Tuần trước, giá của một đồng Bitcoin lần đầu tiên vượt ngưỡng 10.000 USD. Đến cuối tuần, con số đó chạm mức 14.000 USD trong khi đầu năm giá của một bitcoin chỉ khoảng 1000 USD
Nếu bạn bỏ ra 100 USD mua Bitcoin năm 2011 thì đến nay bạn đã có thể thu về 4 triệu USD. Đã có những câu chuyện trên internet về những người mời bạn bè đi ăn trưa và trả bằng tiền Bitcoin. Giờ đây họ hối tiếc vì nếu như họ trả tiền mặt và giữ lại những đồng tiền ảo đó thì họ sẽ có đủ tiền mua nhà.
Dĩ nhiên Bitcoin tăng giá là một tin vui nhưng dường như nó không phải là một công cụ đầu tư. Những người tạo ra nó hình dung bitcoin là sự thay thế cho tiền thật, một phương pháp phân quyền, an toàn và ẩn danh để chuyển giao giá trị giữa con người với nhau.
Nhưng họ không lường trước nguồn năng lượng khổng lồ cung cấp cho những mạng lưới máy tính trong quá trình “đào” Bitcoin.
Bitcoin là rào cản trong quá trình chuyển đổi nhanh chóng nhiên liệu hóa thạch
Ngày nay, sự phát triển của Bitcoin tác động tiêu cực tới khí hậu và khiến nó trở nên ngày càng bất thường hơn.
Những đồng tiền tệ kỹ thuật số như Bitcoin cung cấp dịch vụ duy nhất: những giao dịch tài chính không cần thông qua Chính phủ cũng như các ngân hàng. Derek Thompson coi Bitcoin như một công nghệ biến đổi đầy tiềm năng giúp xây dựng toàn bộ nền kinh tế dựa trên sự tương thích tiền tệ trên mạng internet. Một số người còn cho rằng Bitcoin sẽ khiến những đồng đô la Mỹ trở nên lỗi thời.
Tuy nhiên, đây là thời điểm quan trọng khi nhân loại đang không ngừng nỗ lực ứng phó với biến đối khí hậu. Mọi hành động trong thời đại này cần được đánh giá về tác động trực tiếp của nó với khí hậu. Và thực tế cho thấy Bitcoin đang tác động xấu tới bầu khí quyển.
Cái giá cho những giao dịch kỹ thuật số
Sự phát triển nhanh chóng của tiền tệ kỹ thuật số đòi hỏi một nguồn năng lượng khổng lồ cho máy tính. Khi Bitcoin phát triển, máy tính phải xử lý nhiều vấn đề về thuật toán hơn để tạo ra nhiều Bitcoin hơn (gọi tắt là quá trình “đào” Bitcoin). Hơn nữa, rất khó để tạo nên một hệ thống kiểm soát nguồn cung tiền tệ.
Mỗi giao dịch Bitcoin tiêu thụ một lượng điện năng tương đương với chín hộ gia đình Mỹ dùng trong một ngày. Bên cạnh đó, những “thợ đào Bitcoin” trang bị thêm nhiều máy tính tốc độ cao. Sức mạnh tổng hợp của những máy tính trong mạng lưới Bitcoin mạnh gấp 100,000 lần so với 500 siêu máy tính nhanh nhất thế giới hợp lại.
Tổng lượng năng lượng sử dụng cho những máy tính trong mạng lưới này rất lớn: khoảng 31 terawatt/giờ mỗi năm. Hơn 150 quốc gia tiêu thụ điện ít hơn con số này hàng năm. Gần đây, mạng lưới máy tính “khát điện” này đã làm tăng lượng điện năng tiêu thụ lên 450 gigawatt/giờ mỗi ngày, tương đương với lượng điện năng cả nước Haiti sử dụng trong vòng một năm.
Những cơ sở khai thác Bitcoin ngốn rất nhiều điện năng trên toàn thế giới. Tại Venezuela, lạm phát phi mã tràn lan và những trợ cấp điện năng đã dẫn đến sự bùng nổ trong tìm kiếm Bitcoin. Các hoạt động lừa đảo là nguyên nhân gây ra tình trạng mất điện trên toàn quốc.
Các mỏ Bitcoin lớn nhất nằm tại Trung Quốc nơi có những thủy điện khổng lồ cung cấp năng lượng không có carbon rẻ nhất trên Thế giới. Thậm chí, một chủ doanh nghiệp Tesla đã đào Bitcoin ngay trong xe của mình để tận dụng nguồn điện miễn phí từ những trạm sạc pin công cộng.
Với tốc độ tăng trưởng của Bitcoin ở thời điểm hiện tại thì chỉ trong vài tháng tới, nhu cầu điện năng cho đồng tiền kỹ thuật số này sẽ không thể đáp ứng được và đòi hỏi các nhà máy phải sản xuất ra một loại năng lượng mới. Điều này gây áp lực lên mạng lưới điện và nhiều nhà máy sẽ sử dụng những công nghệ bẩn trong bối cảnh Thế giới đang chạy đua để tìm ra những nguồn năng lượng thay thế mới cho nhiên liệu hóa thạch.