Biến giấc mơ làm cha mẹ của những "chiến sĩ áo trắng" thành hiện thực: Lời tri ân ý nghĩa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Những nhân viên y tế hiếm muộn có hoàn cảnh khó khăn, lại là những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch Covid-19, đã được chương trình “Ươm mầm hạnh phúc – Khi thiên thần cũng có ước mơ” biến khát vọng thành hiện thực.

Bác sĩ Nguyễn Thị Dung thăm hỏi 1 trường hợp theo dõi sau chuyển phôi
Bác sĩ Nguyễn Thị Dung thăm hỏi 1 trường hợp theo dõi sau chuyển phôi

Nhiều cán bộ, nhân viên y tế rơi vào cảnh hiếm muộn, trong khi điều kiện kinh tế không khá giả, nên với nhiều người, được làm cha mẹ chỉ là một ước mơ. Thấu hiểu được khát khao của họ, chương trình “Ươm mầm hạnh phúc – Khi thiên thần cũng có ước mơ” đã được hệ thống IVFMD khởi xướng vào năm 2021 như một lời tri ân các thầy thuốc đầy ý nghĩa. Với sự cố vấn về mặt chuyên môn của PGS.TS.BS Vương Thị Ngọc Lan và ThS. BS. Hồ Mạnh Tường, chương trình miễn phí này đã mang lại “trái ngọt” cho nhiều nhân viên y tế.

Giấc mơ làm cha mẹ

Chị H.T.T.T (1993) lập gia đình từ năm 2020, cả hai vợ chồng cùng công tác tại một bệnh viện ở Bình Dương. Chị được bác sĩ phát hiện có vấn đề về buồng trứng nên vợ chồng chị đã đến một bệnh viện tại TP.HCM kiểm tra thì được chỉ định làm IVF (thụ tinh trong ống nghiệm), nhưng kinh tế gia đình không cho phép.

Khi có vợ chồng chị trở lại bệnh viện làm IVF thì thất bại ngay lần chuyển phôi đầu tiên, do bị ứ dịch vòi trứng mức độ nặng, nên phải mổ nội soi bóc u lạc nội mạc buồng trứng trái, cắt ống dẫn trứng trái, bóc u bì buồng trứng phải. Lần chuyển phôi thứ hai, chị cũng không thành công.

VT_Gia đình chị B.Lan đón bé song sinh.png
Gia đình chị B.Lan đón bé song sinh

Rồi dịch Covid bùng phát dữ dội, chị tham gia chống dịch, nên phải hoãn lại việc chuyển phôi. Đến lần thứ tư, chị tiếp tục không thành công. Hai vợ chồng đã tính đến việc nhờ mang thai hộ

Trường hợp của chị P.T.K. Ngân (1995) và chồng - anh P.Q.Dương (SN 1995) cũng là nhân viên y tế của một bệnh viện ở Bình Dương. Hai vợ chồng không có con, do chị bị rối loạn phóng noãn. Chưa kịp điều trị thì dịch Covid-19 bùng phát ở TP.HCM, anh lên đường tham gia chống dịch. Hết dịch, anh chị cũng muốn can thiệp bằng các phương pháp hỗ trợ sinh sản nhưng kinh tế khó khăn, nên chưa thể thực hiện được.

Cùng cảnh ngộ, chị N.T.B Lan (1991 – dược sĩ) và anh P.M.Huy (1991) cũng trải qua nhiều áp lực sau khi cưới từ năm 2017 với nỗi niềm đằng đẵng mong con. Hai người đã uống cả thuốc nam lẫn thuốc bắc, nhưng vẫn không có kết quả.

Chị được bác sĩ cho biết bị rối loạn phóng noãn, chu kỳ kinh kéo dài 6 tháng mới có 1 lần. Đến năm 2019, hai vợ chồng dành dụm được một số tiền để làm IUI nhưng cả hai lần đều thất bại. Lúc này, bác sĩ có tư vấn chị làm IVF nhưng do điều kiện kinh tế không cho phép nên vợ chồng chị chưa thể thực hiện.

Đến đầu năm 2020, đại dịch Covid ập đến khiến cho kinh tế gia đình chị Lan lúc này khó khăn hơn bao giờ hết. Hai vợ chồng tạm xa nhau để cùng đồng nghiệp chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Giấc mơ làm cha, làm mẹ vì thế cũng tạm gác lại.

VT_Gia đình chị Ngân hạnh phúc bên thiên thần nhỏ.png
Gia đình chị Ngân hạnh phúc bên thiên thần nhỏ

Đều công tác trong ngành y tế, đều từng có mặt trên tuyến đầu chống dịch, cả 3 “thiên thần áo trắng” đều gặp khó khăn trong việc làm cha mẹ lẫn đời sống kinh tế và rồi, họ đã may mắn khi biết đến chương trình “Ươm mầm hạnh phúc – Khi thiên thần cũng có ước mơ” hỗ trợ chi phí thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm cho nhân viên y tế hiếm muộn có hoàn cảnh khó khăn

Họ đều đã như những người giữa sóng lớn gặp con thuyền cứu sinh. Các chị đều công tác tại Bình Dương nên IVFMD Bình Dương (Bệnh viện Phương Chi) đã tiếp nhận điều trị, do bác sĩ Nguyễn Thị Dung – Trưởng đơn vị IVFMD Bình Dương phụ trách. Nhưng, cả 3 trường hợp đều đã được hạnh phúc mỉm cười sau những tháng ngày kiên trì, nỗ lực của cả bệnh nhân lẫn bác sĩ.

