Bệnh sa sút trí tuệ ở Việt Nam: Số người mắc cao, nhưng còn “trắng” về chính sách y tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Việt Nam hiện có gần 700.000 người bị sa sút trí tuệ (SSTT), nhưng chính sách y tế về SSTT gần như “trắng”. Đặc biệt, nhận thức của người dân và của chính cán bộ y tế về bệnh này còn rất sai lầm. 
Chủ trì hội thảo là các chuyên gia hàng đầu về lão khoa, sức khỏe tâm thần, y tế dự phòng
Chủ trì hội thảo là các chuyên gia hàng đầu về lão khoa, sức khỏe tâm thần, y tế dự phòng

Đây sẽ là gánh nặng của Việt Nam trong tương lai rất gần nếu không có giải pháp ứng phó kịp thời.

Lần đầu tiên Việt Nam nghiên cứu về SSTT

Những thông tin quan trọng trên từ nghiên cứu của Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng (Trường Đại học Y Hà Nội) - nghiên cứu đầu tiên về SSTT ở Việt Nam - sẽ góp phần “thức tỉnh” các nhà hoạch định chính sách y tế ở Việt Nam trong kế hoạch ứng phó với bệnh SSTT.

Dự án “Tăng cường ứng phó với SSTT ở Việt Nam: Thiết lập hệ thống bằng chứng để xây dựng Kế hoạch Quốc gia Phòng chống SSTT ở Việt Nam” do Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng phối hợp với các chuyên gia Úc, Hoa Kỳ thực hiện.

Kết quả nghiên cứu đã được công bố tại hội thảo tổ chức tại Trường Đại học Y Hà Nội vào chiều 6/12/2022, với sự tham gia của đại diện Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Viện Chiến lược và Chính sách y tế, các trường đại học về sức khỏe, WHO tại Việt Nam vv…

Theo GS.TS. Lê Thị Hương - Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng - Việt Nam hiện là một trong các nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Tỷ lệ dân số trên 60 tuổi ở Việt nam năm 2022 là 12% và đến năm 2050 là 28%. Trong khi Australia mất 72 năm thì Việt Nam mất 16 năm để chuyển từ nước sắp già sang nước đã già (tỷ lệ dân số trên 65 tuổi gia tăng). Tỷ lệ người SSTT ở Việt Nam năm 2019 là gần 600 nghìn người và dự kiến năm 2050 sẽ tăng gấp 3 lần, khoảng 1,8 triệu người.

GS.TS. Lê Thị Hương - Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng (Trường Đại học Y Hà Nội)

GS.TS. Lê Thị Hương - Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng (Trường Đại học Y Hà Nội)

Trước thực trạng này, Việt Nam đã ký cam kết kế hoạch toàn cầu đối phó với SSTT, trong đó SSTT là ưu tiên y tế quốc gia, thông qua việc xây dựng Kế hoạch quốc gia phòng chống SSTT, nhằm đánh giá thực trạng, những thuận lợi và cản trở việc cải thiện hệ thống chăm sóc và hỗ trợ bệnh nhân SSTT và người chăm sóc. Từ đó, đề xuất xây dựng kế hoạch quốc gia phòng chống SSTT.

Đầu 2022, Chính phủ mới phê duyệt Kế hoạch Quốc gia về phòng chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần, trong đó, đề cập mục tiêu là 30% người mắc SSTT được sàng lọc và phát hiện.

Để giúp Bộ Y tế và Chính phủ hoạch định được các chính sách cụ thể trong việc ứng phó với bệnh SSTT, Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng đã tiến hành nghiên cứu dự án “Tăng cường ứng phó với sa sút trí tuệ ở Việt Nam: Thiết lập hệ thống bằng chứng để xây dựng Kế hoạch Quốc gia Phòng chống SSTT ở Việt Nam” giai đoạn 2019 - 2021, với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu Việt Nam, Úc và Hoa Kỳ về chăm sóc người cao tuổi và sức khỏe tâm thần.

