Chào bán 110 triệu cổ phiếu, cơ cấu vốn
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Tổng giám đốc HAGL Agrico cho biết, năm 2016, HAGL Agrico đặt kế hoạch doanh thu thuần 4.309 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 450 tỷ đồng và lỗ 559 tỷ đồng. Mức lỗ 559 tỷ đồng trong cả năm 2016 của HAGL Agrico cũng là mức lỗ được ghi nhận trong 6 tháng đầu năm.
Về mảng chăn nuôi, HAGL Agrico dự kiến tiêu thụ khoảng 100.000 con bò thịt trong năm nay, mang về doanh thu khoảng 3.063 tỷ đồng và lợi nhuận gộp khoảng 345 tỷ đồng. Với tổng đàn bò sữa hiện nay 7.500 con, dự kiến năm 2016 sẽ cung cấp khoảng 24 triệu lít sữa tươi góp phần mang lại doanh thu khoảng 302 tỷ đồng.
Về ngành trồng trọt, HAGL Agrico đã tiêu thụ được 31.477 tấn đường, góp phần mang lại doanh thu 370 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 112 tỷ đồng. Trong năm 2016, diện tích khai thác cao su 4.403 ha, dự kiến thu được 5.265 tấn mủ khô góp phần mang lại doanh thu khoảng 127 tỷ đồng và lỗ 59 tỷ đồng. Với mảng bắp, sản lượng tiêu tụ dự kiến đạt 26.927 tấn, mang lại doanh thu 136 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 69 tỷ đồng.
Về kế hoạch đầu tư, HNG cho biết sẽ tiếp tục chăm sóc các vườn cây cao su, cọ dầu và dự kiến sẽ triển khai trồng các loại cây ăn trái tại Việt Nam, Lào và Campuchia nhằm tận dụng hết quỹ đất còn dôi dư của Công ty.
Về kế hoạch tài chính, đánh giá về những vấn đề tài chính còn tồn tại, ông Thắng chỉ ra, giá cổ phiếu giảm rất sâu từ 28.000 đồng khi niêm yết giảm xuống 7.000 đồng là nỗi "trăn trở" lớn của ban điều hành, HĐTQ.
Việc suy giảm thanh khoản khiến HAGL Agrico không thanh toán được gốc và lãi vay cho chủ nợ. Công ty kiểm toán lưu ý về hoạt động liên tục trong Báo cáo kiểm toán 2015 và 6 tháng đầu năm 2016.
Tổng tài sản 29.400 tỷ đồng trong đó tài sản ngắn hạn hơn 6.200 tỷ đồng, tài sản dài hạn 23.244 tỷ đồng, tổng nợ phải trả 18.000 tỷ đồng, bức tranh tài chính mất cân đối, tài sản ngắn hạn nhỏ hơn nợ ngắn hạn tức là tính thanh khoản yếu, tỷ lệ nợ phải trả trên tổng tài sản là 62,7% là mức cao. "Bức tranh cân đối tài chính đến thời điểm 30/6 cho thấy sức khoẻ của doanh nghiệp không tốt", ông Thắng thừa nhận.
Theo đó, Tổng giám đốc HAGL Agrico cho biết sẽ tiếp tục làm việc với các chủ nợ để đạt được các mục đích cơ cấu lại thời hạn trả nợ với 3 nội dung chính: đưa lãi suất về mức hợp lý, giãn thời gian trả nợ gốc và lãi vay, cho vay bổ sung vốn chăm sóc vườn cây. Đồng thời, cải thiện lợi nhuận trước thuế khấu hao và lãi vay, cải thiện hệ số nợ
Bên cạnh đó, HĐQT HNG cũng xin cổ đông thông qua mục đích sử dụng vốn phát hành theo phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ tại Nghị quyết ĐHĐCĐ ngày 06/10/2015 là để mua lại 100% Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Cao su Đông Dương.