Gian nan hành trình tìm con và quả ngọt xứng đáng

Tiếp nhận điều trị cho chị H.T.T.T (1993), bác sĩ Nguyễn Thị Dung cho biết: “Khi nhận hồ sơ, chúng tôi đánh giá là trường hợp khó khi đã trải qua 1 lần IVF với 4 lần chuyển phôi thất bại trên nền bệnh lạc nội mạc tử cung. Đây thường là một nguyên nhân khó nên tiên lượng thành công không cao. Thêm vào đó, bệnh nhân có đáp ứng buồng trứng kém.”

Nhưng rồi, niềm hạnh phúc ngọt ngào đã tới với chị T. “Lúc đầu chỉ biết mình đậu thai, cho đến ngày siêu âm thì bác sĩ Dung thông báo đậu cả 2 thai. Lúc đó mình mừng quá trời luôn” – chị T. kể lại với nụ cười hạnh phúc.

Tuy nhiên, thử thách vẫn không ngừng đeo bám chị khi 3 tháng đầu thai kỳ chị có nguy cơ sẩy thai, rồi lại bị mắc Covid-19, trong khi chị T. bị bệnh tim mạch, huyết áp dễ tăng cao…

Đợi đến tuần thứ 37, chị sinh mổ 2 bé gái sinh đôi, nhưng chị lại bị tiền sản giật và nguy cơ tái đái tháo đường thai kỳ. Sinh xong chị không được nhìn mặt con ngay vì phải tách con ra chăm sóc riêng. Biết bao khó khăn mệt mỏi bám lấy người mẹ trẻ đến lúc sinh nhưng cuối cùng, các bác sĩ đã đồng hành đưa chị vượt qua.

Còn riêng chị K.Ngân, dù không phải rơi vào trường hợp khó như chị T. nhưng ngoài mắc hội chứng rối loạn phóng noãn, khi đến khám tại IVFMD Bình Dương, chị lại bị phát hiện tử cung nhỏ, cổ tử cung ngắn.

Nhưng mọi khó khăn, tủi thân rồi cũng qua, niềm vui lại đến với chị khi bác sĩ báo được 11 trứng và được 9 phôi. Cuối cùng, quả ngọt cũng đến khi chị được thông báo có thai. Ngày 26/1/2023, bé trai kháu khỉnh chào đời bằng phương pháp sinh mổ.

Nói về “cột mốc” đó, chị Ngân không giấu được xúc động. Với chị, khoảnh khắc mà hai bố con lần đầu nhìn thấy nhau là khoảnh khắc vô cùng hạnh phúc mà chị không thể nào quên.

VT_Bác sĩ Nguyễn Thị Dung tư vấn cho 1 trường hợp.png
Bác sĩ Nguyễn Thị Dung tư vấn cho 1 trường hợp hiếm muộn

Còn với chị B.Lan, quyết định thực hiện IVF, đồng nghĩa với chị phải vượt qua nỗi sợ kim tiêm. May mắn, quá trình thực hiện IVF của chị tại IVFMD Bình Dương tương đối thuận lợi.

“2 lần làm IUI thất bại, nhưng lần này chỉ cần làm 1 lần đã đậu thai. Cảm ơn chương trình đã cho tôi cơ hội được làm mẹ, được cảm nhận thai máy trong bụng là như thế nào.” – chị Lan hạnh phúc chia sẻ.

BS Nguyễn Thị Dung cho biết: “Bệnh nhân bị rối loạn phóng noãn thường chỉ chiếm tỉ lệ 10% trong các cặp vợ chồng hiếm muộn. Trường hợp của chị Lan tuy không phải là một ca bệnh khó nhưng phụ nữ mắc rối loạn phóng noãn, khi mang thai sẽ dễ sảy thai hay thai lưu, sanh non hoặc đái tháo đường thai kỳ.”

Khi được 18 tuần, chị Lan bị ra huyết do nhau tiền đạo nên phải chuyển lên bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) nằm theo dõi đến lúc sanh là 34 tuần. Hiện tại, 2 bé sinh đôi nhà chị trộm vía khoẻ mạnh và đã được hơn 6 tháng.

Ươm mầm hạnh phúc” chương trình thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí của hệ thống IVFMD dành cho các cặp vợ chồng hiếm muộn có điều kiện kinh tế khó khăn. Đây là chuỗi chương trình được khởi xướng bởi GS. BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng từ năm 2014.

Năm 2021, với chủ đề “Khi thiên thần cũng có ước mơ”, chương trình được thiết kế dành riêng cho các nhân viên y tế có hoàn cảnh khó khăn, đang trăn trở với nỗi niềm mong con với mong muốn tôn vinh sự cống hiến, cũng như gửi lời tri ân đến các đồng nghiệp đã dành nhiều tâm sức giúp cả nước vượt qua dịch bệnh.

Kết quả, chương trình đã tiếp nhận gần 60 trường hợp đủ tiêu chuẩn tham gia. Trong đó, 21 trường hợp đã điều trị tại IVFMD Tân Bình (Bệnh viện Mỹ Đức, TP.HCM); 19 trường hợp tại IVFMD Phú Nhuận (Bệnh viện Mỹ Đức Phú Nhuận, TPHCM.); 10 trường hợp tại IVFMD Family (Bệnh viện Đa khoa Gia Đình, Đà Nẵng); và 5 trường hợp tại IVFMD Bình Dương (Bệnh viện Đa khoa Phương Chi, Bình Dương). Đặc biệt, 5 trường hợp làm IVF tại IVFMD Bình Dương đều thành công.