PGS.TS. Kim Bảo Giang - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng - thông tin về kết quả nghiên cứu

PGS.TS. Kim Bảo Giang - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng - thông tin về kết quả nghiên cứu

PGS.TS. Kim Bảo Giang - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng - Chủ nhiệm dự án, thông tin: Dự án nhằm tìm hiểu khả năng ứng phó của Việt Nam đối với bệnh SSTT ở 3 cấp độ: Cá nhân (người sử dụng và người cung cấp dịch vụ y tế); tổ chức chăm sóc sức khoẻ; hệ thống chăm sóc sức khoẻ quốc gia. Từ việc rà soát các chính sách về bệnh SSTT, nhóm nghiên cứu đã đề xuất xây dựng được kế hoạch Quốc gia Phòng chống SSTT của Việt Nam, nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người mắc bệnh SSTT, cũng như người chăm sóc và gia đình họ, đồng thời, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ một cách công bằng và giảm sự kỳ thị xã hội.

Khoảng trống y tế

Từ đầu cầu trực tuyến tại Úc, PGS.TS. Nguyễn Tuấn Anh - một trong các chuyên gia tham gia dự án và đi sâu vào nghiên cứu hệ thống y tế về SSTT ở Việt Nam - cho biết: Quá trình nghiên cứu, các chuyên gia đã tìm kiếm nguồn từ Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê và WHO tại Việt Nam, nhưng không có được số liệu cụ thể về vấn đề SSTT, cũng không có thông tin nào về việc bác sĩ lão khoa làm việc liên quan đến SSTT.

Các chuyên gia ở đầu cầu của Úc tham gia hội thảo

Các chuyên gia ở đầu cầu của Úc tham gia hội thảo

“Việt Nam có khá nhiều loại hình dịch vụ cho người già, nhưng mới ở giai đoạn đầu. Đặc biệt, hầu như không có dịch vụ chăm sóc bệnh nhân SSTT. Việc chăm sóc người SSTT chủ yếu ở các bệnh viện và thành phố lớn và chỉ ở bệnh viện mới được chi trả bảo hiểm y tế, còn ở các nhà dưỡng lão không được bảo hiểm y tế chi trả” - PGS.TS. Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.

Các dịch vụ chăm sóc dài hạn về SSTT hiện chủ yếu dựa vào gia đình/người chăm sóc không chính thức hay dịch vụ tại nhà như người giúp việc và đều không được đào tạo chính thức. Cả nước hiện có rất ít nơi chăm sóc bệnh nhân SSTT: Tư nhân chỉ có 59 nhà dưỡng lão với chi phí cao, không phải ai cũng đủ khả năng tiếp cận. Nhà nước chỉ có 134 trung tâm bảo trợ xã hội và 13 nhà dưỡng lão, dành miễn phí cho các đối tượng hưởng trợ cấp xã hội, như người cao tuổi khó khăn, không nơi nương tựa, người trên 85 tuổi không có bảo hiểm xã hội hoặc lương hưu.

TS. Phạm Bích Diệp (Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng) thông tin về kết quả nghiên cứu
TS. Phạm Bích Diệp (Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng) thông tin về kết quả nghiên cứu

Từ kết quả khảo sát tại 8 tỉnh đại diện các vùng miền trong cả nước về tình hình bệnh SSTT, TS. Phạm Bích Diệp - thành viên nhóm nghiên cứu - đưa ra thông tin đáng lưu ý: Kiến thức của cán bộ y tế về SSTT còn thiếu và yếu, khi những người được hỏi đều cho rằng SSTT là bệnh không chữa được, trong khi thực tế không phải tất cả các dạng SSTT đều không thể chữa được. Chỉ 50% nhân viên y tế cho rằng các can thiệp không dùng thuốc có hiệu quả trong điều trị SSTT (tỉ lệ này ở các nước phát triển là 96%). Cũng chỉ 30% cán bộ y tế đủ tự tin về chăm sóc bệnh nhân SSTT.

Nghiên cứu của các chuyên gia cũng chỉ ra: Hầu hết người dân đều nhận thức sai lầm về bệnh SSTT, khi coi SSTT là bệnh tuổi già. Kiến thức của người dân về bệnh, các triệu chứng của bệnh, yếu tố nguy cơ, khả năng điều trị còn thấp. Đáng chú ý khi vẫn tồn tại sự kì thị đối với người bệnh SSTT.

