Dự án nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn Hà Nội - Bắc Giang theo hình thức hợp đồng BOT, có chiều dài gần 46 km. Dự án do liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương, Tổng Công ty xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại 319 làm chủ đầu tư. Cuối tháng 5 vừa qua, dự án chính thức thu phí nhưng đã cho thấy nhiều bất hợp lý.
Theo quy định, đường cao tốc chỉ dành cho ô tô còn xe máy và xe thô sơ phải đi vào đường gom hay đi vòng đường khác. Thế nhưng đoạn từ Hà Nội đến Bắc Ninh có chiều dài hơn 20km lại không có đường gom nên người đi xe máy sẽ phải đi đường khác.
Để thực hiện khai thác tuyến đường này, nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư BOT Hà Nội- Bắc Giang đã đưa ra phương án phân luồng cho các phương tiện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Tuy nhiên, phương án này không được sự đồng thuận của người dân và UBND tỉnh Bắc Ninh.
Lý do là tỉnh Bắc Ninh đã quy hoạch các khu công nghiệp như Từ Sơn, Tiên Du dọc theo tuyến đường này. Nếu lệnh cấm của Công ty Cổ phần đầu tư BOT Hà Nội Bắc Giang có hiệu lực thì các khu công nghiệp này sẽ gặp khó khăn vì công nhân không biết đi bằng phương tiện gì đến nơi làm việc.
Anh Lê Văn Hoàng, nhà ở Bắc Ninh hàng ngày vẫn đi xe máy xuống Từ Sơn làm việc, băn khoăn: “Đường cao tốc Bắc Giang - Hà Nội hoàn thành nhưng lại cấm xe máy. Rất nhiều công nhân ở các khu công nghiệp Bắc Ninh không biết phải đi lại như thế nào, đáng lý ra khi làm đường cao tốc nhà nước phải tính đến chuyện làm đường gom”.
Theo Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Bắc Ninh, trong tháng 6 vừa qua, số vụ tai nạn giao thông trên cao tốc BOT Hà Nội - Bắc Giang, đoạn qua tỉnh Bắc Ninh đã tăng 133,3%. Đây là hệ quả khi ô tô lưu thông với vận tốc 100km/h cùng xe máy trên tuyến đường này.
Việc khai thác sử dụng Quốc lộ 1 Hà Nội – Bắc Giang theo tiêu chuẩn đường cao tốc là không hợp lý, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông. Nếu không làm đường gom mà để xe máy tiếp tục lưu thông cùng ô tô trên tuyến đường này thì tai nạn giao thông sẽ tiếp tục tăng.
Cao tốc BOT Hà Nội - Bắc Giang vốn được nâng cấp từ nền đường cũ của Quốc lộ 1A, không mở rộng thêm. Chủ đầu tư chỉ thảm lại mặt đường, bổ sung thêm đèn chiếu sáng, rào hộ lan, sơn kẻ vạch và thu phí bất chấp việc thiếu đường gom, tổ chức giao thông không hợp lý.
Ông Lê Quang Thảo, Trưởng Phòng dự án 1, Ban quản lý dự án giao thông 2, Bộ GTVT cho biết, trong phương án ban đầu, chủ đầu tư cũng tính đến việc đưa xe máy đi vào Quốc lộ 1A cũ. Hiện nay, có nhiều khu công nghiệp việc kết nối gặp khó khăn, nếu chuyển xe máy vào đường đó là bất cập. Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu chủ đầu tư tính toán làm đường gom và khảo sát các khu công nghiệp trên tuyến để có phương án cụ thể.
“Ban PMU 2 đề xuất nếu đủ kinh phí sẽ sử dụng vốn dư, còn nếu không đủ sẽ đề xuất bổ sung vốn vào tổng mức đầu tư dự án. Trong trường hợp tăng vốn lên thì phương án thu phí sẽ thay đổi chủ yếu là về kéo dài thời gian thu phí”, ông Thảo cho biết.
Được biết, trong giai đoạn 1 của dự án, chủ đầu tư vẫn còn “nợ” rất nhiều hạng mục chưa hoàn thành. Theo tính toán sơ bộ, việc làm đường gom sẽ phải tiêu tốn thêm cho dự án BOT này hàng nghìn tỷ đồng và chưa biết số tiền này sẽ lấy ở đâu ra. Ngay như việc mở rộng cầu Xương Giang và cầu Như Nguyệt cũng chưa biết lấy nguồn vốn từ đâu.
Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, Bộ đang trình Chính phủ dùng vốn dự phòng để mở rộng hai cầu Xương Giang và Như Nguyệt. Trong trường hợp không đủ sẽ đề ra hai giải pháp: Nếu trong quá trình thu phí dự án hiệu quả sẽ kéo dài thời gian thu phí, còn nếu không hiệu quả sẽ kiến nghị Chính phủ thông qua phát hành trái phiếu hàng năm để đầu tư dự án này.
Nhiều dự án BOT về giao thông ở nước ta lâu nay được thẩm định một cách qua loa, nhưng vẫn chưa có ai chịu trách nhiệm về bất cập của những dự án BOT không phát huy hiệu quả.
Theo VOV