Bộ Chính trị chỉ còn 13 người, có nên bầu bổ sung?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ba năm qua, có tới 5 trong số 18 ủy viên Bộ chính trị khóa XIII phải thôi tất cả chức vụ. Vậy Ban Chấp hành Trung ương có nên bầu bổ sung ủy viên Bộ Chính trị hay không?

13-UVBCT-final.png

Chiều 2/5, Quốc hội đã bỏ phiếu miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội đối với ông Vương Đình Huệ. Đây là ủy viên Bộ chính trị thứ 5 thôi chức tính từ đại hội Đảng khóa XIII vào tháng 1/2021 đến nay.

Với việc giảm từ 18 xuống còn 13 người, Ban Chấp hành Trung ương có nên bầu bổ sung ủy viên Bộ Chính trị? VietTimes phỏng vấn nhanh một số chuyên gia xung quanh vấn đề này

Do Ban Chấp hành Trung ương quyết định

Theo ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng - Ban Tổ chức Trung ương Đảng, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã có 22 ủy viên Trung ương Đảng (hơn 10%); trong đó có 5/18 ủy viên Bộ chính trị (27%) bị xử lý kỷ luật với các hình thức khác nhau từ cho thôi, miễn nhiệm đến xử lý hình sự. Đây thực sự là một mất mát lớn, nhưng vẫn phải kiên quyết xử lý.

Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam quy định Ban Chấp hành Trung ương xem xét việc chuyển ủy viên Trung ương dự khuyết có đủ điều kiện để thay thế ủy viên Trung ương chính thức khi khuyết.

Mr-H01_vt.jpg
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng - Ban Tổ chức Trung ương Đảng.

Ngoài ra, Ban Chấp hành Trung ương bầu Bộ Chính trị; bầu Tổng Bí thư trong số ủy viên Bộ Chính trị; thành lập Ban Bí thư gồm Tổng Bí thư, một số ủy viên Bộ Chính trị do Bộ Chính trị phân công và một số ủy viên Ban Bí thư do Ban Chấp hành Trung ương bầu trong số ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; bầu Uỷ ban Kiểm tra Trung ương; bầu Chủ nhiệm ủy ban Kiểm tra Trung ương trong số ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Số lượng ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư và ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương do Ban Chấp hành Trung ương quyết định.

Như vậy, theo Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII có quyền bầu bổ sung Bộ Chính trị, Ban Bí thư (trong số các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương) và Ban Chấp hành Trung ương (từ 20 ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương). Tuy nhiên việc có bầu bổ sung ngay ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư và ủy viên Ban Chấp hành Trung ương hay không sẽ do Ban Chấp hành Trung ương xem xét và quyết định.

Theo ông Hà, nên cân nhắc việc bầu bổ sung ủy viên Ban Chấp hành Trung ương từ các ủy viên dự khuyết.

“Bầu cũng được mà chưa bầu bổ sung ngay cũng không sao vì số lượng ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đông. Tuy nhiên, nên bầu bổ sung Bộ Chính trị để phụ trách các lĩnh vực quan trọng của đất nước. Tất nhiên Trung ương nên xem xét thật kỹ lưỡng, chọn ra được được những người thực sự có đức, có tài để gánh vác trọng trách được Đảng giao phó”, ông Nguyễn Đức Hà nói.

"Thận trọng nếu bầu bổ sung"

Còn PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia HCM), phân tích trong 18 ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII có 8 ủy viên Bộ Chính trị khóa XII tái cử; 7 ủy viên Ban Bí thư khóa XII được bầu; 3 ủy viên Bộ Chính trị trúng cử lần đầu. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, lần thứ ba tái đắc cử chức Tổng Bí thư của Đảng.

ong-nguyen-trong-phu.jpg
Ông Nguyễn Trọng Phúc.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, 5 đồng chí có đơn tự nguyện xin rút khỏi Bộ chính trị, Ban chấp hành Trung ương và thôi tất cả các chức vụ do chịu trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra các vụ việc vi phạm pháp luật, những điều đảng viên không được làm của cấp dưới quyền hoặc lĩnh vực mình phụ trách.

“Việc có bầu bổ sung ủy viên Bộ Chính trị hay không sẽ do Ban chấp hành Trung ương xem xét quyết định. Theo tôi, nên bầu bổ sung một vài ủy viên Bộ Chính trị để lãnh đạo những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế và hoạt động đối ngoại, không nhất thiết cứ phải thêm cả 5 người thiếu hụt”, PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc nói và hy vọng những đồng chí vào Bộ Chính trị phải là những người có đầy đủ các phẩm chất, có tâm, có tầm, đủ sức gánh vác những nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

"Nên tập trung cho công tác nhân sự Đại hội XIV"

Đề cập đến việc chỉ còn hơn một năm rưỡi nữa sẽ diễn ra Đại hội Đảng XIV, luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng nên tập trung chuẩn bị thật tốt cho công tác nhân sự của nhiệm kỳ đại hội tới.

Theo ông Thuận, để bầu bổ sung ủy viên Bộ chính trị, bầu bổ sung vào Ban chấp hành Trung ương, “điều kiện cần” là Điều lệ Đảng đã quy định. Còn “điều kiện đủ” là Ban chấp hành Trung ương cân nhắc, xem xét, nếu thấy cần phải bổ sung thì nên bổ sung.

“Tuy nhiên theo tôi, chưa nên bầu bổ sung Bộ Chính trị, vì từ nay đến Đại hội Đảng XIV chỉ còn hơn một năm rưỡi nữa. Trung ương cũng đang bắt đầu làm công tác nhân sự cho Đại hội Đảng. Lựa chọn nhân sự, đặc biệt là nhân sự cấp cao phải hết sức thận trọng, rà soát lại sao cho tìm ra được những người thật xứng đáng để đưa vào hàng ngũ lãnh đạo đất nước. Vì vậy, tốt nhất là tập trung vào chuẩn bị thật tốt cho công tác nhân sự của nhiệm kỳ Đại hội XIV”, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết.

TQT.jpg
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Từ đại hội Đảng khóa XIII vào tháng 1/2021 đến nay, 5 Ủy viên Bộ Chính trị đã thôi chức. Hồi tháng 12/2022, ông Phạm Bình Minh thôi chức Phó thủ tướng Thường trực. Một tháng sau (tháng 1/2023), ông Nguyễn Xuân Phúc thôi chức khi đang là Chủ tịch nước.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh thôi chức ngày 31/1/2024. Đến ngày 20/3/2024, ông Võ Văn Thưởng, thôi chức khi đang làm Chủ tịch nước.

Ngày 2/5/2024, Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV, đối với ông Vương Đình Huệ.


Lê Thọ Bình

Đồ họa: Tùng Lâm