Thủ tướng Chính phủ đã quyết định bỏ giới hạn vốn nhà nước trong dự án PPP. Quy định này được thực hiện đồng thời với yêu cầu rõ ràng hơn về mục tiêu và hình thức sử dụng vốn đầu tư công.
Theo đó, vốn đầu tư của nhà nước tham gia thực hiện dự án được sử dụng với mục tiêu hỗ trợ như xây dựng công trình đối với dự án có hoạt động kinh doanh, thu phí từ người sử dụng, nhưng khoản thu không đủ để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận; thanh toán cho nhà đầu tư cung cấp dịch vụ theo hợp đồng BTL (Xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ), hợp đồng BLT và các hợp đồng tương tự khác; xây dựng công trình phụ trợ, tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Đây là một trong những điểm mới của Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP (sẽ có hiệu lực vào ngày 10/4 tới) so với các quy định hiện hành (Nghị định số 108/2009/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh (BTO) và Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) và Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức PPP).
Theo các văn bản này, phần vốn nhà nước được quy định là không được vượt quá 49% tổng vốn đầu tư của Dự án BOT, BTO và BT và không vượt quá 30% tổng mức đầu tư của Dự án PPP, trừ trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, điểm mới này sẽ góp phần đáng kể không chỉ trong việc gia tăng tính khả thi cho các dự án PPP mà còn có ý nghĩa lớn trong việc nâng cao tính hấp dẫn của dự án đối với các nhà đầu tư.
“Thực tế cho thấy, các dự án khác nhau sẽ cần mức độ hỗ trợ khác nhau. Mức hỗ trợ của nhà nước có thể được xem xét trên từng dự án cụ thể để đạt được mục tiêu vừa xây dựng được cơ sở hạ tầng với chất lượng và hiệu quả đầu tư cao hơn so với mô hình đầu tư truyền thống, vừa giảm được gánh nặng cho ngân sách nhà nước nếu phải đầu tư hoàn toàn bằng nguồn vốn đầu tư công”, ông Tăng phân tích.
Tuy nhiên, một số ý kiến băn khoăn khi thực hiện quy định mới này, nhất là với một số trường hợp, ngân sách nhà nước có thể sẽ phải hỗ trợ cao hơn mức 49% so với quy định của các văn bản hiện hành. Đương nhiên, điều này có thể sẽ gây ra tâm lý lo ngại cho các cơ quan liên quan của địa phương.
“Để giải quyết vấn đề này, Nghị định 15/2015/NĐ-CP đã quy định về mục tiêu và hình thức sử dụng, lập kế hoạch sử dụng, quyết định sử dụng và và giải ngân vốn đầu tư công. Mục tiêu là không chỉ nhằm đảm bảo trách nhiệm của nhà nước trong thực hiện cam kết của mình, bên cạnh trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc góp vốn, huy động vốn để thực hiện dự án, mà còn tạo cơ chế để đảm bảo quản lý chặt chẽ, hiệu quả nguồn vốn đầu tư công. Đặc biệt, phải làm rõ mục đích sử dụng nguồn nhà nước trong các dự án này đối với từng loại hợp đồng dự án, ông Tăng khẳng định.
Bởi vậy, Nghị định về đầu tư theo hình thức PPP cũng quy định rõ, trên cơ sở kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch đầu tư công hàng năm về sử dụng vốn ngân sách, vốn trái phiếu chính phủ, vốn tín dụng phát triển nhà nước, vốn hỗ trợ phát triển chính thức và các nguồn vốn khác, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể xác định được khả năng cân đối ngân sách nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn của dự án, xác định dự án ưu tiên đầu tư cao để bố trí vốn một cách phù hợp.
Cách làm này sẽ tránh được tình trạng thiếu vốn ngân sách, tình trạng đầu tư tràn lan, không đúng mục đích, kế hoạch sử dụng vốn.
Đặc biệt, nhà đầu tư được đảm bảo về nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước đúng kế hoạch, tránh được tình trạng phải kéo dài thời gian huy động vốn do ngân sách thiếu vốn.
Theo Đầu tư