Nhiều trạm thu phí do lịch sử để lại
Bộ GTVT vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai các trạm thu phí BOT đường bộ trong phạm vi cả nước. Báo cáo do Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường ký nêu rõ, trên các tuyến quốc lộ hiện có 86 trạm đang và sẽ thu phí khi các dự án hoàn thành đưa vào khai thác (dự án đã ký hợp đồng BOT). Trong đó, 72 trạm do Bộ GTVT là cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền, còn lại 14 trạm do UBND các tỉnh ký hợp đồng với nhà đầu tư.
Bốn trạm được đề nghị dịch chuyển bao gồm: Trạm thu phí Đức Phổ tại Km1108+200 QL1 (cách trạm thu phí Km1148+300 là 30km) dự kiến chuyển về Km1064+200 (QL1) để thu phí dự án BOT QL1 đoạn Km1063+887 - Km1092+577 (Quảng Ngãi), sau khi dịch chuyển khoảng cách giữa hai trạm thu phí là 84 km;
Trạm Bàn Thạch tại Km1350+200 QL1 thu phí hầm Đèo Cả, Bộ GTVT đã thoả thuận với địa phương và Bộ Tài chính thống nhất chuyển về vị trí tại Km1297 (QL1); Trạm Ninh Anh tại Km1408+200 QL1 (cách trạm cửa hầm Đèo Cả tại Km1357 là 51 km) thu phí dự án BOT mở rộng QL1 đoạn Km1374 - Km1392 và Km1405 - Km1425+050 sẽ được chuyển về Km1425+050, khi đó hai trạm sẽ cách nhau 68 km;
Trạm Bảo Lộc tại Km108+557 QL20 cách trạm Tân Phú tại Km74+760 là 35 km, Bộ GTVT đã thỏa thuận với nhà đầu tư sẽ mua lại trạm thu phí này để dịch chuyển về Km145+500, khi đó khoảng cách giữa hai trạm là 71 km, kinh phí mua lại Trạm Bảo Lộc được tính trong phương án tài chính hoàn vốn của dự án BOT kết hợp BT trên QL20.
Lý giải về các trạm thu phí này, Bộ GTVT cho biết, việc hình thành các trạm thu phí BOT trải qua hai giai đoạn, trước và sau khi Nghị định 18/2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ có hiệu lực thi hành (1/1/2013). Cụ thể, giai đoạn trước 1/1/2013, Bộ GTVT tổ chức hai hệ thống trạm thu phí sử dụng đường bộ là trạm thu nộp ngân sách Nhà nước và trạm thu phí các dự án BOT. Giai đoạn này, do yêu cầu bức thiết giải quyết ùn tắc giao thông tại các thị xã, thành phố, điểm đen về TNGT theo đề nghị của địa phương, phù hợp với quy hoạch, Bộ GTVT đã chấp thuận đầu tư xây dựng một số tuyến đường tránh thị xã, thành phố, cải tạo, nâng cấp đường bộ để xử lý điểm đen về ùn tắc và TNGT theo hình thức BOT.
Tuy nhiên, do lưu lượng xe ít, tính hấp dẫn của dự án BOT không cao nên Nhà nước đồng ý sử dụng một số trạm thu phí nộp ngân sách Nhà nước hiện có (nằm ngoài phạm vi dự án BOT) để hoàn vốn cho các dự án BOT này. “Việc sử dụng các trạm thu phí ngân sách để hoàn vốn cho các dự án BOT và Bộ Tài chính ban hành các Thông tư thu phí riêng cho từng trạm thu phí để hoàn vốn dự án BOT là hoàn toàn phù hợp với quy định hiện hành, người dân không phải nộp thêm phí do không lập thêm trạm thu phí mới cho dự án BOT”, Bộ GTVT nêu rõ.
Giai đoạn từ khi Nghị định 18/2012 của Chính phủ có hiệu lực đến nay, Bộ GTVT đã cho xoá bỏ các trạm thu phí nộp ngân sách Nhà nước để chuyển sang thu theo đầu phương tiện, còn các trạm thu phí BOT vẫn giữ nguyên như cũ. Tuy nhiên, các trạm thu phí BOT được chuyển đổi từ trạm thu phí nộp ngân sách trước đây không thể xóa bỏ được vì nhà đầu tư đã thế chấp quyền thu phí tại ngân hàng để vay vốn tín dụng dự án và Nhà nước cũng không thể cân đối được nguồn tiền để đền bù, mua lại quyền thu phí cũng như tiếp tục thực hiện các dự án BOT đang dang dở.
“Đây là vấn đề lịch sử để lại do thay đổi cơ chế, chính sách của Nhà nước. Sau khi có ý kiến tham gia của các bộ, ngành liên quan, ngày 28/12/2012 tại Văn bản số 2250, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo giữ nguyên các trạm thu phí BOT này”, Bộ GTVT thông tin.
Phần lớn trạm đặt đúng cự ly quy định
Về khoảng cách các trạm thu phí, tại buổi làm việc của Ban cán sự Đảng Bộ GTVT mới đây, Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ GTVT) Đỗ Văn Quốc cho biết, trong tổng số 86 trạm thu phí BOT trên hệ thống quốc lộ, có 53 trạm có khoảng cách đến trạm liền kề trên 70 km, 9 trạm có khoảng cách 60-70 km và 24 trạm có khoảng cách dưới 60 km.
