Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chính thức ký ban hành Quyết định phê duyệt Đề án tiếp nhận, vận hành, nâng cấp và phát triển FTAP, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2035. Sau khi nhận bàn giao FTAP, Bộ Công Thương sẽ thành lập Tổ công tác chuyên trách để triển khai hiệu quả Đề án nhằm giúp người dân và cộng đồng doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các cơ hội từ các FTA mang lại.
Theo đó, FTAP được thiết kế và xây dựng với 5 tính năng, nội dung chính, được hiển thị dưới dạng song ngữ Việt - Anh. Thứ nhất là tra cứu trực tuyến các cam kết về thuế, quy tắc xuất xứ, dịch vụ và đầu tư theo các FTA với các đối tác để hưởng ưu đãi. Thứ hai là thông tin về số liệu, đặc điểm thị trường có FTA với Việt Nam, các thủ tục cần thực hiện cho hoạt động xuất - nhập khẩu, cấp phép. Thứ ba là cập nhật kế hoạch hành động, thực thi các FTA của Việt Nam từ phía các cơ quan quản lý. Thứ tư là cập nhật văn bản pháp luật thực hiện các FTA do cơ quan quản lý ban hành. Thứ năm là cập nhật các hoạt động phổ biến, tuyên truyền hỗ trợ doanh nghiệp.
Vụ Chính sách thương mại đa biên sẽ chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong Bộ cùng các Bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện. Dự kiến, trong năm 2021 sẽ tập trung hoàn thiện các vấn đề kỹ thuật tồn tại để chính thức nhận chuyển giao FTAP từ Ngân hàng Thế giới, triển khai việc kết nối với các Cổng thông tin điện tử của các Bộ, ngành, địa phương và các Hiệp hội ngành hàng. Đồng thời, các đơn vị tập trung hoàn thiện, nâng cấp và xử lý các vấn đề tồn tại về mặt hệ thống của FTAP, nâng cấp khả năng bảo mật, an ninh hệ thống và cập nhật thông tin, số liệu liên tục.
Trong giai đoạn 2022-2025, FTAP sẽ được tập trung phân tích, xây dựng và đăng tải bộ dữ liệu trong các FTA còn lại mà Việt Nam là thành viên. Đề án đặt mục tiêu các doanh nghiệp và người dân có thể truy cập và tìm kiếm thông tin cho tất cả các FTA mà Việt Nam đã tham gia.
Ảnh minh họa. |
Về lộ trình thực hiện, các FTA thế hệ mới và các FTA đa phương (bao gồm các FTA giữa ASEAN và các đối tác) sẽ được triển khai trước, sau đó là các FTA song phương mà Việt Nam là thành viên. FTAP cũng sẽ được nâng cấp, cho phép kết nối chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin của Bộ, ngành khác thông qua nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung cấp Bộ (LGSP), có tích hợp khả năng gọi và kết nối dữ liệu (API) trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, bộ dữ liệu liên quan đến Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được phân tích, xây dựng và đăng tải để có tính kết nối, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân có sự so sánh, đánh giá. Giai đoạn sau 2025, FTAP sẽ tiếp tục được nâng cấp, cập nhật và phát triển các tính năng mới để nâng cao chất lượng trải nghiệm người dùng.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đồng thời, giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng Cổng thông tin điện tử về tất cả các Hiệp định thương mại tự do (FTAP), với sự tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật của các đối tác CPTPP và các tổ chức quốc tế khác. Cuối năm 2020, Bộ Công Thương đã chính thức khai trương FTAP. Bộ Công Thương cũng đã có công văn trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Đề án FTAP trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan, đồng thời chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan có liên quan tiếp nhận, vận hành có hiệu quả FTAP.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu