốc gia, tăng các dịch vụ hành chính công phát sinh hồ sơ trực tuyến. Các hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng, tăng tỷ lệ người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành của Bộ.
Ngoài ra, Bộ TN&MT đã thực hiện việc thống kê, cập nhật đầy đủ và công khai dữ liệu các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý, kèm theo tính toán chi tiết chi phí tuân thủ các quy định này trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Đồng thời, Bộ đang tích cực rà soát, xây dựng kế hoạch giảm tối đa số lượng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực TN&MT, phục vụ tra cứu thông tin, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí.
Bộ TN&MT đã gấp rút triển khai kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật cần ban hành, tạo hành lang pháp lý, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành. Bộ TN&MT đang tích cực chuẩn bị 3 dự án luật lớn, quan trọng để trình Chính phủ, Quốc hội trong nhiệm kỳ này, gồm dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Khoáng sản (sửa đổi).
Hiện nay, phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC giai đoạn 2021-2025 lĩnh vực TN&MT chưa đề xuất sửa đổi, bổ sung các VBQPPL này. Ông Phan Tuấn Hùng kỳ vọng, với quan điểm cải cách mạnh mẽ, số lượng, chi phí tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực TN&MT sẽ được cắt giảm, đơn giản hóa hơn nữa khi các đạo luật nêu trên được sửa đổi.
“Nghị quyết số 68/NQ-CP lần này được xem là làn sóng cải cách lớn nhất từ trước đến nay. Đợt cải cách lần này có tính hệ thống, phạm vi rộng và toàn diện hơn; không chỉ cải cách từ thể chế chính sách mà còn chú trọng cải cách khâu tổ chức thực hiện” - ông Hùng đánh giá. Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT nhấn mạnh, những cải cách này sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh rõ ràng, minh bạch, chi phí tuân thủ thấp, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, tạo đà tăng trưởng kinh tế Việt Nam sau đại dịch COVID-19.