Cũng liên quan đến khoảng cách giữa các trạm thu phí, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, có những trạm thu phí mà khoảng cách có thể thấp hơn quy định 70 km là do vị trí đặt trạm trùng lắp với khu đô thị, theo thoả thuận của địa phương phải xê dịch lên phía trước. Hay như trên cao tốc, trạm thu phí có thể rất gần nhau nhưng không phải cứ qua trạm thu phí là mất tiền. “Đối với cao tốc, thu theo cây số. Đi bao nhiêu thu bấy nhiêu, nhưng nhiều người dân lại không hiểu điều này nên vẫn thắc mắc”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nói.
Thực tế, đối với trường hợp trạm thu phí không thuộc quy hoạch hoặc khoảng cách giữa các trạm thu phí không đảm bảo tối thiểu 70 km trên cùng tuyến đường, trước khi xây dựng trạm thu phí, Bộ GTVT đã thống nhất ý kiến với UBND cấp tỉnh và Bộ Tài chính quyết định đối với quốc lộ, UBND cấp tỉnh báo cáo HĐND cùng cấp quyết định đối với đường địa phương.
Khẳng định việc rà soát lại toàn bộ các trạm thu phí là cần thiết, chỉ đạo tại cuộc họp của Ban cán sự Đảng Bộ GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh, phần lớn trạm thu phí có cự ly đúng quy định. Vấn đề quan trọng là phải công khai, minh bạch để người dân hiểu rõ trạm thu phí đặt trên quốc lộ và tỉnh lộ là hoàn toàn riêng biệt. Có những trạm thu phí trước đây là đúng nhưng bây giờ chưa phù hợp. Bộ GTVT cần có thời gian đàm phán với nhà đầu tư để điều chỉnh lại cho phù hợp. Ngoài ra, có những trạm tính đúng cự ly sẽ phải đặt vào giữa thành phố, tỉnh đề nghị do đó phải lùi lại…
Đề xuất xoá bỏ hai trạm và dịch chuyển bốn trạm thu phí
Được biết, trên cơ sở thực trạng của từng trạm thu phí và từng dự án, sau khi tiến hành rà soát, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phương án sắp xếp, dịch chuyển các trạm thu phí BOT đường bộ trên hệ thống quốc lộ trong cả nước. Theo đó, Bộ GTVT đề xuất giữ nguyên trạng 53 trạm thu phí có khoảng cách đến trạm liền kề trên 70 km và 9 trạm có khoảng cách giữa các trạm từ 60 -70 km.
Đối với 18 trạm thu phí có khoảng cách giữa các trạm dưới 60 km đã được rà soát cụ thể, Bộ GTVT cũng kiến nghị tiếp tục giữ nguyên trạng nhằm tránh các khu đông dân cư, khu đô thị,… do trạm đã nằm trong phạm vi dự án, khi quyết định vị trí trạm thu phí đã lựa chọn cân nhắc điều kiện cụ thể và đã được UBND các tỉnh, Bộ GTVT và Bộ Tài chính thống nhất.
Cụ thể, trong số này có bốn trạm thu phí hoàn vốn cho công trình đặc thù cầu lớn, hầm đường bộ không thể di chuyển gồm: Trạm Bắc Hải Vân (thu phí hầm Phước Tượng), Trạm thu phí cầu Đồng Nai, Trạm cầu Cổ Chiên và Trạm cầu Việt Trì mới; Ba trạm do ảnh hưởng bởi phạm vi khu đô thị, gồm: Trạm Tiên Cựu của dự án QL10 Quán Toan - Cầu Nghìn, Trạm thu phí Km150+200 hoàn vốn cho dự án QL18 đoạn Hạ Long - Mông Dương, Trạm Km56+450 trên QL51,…
Đặc biệt, Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng Chính phủ xóa bỏ hai trạm thu phí là Trạm Đèo Ngang tại Km590 QL1 (Hà Tĩnh) và Trạm thu phí Nam Hải Vân. “Do hai dự án BOT hầm Đèo Ngang và tuyến tránh Hà Tĩnh cùng một nhà đầu tư và thời gian thu phí tại Trạm Đèo Ngang không còn dài nên Bộ GTVT đang đàm phán với nhà đầu tư xoá bỏ trạm này theo phương án kéo dài thời gian thu phí tại Trạm Cầu Rác để hoàn vốn phần còn lại cho dự án BOT hầm Đèo Ngang”, Bộ GTVT cho biết.
Tương tự, Trạm thu phí Nam Hải Vân được quyết định đầu tư năm 2007 sẽ được xoá bỏ đầu năm 2016, dùng Trạm thu phí Hoà Phước để hoàn vốn cho cả hai dự án BOT Hoà Cầm - Vĩnh Điện và dự án BOT đoạn Km947 - Km987 (QL1) do cùng một nhà đầu tư. Cùng với đó, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ dịch chuyển bốn trạm thu phí, trong đó ba trạm nằm trên tuyến QL1 và một trạm tại QL20.
Theo GTVT