Ngày 7/5, Cục Quản lý giá đã có công văn gửi Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá trên địa bàn.
Theo cơ quan quản lý giá, giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng 7,5% (từ ngày 16/3/2015); giá xăng đã tăng khoảng 7,6% (sau hai đợt điều chỉnh tăng, hai đợt điều chỉnh giảm). Việc tăng giá trên có thể gây tác động nhất định đến chi phí sản xuất, giá thành và giá bán một số hàng hóa, dịch vụ.
Vì thế, để tránh hiện tượng lợi dụng tăng giá điện, xăng để tăng giá dây chuyền, Cục Quản lý giá đề nghị Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tiếp tục tham mưu theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường trong nước và quốc tế; kịp thời tham mưu đề xuất cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện các giải pháp bình ổn giá, kiểm soát lạm phát theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí đối với những hàng hóa và dịch vụ thiết yếu. Trước hết là đối với các mặt hàng như giá cước vận tải, giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, giá thuốc phòng và chữa bệnh cho người, xi măng, thép xây dựng, thức ăn chăn nuôi, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG),... Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ngoài ra, giám sát, rà soát chặt chẽ kê khai giá của doanh nghiệp đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá. Kiên quyết dừng các trường hợp kê khai tăng giá không phù hợp với tác động của yếu tố đầu vào và mặt bằng giá cả thị trường.
Nhiều vấn đề được cử tri quận Hoàn Kiếm nêu với Tổng bí thư trong cuộc tiếp xúc trước kỳ họp QH chiều 8/5.
Cử tri Phạm Văn Tứ, phường Hàng Mã nêu thực tế điều hành giá xăng dầu mỗi lần giảm chỉ vài trăm đồng còn tăng giá thì cứ hàng nghìn như đợt gần đây nhất tăng gần 2.000 đồng.
"Bà bán rau muống cho tôi biết giá hôm nay tăng hơn mấy hôm trước vì giá xăng tăng. Quốc hội phải giám sát cụ thể và có định hướngnhư thế nào trong việc điều hành giá cả", ông đề nghị.
Cũng là chuyện tiền, cử tri Nguyễn Văn Vượng, phường Tràng Tiền hỏi: "Tại sao chi phí đầu tư 1km đường cao tốc Việt Nam lại đắt như vậy? Việc đầu tư đường cao tốc có đúng quy trình không? Công tác kiểm định, kiểm toán như thế nào?".
Ông Vượng dẫn con số cụ thể: 1km đường cao tốc của Việt Nam có giá 25,8 triệu USD, tương đương hơn 500 tỷ đồng, cao hơn nhiều nước 1,5 đến 2 lần. Đường xây đắt, rồi thêm thực tế người bị tai nạn giao thông nhiều.
"Được nghỉ lễ, nhân dân và cán bộ rất phấn khởi nhưng nhiều vụ tai nạn gây thương vong rất đau lòng. Vậy Nhà nước và cơ quan chức năng phải làm gì để cải thiện tình trạng ngày lễ tết số người chết vì tai nạn giao thông ngày càng tăng cao như vậy?", ông Vượng tâm tư.
Thay mặt đoàn ĐBQH, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng, những góp ý này rất xác đáng.
Từ chuyện giá cả tăng theo giá xăng đến việc càng nghỉ nhiều càng tai nạn nhiều, làm cao tốc tốn nhiều tiền, Tổng bí thư cho biết đại biểu sẽ phản ánh ý kiến của cử tri để Quốc hội xây dựng luật, chính sách sát với thực tiễn, chứ không phải "ngồi trên trời để làm luật".
Theo VNN
Theo Infonet