Nửa năm sinh tử, HAGL chỉ họp HĐQT đúng 2 lần

VietTimes – Dù vừa phải trải qua một nửa đầu năm 2016 đầy cam go, với nhiều thời khắc sinh - tử, nhưng khá bất ngờ là HĐQT Hoàng Anh Gia Lai chỉ tiến hành họp 2 phiên, bằng 1/3 so với nửa đầu 2015.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HSX: HAG) vừa tiến hành công bố Báo cáo tình hình quản trị công ty bán niên 2016.

Theo những thông tin trong báo cáo thì trong 6 tháng đầu năm 2016, HĐQT tập đoàn này chỉ tiến hành họp 2 phiên, ít hơn đáng kể so với số lượng 6 phiên của cùng kỳ 2015.

Phiên họp đầu tiên diễn ra vào ngày 15/3/2016. Tại phiên họp này, HĐQT thống nhất thông qua các vấn đề về tái cơ cấu tổ chức cho phù hợp mục tiêu chiến lược hiện nay.

Còn trong phiên họp thứ 2, vào ngày 20/6/2016, HĐQT HAG thống nhất thông qua các vấn đề về quản lý Công ty như quản lý dòng tiền; quản lý chi phí đầu tư, nhằm nâng cao hơn nữa công tác quản lý công ty.

Cả 7 thành viên HĐQT HAG là các ông/bà Đoàn Nguyên Đức, Đoàn Nguyên Thu, Võ Trường Sơn, Nguyễn Văn Minh, Phan Thanh Thủ, Võ Thị Huyền Lan, Nguyễn Xuân Thắng đều góp mặt đầy đủ trong cả hai cuộc họp.

Báo cáo cũng cung cấp các thông tin hữu ích khác về tỷ lệ sở hữu của cổ đông nội bộ và người có liên quan tại tập đoàn này.

Theo đó, tính đến 30/6/2016, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT HAG đang sở hữu 347,8 triệu cổ phiếu, tương đương 44,02% vốn điều lệ tập đoàn – không thay đổi so với thời điểm đầu năm.

Ông Đoàn Nguyên Thu, em trai ông Đức, đồng thời cũng là một thành viên trong HĐQT HAG sở hữu 6,5 triệu cổ phiếu, tương ứng 0,82% vốn điều lệ.

Ông Nguyễn Văn Minh, thành viên HĐQT kiêm Phó TGĐ nắm giữ 3,4 triệu cổ phiếu HAG, tương ứng tỷ lệ sở hữu 0,43%.

Đó cũng là 3 cá nhân sở hữu số lượng cổ phần lớn nhất trong cơ cấu lãnh đạo đương nhiệm ở Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Các lãnh đạo còn lại, kể cả Tổng Giám đốc HAG Võ Trường Sơn cũng chỉ sở hữu số lượng cổ phần hạn chế tại tập đoàn, dao động từ vài vạn đến vài chục vạn cổ phiếu. Hiện, HAGL có tới 11 cá nhân và 38 công ty đóng vai trò là người có liên quan.

Nửa đầu 2016 quả thực là một quãng thời gian khó khăn của HAG. Dấu hỏi về tính hoạt động liên tục của tập đoàn này cũng đã được đưa ra, khi công ty mất khả năng thanh toán với nhiều khoản nợ đến hạn. Cổ phiếu HAG cũng lần đầu rơi xuống dưới mệnh giá và liên tục thiết lập đáy mới.

Nhiều bên cho vay đã phải tiến hành bán giải chấp cổ phiếu HAG để thu hồi nợ. Nhưng nhiêu đó là chưa đủ, bởi tổng nợ phải trả của HAG lên đến hơn 30 nghìn tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ vay.

Để đảm bảo an toàn hệ thống, các ngân hàng chủ nợ của HAGL đã phải ngồi lại với nhau lên phương án tái cơ cấu một số khoản nợ cho HAG và công ty con của họ là HNG (CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai).

Câu chuyện nợ nần của HAGL thậm chí đã kinh động đến cả Chính phủ, khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phải dựng phương án về mặt nguyên tắc, trình lên Thủ tướng Chính phủ, để xin giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ quan trọng của HAG và xem xét việc tái cấp vốn của NHNN đối với các ngân hàng thương mại để hỗ trợ những khoản nợ trên.

Đến nay, vẫn chưa thấy có thông tin gì khác về kết quả đề đạt của NHNN được công bố.

Ngày 31-7, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã đưa vào khai thác khách sạn 5 sao Melia Yangon tại Kaba Aye Pagoda (Yangon, Myanmar).

Ông Võ Trường Sơn, Tổng giám đốc Tập đoàn HAGL, cho biết khách sạn Melia Yangon nằm trong khu phức hợp HAGL Myanmar Center, một quần thể kiến trúc hiện đại khép kín, tích hợp nhiều hạng mục đa dụng như trung tâm thương mại, căn hộ, văn phòng cho thuê, có tổng vốn đầu tư 440 triệu USD, được chia làm hai giai đoạn thực hiện.

Khách sạn Melia Yangon có quy mô 430 phòng, khu vực hội nghị rộng hơn 2.000m2, được quản lý bởi Melia Hotels International.

Theo ông U Htay Aung - bộ trưởng khách sạn, du lịch Myanmar, HAGL Myanmar Center là dự án có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Myanmar trong lĩnh vực bất động sản tính đến thời điểm hiện nay.

N.G