Bộ Công Thương “vào cuộc” việc taxi Vinasun dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab

VietTimes -- Liên quan đến việc taxi truyền thống dán khẩu hiệu ở đuôi xe phản đối Uber, Grab, ngày 9/10, Bộ Công Thương cho biết đã chỉ đạo Cục Quản lý Cạnh tranh nghiên cứu và sớm có báo cáo về tình trạng này.
Ảnh minh họa: Zing.
Ảnh minh họa: Zing.
Trước đó, sau khi Hiệp hội taxi Hà Nội có kiến nghị với cơ quan chức năng về việc dừng khẩn cấp đối với Grab, Uber, các xe taxi thuộc các hãng đã  dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grabvới nội dung: "Yêu cầu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam"; "Đề nghị dừng thí điểm Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh"...
Trước tình trạng này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết Luật Cạnh tranh cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.

"Bộ đã có chỉ đạo Cục Quản lý Cạnh tranh nghiên cứu và sớm có báo cáo về việc này. Trong đó, xem xét liệu có hành vi vi phạm cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp hay không"- Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay.

Ông Hải cũng cho biết Cục Quản lý Cạnh tranh đang nghiên cứu và sẽ có báo cáo chính thức. Hiện, chưa thể kết luận ngay được.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh, ông Trịnh Anh Tuấn, cũng xác nhận hiện Cục Quản lý Cạnh tranh đang thu thập thông tin của các bên. "Khi nào có kết quả, chúng tôi sẽ thông báo"- ông Tuấn nói.

Trong khi đó, theo ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP HCM cho biết, đây là tình trạng tự phát của một số tài xế, không phải chỉ đạo của hãng và lãnh đạo đơn vị đang rà soát để có hướng xử lý. Thế nhưng, những tài xế taxi lại tỏ ra bức xúc trước thông tin này bởi cho biết họ không làm việc đó.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia Việt Nam (VLCAC) cho biết “Việc dán khẩu hiệu như một hình thức nói xấu, xúc phạm người khác, Uber, Grab hoàn toàn có thể khởi kiện lại”.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sự TP. Hà Nội) thì cho rằng các doanh nghiệp taxi có quyền bày tỏ quan điểm phản đối Uber, Grab, nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật.

Luật sư Thơm cho biết thêm, điều 43 Luật Cạnh tranh cấm doanh nghiệp này gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.
Về hình thức xử lý, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về cạnh tranh có thể bị cảnh cáo, phạt tiền.
Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, như: Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh.

Vào cuối tuần trước, khi đồng loại các xe taxi của Vinasun dán decan với nội dung phản đối hoạt động của Uber và Grab tại Việt Nam, ông Tạ Long Hỷ, Phó tổng giám đốc Vinasun, cho biết việc này là hành động tự phát, không có chủ trương từ phía doanh nghiệp. Nói về nội dung của các khẩu hiệu phản đối, ông Hỷ cho rằng “không đến nỗi gì quá đáng”.

Ông này cũng cho biết sẽ rà soát lại việc dán khẩu hiệu với tất cả các taxi đang hoạt động: “Có thể anh em bức xúc quá mới làm vậy. Chúng tôi đang cho rà soát lại”.

Không chỉ Vinasun, rất nhiều hãng taxi cả hai miền Nam Bắc đều đang có khẩu hiệu dán trên xe với nội dung phản đối hai ứng dụng gọi xe Uber và Grab.

Trước phát ngôn này, nhiều tài xế đã lên tiếng phản đối trên mạng xã hội. Đến trưa và chiều ngày 8/10, các tài xế kêu gọi bỏ khẩu hiệu đã dán. Rất đông tài xế cũng chia sẻ hình ảnh xé bỏ khẩu hiệu mới dán. Theo các tài xế, họ xé bỏ khẩu hiệu vì không muốn mang tiếng là hành động tự phát cũng như cảm thấy không vui khi khẩu hiệu đang phản tác dụng, gây phản cảm trong dư luận.