“Thức tỉnh” các nhà hoạch định chính sách

Từ thực tế nghiên cứu, các chuyên gia khuyến nghị Bộ Y tế cần chuẩn bị các kịch bản kế hoạch chính sách cho nhóm dân số già hóa trong tương lai, đồng thời, đề xuất mô hình quản lý, khám và điều trị bệnh nhân SSTT, cũng như tăng cường năng lực cho đội ngũ nhân viên y tế, cán bộ xã hội về kiến thức, kỹ năng chẩn đoán và quản lý người bệnh SSTT.

Nghiên cứu cũng khuyến nghị cần nâng cao nhận thức trong cộng đồng về bệnh SSTT để phát hiện sớm và đưa đi khám tại các chuyên khoa.

GS.TS. Phạm Thắng - Chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương

GS.TS. Phạm Thắng - Chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương

Là người đi tiên phong ở Việt Nam trong chăm sóc bệnh lão khoa, GS.TS. Phạm Thắng - Chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam -cho biết thêm: Hiện chỉ khoảng 30% người SSTT được phát hiện, do đó, phải nâng cao năng lực của nhân viên y tế cơ sở. Việc chẩn đoán không khó nếu được đào tạo. Điều này đòi hỏi phải thay đổi Chiến lược quốc gia.

GS. Phạm Thắng lưu ý rằng, người bị SSTT chuyển nặng mất khoảng 20 năm. Vì thế, không phải hoảng hốt, vì chỉ 2-3 năm cuối bệnh nhân mới bị nặng, cần phải trợ giúp hoặc nằm liệt giường do rối loạn hành vi tâm thần.

“Kiến thức này giúp cho việc xây dựng chính sách về SSTT sát thực tiễn hơn, tránh xây dựng chính sách quá lớn, không phù hợp” - chuyên gia hàng đầu Việt Nam về lão khoa nhấn mạnh.

PGS.TS. Phạm Lê Tuấn (giữa) - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế - đánh giá cao kết quả của công trình nghiên cứu
PGS.TS. Phạm Lê Tuấn (giữa) - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế - đánh giá cao kết quả của công trình nghiên cứu

PGS.TS. Nguyễn Tuấn Anh đề xuất cần chuyển trọng tâm chăm sóc bệnh nhân SSTT ra khỏi bệnh viện và hướng đến cộng đồng. Dịch vụ chăm sóc SSTT toàn diện hơn do trạm y tế xã/phường cung cấp. Cần đào tạo sàng lọc SSTT cho nhân viên xã hội và đào tạo cho những người chăm sóc tại gia đình v.v…Ông Tuấn cũng cho rằng cần bổ sung về chăm sóc SSTT trong chương trình đại học và sau đại học.

Ông Mai Trung Sơn - Tổng cục Dân số - cho rằng cần bổ sung khuyến nghị với ngành y tế tăng cường truyền thông trên môi trường mạng về SSTT, đồng thời, tác động để có nguồn lực lo cho người cao tuổi; phổ cập dịch vụ chăm sóc người cao tuổi.

Đại diện nhà dưỡng lão tư nhân cũng cho biết có tới 30% người cao tuổi ở nhà dưỡng lão bị SSTT, nhưng đội ngũ chăm sóc không được hướng dẫn, đào tạo để biết chăm sóc bệnh nhân SSTT cho đúng. Đặc biệt, phần lớn người cao tuổi ở ngoài cộng đồng và cô đơn trong chính gia đình mình. Hiện chưa có cơ sở chuyên trách về khám, chữa bệnh cho người SSTT nên người mắc bệnh là buông xuôi. Đây là lỗ hổng của ngành y tế và khiến cho số người bệnh nặng ngày càng nhiều, việc điều trị khó khăn hơn.

PGS.TS. Kim Bảo Giang - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng - cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện dự án để phục vụ việc hoạch định chính sách về SSTT

PGS.TS. Kim Bảo Giang - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng - cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện dự án để phục vụ việc hoạch định chính sách về SSTT

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Chánh Văn phòng Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam - đề xuất: Việt Nam hiện có 12 triệu người cao tuổi, nên Bộ Y tế và Trung ương Hội Người cao tuổi nên có sự phối hợp và có chiến lược chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi để họ tiếp tục cống hiến, đóng góp cho gia đình và xã hội, nhất là có thể hỗ trợ ngành y tế trong việc truyền thông, tư vấn, sàng lọc phát hiện sớm bệnh SSTT hiệu quả tại cộng đồng nếu được tập huấn, đào tạo đúng.