Bé trai 13 tuổi suýt phải cắt bỏ tinh hoàn do va chạm khi đá bóng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiếp nhận ca bệnh nhi nhập viện trong tình trạng tinh hoàn trái sưng nề, bầm tím, tụ máu vùng bìu trái, không có tín hiệu mạch.

Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân bị dập tinh hoàn khi đá bóng
Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân bị dập tinh hoàn khi đá bóng

Bệnh nhân là bé trai Ng.M.T (13 tuổi) bị chấn thương tinh hoàn sau khi va chạm với bạn trong khi chơi đá bóng, nhập viện khoa Ngoại Tiết niệu của Bệnh viện Nhi Trung ương.

Người nhà bệnh nhi cho biết, trong lúc đang chơi đá bóng cùng bạn, bệnh nhi thì bất ngờ bé Tú bị đá trúng vào vùng kín. Sau tai nạn bé được gia đình đưa vào cấp cứu tại bệnh viện địa phương và sau đó được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục điều trị.

ThS.BSCKII Vũ Xuân Hoàn – Khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Nhi Trung ương (người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhi) - cho biết, trẻ vào viện trong tình trạng tinh hoàn trái (T) sưng nề, bầm tím, tụ máu vùng bìu trái. Hình ảnh siêu âm cho thấy tinh hoàn trái không tưới máu, có máu tụ xung quanh, không có tín hiệu mạch, vì vậy, ngay lập tức các bác sĩ quyết định mổ cấp cứu cho trẻ.

"Quá trình phẫu thuật có nhiều máu đen, máu cục ở vùng bìu bên trái, mặt bên trong tinh hoàn trái bị vỡ một nửa bó mạch thần kinh, tuy nhiên, ekip phẫu thuật nhận thấy nhu mô tinh hoàn vẫn còn tưới máu tốt nên đã quyết định lấy máu tụ, khâu cầm máu và bảo tồn tinh hoàn trái cho trẻ. Ca phẫu thuật diễn ra trong 1,5 giờ đã thành công. Hiện sức khỏe trẻ ổn định, tinh hoàn hết sưng nề và đã được ra viện" – ThS.BSCKII Vũ Xuân Hoàn cho hay.

Theo ThS.BSCKII Vũ Xuân Hoàn, chơi thể thao là cần thiết cho sự phát triển nhân cách của trẻ. Tuy nhiên, bất kỳ môn thể thao nào cũng có thể dẫn đến chấn thương. Đặc biệt là khi trẻ tham gia các môn thể thao đối kháng.

Chính vì vậy, để bảo vệ trẻ khỏi chấn thương khi chơi thể thao, các phụ huynh cần hướng dẫn cho trẻ các quy tắc chung của trò chơi và cách giữ an toàn cho mình cũng như người chơi; trẻ cần phải được trang bị dụng cụ thể thao có kích thước phù hợp, vừa vặn, đảm bảo an toàn.

Bên cạnh đó, cha mẹ nên kiểm tra vị trí trẻ chơi để đảm bảo rằng các sân chơi an toàn. Khi tham gia các môn thể thao đồng đội, trẻ phải được giám sát bởi những người đủ tiêu chuẩn chuyên môn,… Nhất là nếu trẻ không may gặp phải tai nạn chấn thương ở vùng kín, gia đình cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để trẻ được thăm khám, đánh giá mức độ tổn thương và điều trị kịp thời.