Bộ GD-ĐT nên có một lời xin lỗi

Có lẽ ngày 20-8 sẽ đi vào lịch sử tuyển sinh ở nền giáo dục nước ta. Với thực tế diễn ra, chúng tôi nghĩ Bộ GD-ĐT cần phải có một lời xin lỗi công khai, chân thành.
Vẻ mặt mệt mỏi của cả phụ huynh và thí sinh khi phải chờ đợi rút hồ sơ tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Ảnh - Nguyễn Khánh
Vẻ mặt mệt mỏi của cả phụ huynh và thí sinh khi phải chờ đợi rút hồ sơ tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Ảnh - Nguyễn Khánh

Có lẽ ngày 20-8 sẽ đi vào lịch sử tuyển sinh ở nền giáo dục nước ta. Trước khi diễn ra kỳ xét tuyển có một không hai này, những cán bộ làm công tác tuyển sinh - có bề dày kinh nghiệm hàng chục năm - cũng không thể tưởng tượng được hết những rắc rối, những chuyện bi hài, những tiếng thở dài não nề, sự lo lắng đến cùng cực của thí sinh, phụ huynh và chính các trường.

Chưa chắc phụ huynh và thí sinh chấp nhận vì một lời xin lỗi không đủ để đổi lấy những gì mà họ phải trải qua trong 20 ngày qua; nhưng chí ít lời xin lỗi cũng thể hiện tấm lòng thành, thể hiện nét văn hóa của những người đứng đầu Bộ GD-ĐT.

Dư luận ví kỳ xét tuyển này giống như thị trường chứng khoán, nộp vào rút ra... Sự ví von ấy đã là quá ê ẩm cho Bộ Giáo dục - đào tạo, nhưng trên thực tế của ngày 20-8, ngày cuối của đợt 1 đăng ký xét tuyển, thì nó cũng chưa lột tả hết được nỗi lo lắng đến tăng huyết áp, đau tim của phụ huynh và thí sinh.

Trưởng phòng đào tạo của một trường ĐH tại TP.HCM kể rằng cứ năm phút một lần, phòng đào tạo, ban giám hiệu, phòng công nghệ thông tin lại hội ý, rồi căng mắt nhìn lên màn hình theo dõi số liệu. Bên ngoài, phụ huynh và thí sinh ngồi chờ chực đông nghịt.

Với số lượng đông đảo phụ huynh và thí sinh, thường rất ồn ào, nhưng khi nhà trường cập nhật điểm, không khí bỗng im lặng như tờ. Điểm nhích lên theo giờ, niềm hi vọng cũng tan vỡ theo từng giờ. Bình luận trên Tuổi Trẻ Online khi xem bài tường thuật của Tuổi Trẻ, bạn đọc tên Long Xuyên viết: “Tôi đang ngồi trước màn hình, máy tính nối mạng 24/7. Bên cạnh là thuốc trợ tim”!

Khó mà có thể tưởng tượng ra chuyện ngày cuối cùng của đợt xét tuyển, Trường ĐH Ngoại thương phải tổ chức tư vấn thêm tại chỗ cho thí sinh và phụ huynh yên tâm.

Đau xót hơn là câu chuyện tại ĐH Y dược, khi trường này cập nhật danh sách thí sinh tuyển thẳng, những thí sinh đạt 27,75 điểm đã phải chia tay nguyện vọng 1.

Đêm trước họ vẫn còn ngủ ngon, vẫn mỉm cười vì mình nằm trong tốp an toàn và mức điểm cao chót vót ấy dễ gì bị ai đánh bại, vậy mà giờ đây tất cả đều văng ra ngoài.

Lời khẩn cầu của một bà mẹ đứng giữa trường y mà phóng viên Tuổi Trẻ nghe được thật nhói lòng: “Cầu mong đừng ai nộp hồ sơ vào nữa”... Hay lời than của một phụ huynh ở Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: “Trời ơi sao càng ngày càng đông vậy nè. Chắc phải chạy ra cổng trường ngăn không cho vô nộp quá”. Chắc chắn “trời không nghe”, nhưng liệu Bộ GD-ĐT có thấu hay không?

Thương thí sinh, phụ huynh vất vả, các trường cũng đã hết sức mình cập nhật điểm, hội trường mở máy lạnh để thí sinh và phụ huynh vơi bớt phần nào nhọc nhằn, lo toan. Nhưng bên trong, các cán bộ làm công tác tuyển sinh cũng căng thẳng không kém.

Cán bộ của một trường ĐH cho biết: “Chúng tôi cũng khủng hoảng tinh thần trước tình trạng quá sức căng thẳng này, đặc biệt đôi lúc điện thoại rung lên thì mở ra thấy tin nhắn từ phụ huynh, học sinh đòi “nhảy cầu Rạch Miễu tự tử”, hay có đề xuất: trường phải cử cán bộ gọi điện động viên thí sinh và gia đình”...

Những cái hay cái dở của kỳ thi, của đợt xét tuyển đã được các chuyên gia, phụ huynh, thí sinh nêu lên tràn ngập trên các phương tiện truyền thông 20 ngày qua.

Bộ GD-ĐT cũng đã lên tiếng thừa nhận nhưng cũng chỉ để rút kinh nghiệm tổ chức kỳ thi được tốt hơn trong những năm tới. Nhưng với những gì thực tế diễn ra, chúng tôi nghĩ Bộ GD-ĐT cần phải có một lời xin lỗi công khai, chân thành.

Chưa chắc phụ huynh và thí sinh chấp nhận vì một lời xin lỗi không đủ để đổi lấy những gì mà họ phải trải qua trong 20 ngày qua; nhưng chí ít lời xin lỗi cũng thể hiện tấm lòng thành, thể hiện nét văn hóa của những người đứng đầu Bộ GD-ĐT.

NHƯ KIỀU theo Tuổi Trẻ