Bộ NNPTNT từ chối "theo ý” Bí thư Thăng vụ cá kiểng xuất khẩu

VietTimes -- Ngày 24.5.2016, Bộ trưởng Bộ NNPTNT có công văn số 4209/BNN-TY gửi Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng trả lời về vấn đề giấy phép xuất khẩu cá kiểng. Theo đó, Bộ NNPTNT từ chối đề nghị của Bí thư Thăng đẩy nhanh việc cấp phép xuất khẩu cá cảnh, doanh nghiệp phải đủ thủ tục mới được cấp phép
Bộ NNPTNT từ chối "theo ý” Bí thư Thăng vụ cá kiểng xuất khẩu

Theo công văn của Bộ NNPTNT, thì nghề nuôi và kinh doanh cá cảnh đã được hình thành và phát triển tại TPHCM từ trước những năm 1975, trong những năm gần đây có xu hướng phát triển mạnh và khẳng định được vị trí trong ngành thủy sản của thành phố, tạo việc làm cho một bộ phận cư dân, nông dân ngoại thành và vùng ven đô trong xu hướng đô thị hóa, cho phép sử dụng hiệu quả đất đai, thu hút nguồn vốn trong nhân dân.

Với điều kiện tự nhiên phù hợp phát triển các đối tượng cá cảnh nước ngọt nhiệt đới, có đội ngũ các nghệ nhân nhiều kinh nghiệm, cùng với các chính sách phát triển nông nghiệp đô thị của thành phố, gần mười năm qua, đã hình thành khoảng 300 cơ sở sản xuất cá cảnh có quy mô khác nhau tập trung ở các quận, huyện: Quận 9, 12, huyện Bình Chánh và huyện Củ Chi. Các cơ sở đã tạo ra nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng về chủng loại (với hơn 60 loài cá cảnh được sản xuất, trữ dưỡng), tạo lượng hàng hóa lớn cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Thị trường xuất khẩu cá cảnh của Việt Nam là các quốc gia châu Âu, Châu Mỹ, Châu Phi và một số nước châu Á. Kim ngạch xuất khẩu cá cảnh tăng lên qua các năm (ví dụ: Năm 2013 xuất khẩu đạt hơn 8 triệu USD; năm 2014, đạt hơn 10 triệu USD, tăng 3% so với năm 2013; năm 2015 đạt hơn 12 triệu USD, tăng lần lượt 9,9% về số lượng và 12% về kim ngạch so với năm 2014).

Tuy nhiên, việc xuất khẩu cá cảnh của Việt Nam nói riêng và thủy sản nói chung hiện nay đang gặp phải một số khó khăn như các nước nhập khẩu yêu cầu thủy sản sống (bao gồm cả cá cảnh) phải xuất phát từ cơ sở, vùng hoặc quốc gia an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE). Cụ thể, đối với các loài cá cảnh thuộc họ cá chép: Không có mầm bệnh là virus gây bệnh xuất huyết mùa xuân (Spring viraemia of carp virus - SVC) và mầm bệnh là virus Koi Herpes (KHV).

Về việc chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh và kiểm dịch xuất khẩu cá cảnh sang các nước, Pháp lệnh Thú y năm 2004 và Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15.3.2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y đã quy định việc xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật trên cạn và thủy sản được thực hiện theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Luật của OIE quy định, các loài cá phải không có mầm bệnh SVC và KHV. Việt Nam là thành viên của OIE, có nghĩa vụ phải thực hiện luật của OIE. Các nước nhập khẩu như châu Âu, Mỹ và nhiều nước khác đều yêu cầu cá cảnh của Việt Nam phải được xuất phát từ cơ sở an toàn dịch bệnh; bao gồm cả việc triển khai giám sát chủ động trong vòng ít nhất 2 năm và bảo đảm rằng không có các loại mầm bệnh SVC và KHV lưu hành tại cơ sở.

Đối với Cty CP Sài Gòn Cá kiểng (tại huyện Củ Chi), các cơ quan chuyên môn thú y đã cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh cho các cơ sở sản xuất cá cảnh của công ty này 4 lần. Tuy nhiên, Cty này vẫn đang trong giai đoạn thực hiện chương trình giám sát dịch bệnh nên chưa thể hoàn thiện hồ sơ gửi Cục Thú y thẩm định và cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh KHV.

Từ đây, Bộ NNPTNT đề nghị Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng "chỉ đạo các cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh tiếp tục duy trì điều kiện và thực hiện giám sát để bảo đảm không có dịch bệnh theo quy định của OIE đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Đối với các cơ sở chưa được cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh mà có nhu cầu xuất khẩu cá cảnh, cần khẩn trương xây dựng kế hoạch giám sát dịch bệnh chủ động để bảo đảm đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu cá cảnh từ Việt Nam."

Nói cách khác, thông điệp của Bộ NNPTNT trả lời là Bí thư Thăng, là chưa đủ cơ sở cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh cho các doanh nghiệp chưa đủ điều kiện