Ngoài ra, HĐQT HNG cũng trình kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ, theo đó, HAGL Agrico sẽ chào bán 110 triệu cổ phiếu với mức giá từ 6.400 đồng/cổ phiếu trở lên, mức giá chào bán cụ thể sẽ do HĐQT quyết định tại thời điểm chào bán và dựa trên sự đàm phán với từng đối tượng nhưng không thấp hơn mức giá chào bán tối thiểu. Số lượng nhà đầu tư chiến lược dưới 100 nhà đầu tư.
Tổng số tiền thu được dự kiến là 704 tỷ đồng và HAGL Agrico sẽ dùng 396 tỷ đồng để phân bổ thặng dư vốn cổ phần. Mục đích của đợt chào bán, theo HAGL Agrico nhằm tái cơ cấu nguồn vốn của công ty.
"HAGL Agrico chưa đến nỗi chết"
Trong phần thảo luận, trước câu hỏi của một cổ đông về mảng mía, ngô công ty sẽ có định hướng cụ thể như nào, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAGL cho biết, lý do không đưa doanh số mía đường vì chủ trương từ giờ cuối năm giảm nợ cho công ty nông nghiệp và bán mảng mía đường, HAGL Agrico đang thương thảo với đối tác lớn. Về mảng ngô, sau khi phát sinh đàn gia súc chủ lực HAGL Agrico đã tập trung để dùng ngô cho đàn gia súc.
Cũng theo ông Đức, công ty đang cân nhắc về việc bán 20.000 diện tích cao su cho các đối tác lớn đến từ Trung Quốc, sau khi bán xong cùng với việc bán mảng mía đường sẽ thu về một khoản tiền lớn.
“Có nghĩa là đang cân nhắc để 2017 chúng tôi sẽ giải quyết nợ một cách cơ bản và hiện đang chờ tái cấu trúc của Chính phủ và ngân hàng. Hai trường hợp có thể xảy ra, Nhà nước hỗ trợ HAGL tái cấu trúc thì cơ bản không bán gì. Còn nếu có trục trặc sẽ bán 20.000 ha cao su, chúng tôi đã gặp nhiều đối tác Trung Quốc xem xét, nghiên cứu”, ông Đức thông tin.
Ông Đức cũng giải thích với cổ đông, bản chất là dòng tiền của HAGL Agrico do yếu tố khách quan, giá cao su giảm mạnh. “Rõ ràng định hướng 4-5 năm của HAGL là không sai, không lý do gì không đầu tư cho mảng cao su nhưng rủi thay, giá sụt giảm. Và không ai chịu nổi một giá sụt giảm sâu như thế”, ông Đức nói.
“Chúng ta mất cân đối dòng tiền, không mất cân đối về tài sản, bán một phần diện tích cao su và mảng mía đường chúng ta sẽ không còn nợ. Ai đã theo HAGL thì cứ tự tin vào điều đó. Tất cả các công ty đều vay nợ, HAGL Agrico chưa đến nỗi chết”, ông Đức nhấn mạnh.
Ông Đức cũng nói thêm: “Sự cố năm vừa qua chúng tôi không được phép đính chính, không được phép nói tốt về mình vì chúng ta đang xin Chính phủ tái cấu trúc và điều này không chỉ tốt cho HAGL mà tốt cho cả cổ đông ngồi đây. Chúng tôi cũng có nhiều quyết định táo bạo, như phát hành cổ phiếu riêng lẻ giảm nợ, bán tài sản giảm nợ”.
Câu hỏi từ cổ đông về phương án mua lại cổ phần Công ty cao su Đông Dương, tại sao muốn mua lại cổ phần công ty này dù giá cao su đã giảm?
Ông Võ Trường Sơn, thành viên HĐQT HAGL Agrico cho biết, việc mua công ty Đông Dương là mua giá trị đất đai với chi phí rẻ, kế hoạch triển khai trồng cây ăn trái do đặc thù đất rất thích hợp, chương trình đại hội năm sau sẽ công bố chi tiết về kế hoạch phát triển cây ăn trái.
Theo Bizlive