Theo Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa, quốc lộ 22B là đường độc đạo, phương án nâng cấp lại dựa trên nền đường cũ. Do đó người dân bắt buộc phải sử dụng mà không còn lựa chọn khác, và vì thế Bộ GTVT cho rằng quốc lộ 22B không nên đầu tư theo hình thức BOT.
Bộ GTVT chỉ đồng ý cho đầu tư theo hình thức BOT đối với những tuyến đường làm mới, có tính cấp bách, cần thiết, đem lại hiệu quả kinh tế xã hội ngay, không ảnh hưởng đến sự lựa chọn của người dân nhưng nhà nước thiếu hụt nguồn vốn đầu tư.
Gỡ khó cho Tây Ninh trong vấn đề cải tạo quốc lộ 22B, Bộ trưởng GTVT cho biết sẽ cùng tỉnh đầu tư, nâng cấp bằng vốn ngân sách nhà nước để giảm nhẹ gánh nặng cho doanh nghiệp và người dân khi tham gia giao thông trên tuyến đường này.
Theo đó, Tổng Cục đường bộ cần khảo sát phương án thi công, bảo đảm nguồn kinh phí đầu tư tiết kiệm nhất, mang lại hiệu quả nhất, thời gian thực hiện nhanh nhất để dự án nâng cấp QL 22B sớm được triển khai, hoàn thành trong năm 2017-2018
Ngoài ra, liên quan tới dự án xây dựng tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Bộ GTVT cũng sẽ trình Chính phủ bổ sung dự án kết nối đường cao tốc Gò Dầu - Xa Mát theo đề nghị của tỉnh Tây Ninh.
Quốc lộ 22B dài gần 84 km, bắt đầu từ nút giao với quốc lộ 22 (thị trấn Gò Dầu) kéo dài tới cửa khẩu Xa Mát (thuộc xã Tân Lập, huyện Tân Biên). Quốc lộ được Bộ GTVT đầu tư đưa vào sử dụng từ năm 2004, hiện đã xuống cấp ở mức độ trầm trọng – theo đánh giá của Sở GTVT tỉnh.
Theo Sở GTVT Tây Ninh, tỉnh dự kiến việc nâng cấp quốc lộ 22B theo phương án mở rộng mặt đường từ 7m lên thành 11m, đạt tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, kèm theo là vỉa hè cùng các công trình phụ trợ, với tổng mức đầu tư 1.124 tỉ đồng.
Tỉnh Tây ninh đề nghị đầu tư nâng cấp quốc lộ này bằng vốn BOT, với việc xây dựng xây dựng 2 trạm thu phí tại Km24+330 và Km65+170, thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 18 năm 8 tháng.